Nghị lực của cô giáo khiếm thị

(Dân trí) - Dạy chữ nổi cho các em học trò khiếm thị có hoàn cảnh mất mát như mình, chị Trần Thị Cúc (sinh năm 1972, ở xã Quảng Châu, TP Hưng Yên) luôn nỗ lực vượt qua mọi thách thức của số phận, tạo niềm tin đưa các em tìm tới ánh sáng cuộc đời.

Tuổi thơ thiệt thòi

Được nghe nhiều người dân nơi đây kể về chị Cúc, chúng tôi tìm đến lớp học Tiền Hòa Nhập tại xã Quảng Châu (TP Hưng Yên) để gặp chị. Từ ngoài đường nhìn vào lớp, chúng tôi vẫn không thể tin một cô giáo có dáng người thanh thoát, da dẻ hồng hào với khuôn mặt khả ái đang miệt mài dạy chữ nổi cho các em học trò khiếm thị ấy lại bị mù lòa. Chỉ đến khi bước vào lớp, nhìn đôi mắt lục đục, hai bàn tay chị lăn trên từng chữ nổi trong sách dạy cho các em, chúng tôi mới thêm cảm phục nghị lực của chị.

Nghị lực của cô giáo khiếm thị  - 1
Chị Trần Thị Cúc (đứng) đang lăn tay trên sách chữ nổi dạy các em khiếm thị.

Nghe tiếng gọi “Chị Cúc phải không?”, chị đáp “Ừ! Là Cúc đây” rồi chị mò mẫm giữa hai dãy bàn tiến về chiếc bàn tiếp khách mời nước. Trò chuyện với chúng tôi, chị Cúc kể vào cuối học kỳ đầu của năm học lớp 3, chị bị lên sởi. Ông Trần Văn Bờ, bố của chị thấy bệnh này cũng nhẹ, nên không đưa con đi khám. Đến mồng ba Tết, chị Cúc ra sân tắm nắng. Lúc vào bỗng thấy hai mắt bị mờ đi. Ông Bờ đi gọi bác sĩ, nhưng bác sĩ lắc đầu không biết bệnh gì. Ông Bờ tiếp tục đưa con lên bệnh viện tỉnh rồi bệnh viện Mắt trung ương Hà Nội, nhưng đều không chữa được. Trước đó anh trai đầu của chị Cúc là Trần Văn Sách cũng bị mù vì sởi khi đang học lớp 7.

Chấp nhận là người mù, chị Cúc luôn cố gắng học tập để theo kịp chương trình học như các bạn. Suốt quãng thời gian đi học, chị chỉ nghe và ghi nhớ lời cô giảng rồi trả lời bài bằng miệng và không bỏ bất cứ một buổi học nào. Kết quả học tập của chị luôn đạt loại tốt. Đến cuối năm lớp 7, nhà trường bảo chị không được thi lên cấp ba vì lý do chị không viết được, không đọc được chữ sáng trong sách. Chị Cúc tâm sự: “Đó là lần đầu tiên mình nhận thức được sự thiệt thòi của bản thân là mất mát rất lớn. Xa thầy cô, bạn bè, lớp học, mấy năm trời mình nhốt mình trong nhà, không dám ra ngoài. Những lúc hội hè nhìn bạn bè cùng trang lứa mặc đồ áo dài đi múa hát, mình lại thấy cô quạnh hơn. Rất nhiều lần mình cũng đã định tìm đến cái chết nhưng thương bố mẹ quá. Mình nghĩ, lẽ nào lại chết uổng phí, khi chưa làm được gì cho người thân, cho cuộc đời. Mình còn may mắn hơn nhiều người khác là có một gia đình là chỗ dựa, rằng cuộc đời vốn rất công bằng chẳng lấy hết của ai bao giờ”.

Vượt lên số phận

Năm 2001, Hội Người mù tỉnh Hưng Yên được thành lập, anh trai chị Cúc là Trần Văn Sách được nhận vào làm. Một thời gian sau, ông Phần, chủ tịch Hội người mù tỉnh Hưng Yên, cùng các cán bộ đến gặp bố chị Cúc để động viên ông cho con gái tham gia công tác Hội.

Tham gia hoạt động ở Hội được gần 3 tháng, đến đầu năm 2002, chị Cúc được cử đi học khóa nữ công đầu tiên của Hội Người mù Việt Nam.

Năm 2003, chị Cúc lại được cử đi học thêm khóa đào tạo giáo viên, khóa quản lý cán bộ, rồi khóa xóa mù chữ. Sau đó chị học thêm nghề mát xa tẩm quất, xin đi làm thêm để có tiền trang trải thêm việc học. Rồi chị về dạy khóa xóa mù chữ đầu tiên do Tỉnh Hội tổ chức ở khách sạn Hồng Ngọc.

Tháng 3 năm 2004, lớp Tiền Hòa Nhập được thành lập, Hội điều chị về giảng dạy. Và chị đã gắn bó với lớp đến bây giờ.

Nghị lực của cô giáo khiếm thị  - 2
Chị Trần Thị Cúc và các em học sinh khiếm thị tại lớp học Tiền Hòa Nhập.

Chị Cúc tâm sự: “Thời gian đầu vào Hội được đi học ở Hà Nội, thấy các anh chị em khác đi học còn có người đi kèm cặp, còn mình thì đơn thân vất lắm, nhiều khi cũng nản. Nhưng nghĩ cô giáo mình là cô Đinh Việt Anh, bị mù lại còn ít tuổi hơn mình mà đã có 2 bằng đại học. Chính cô là động lực để mình cố gắng học thật tốt để sau này về dạy cho các em có hoàn cảnh kém may mắn như mình có được con chữ và tìm được lối đi của cuộc đời”.

Để có thêm kiến thức trong giảng dạy, chị Cúc mày mò học hỏi từ các thầy cô giáo bình thường. Chị còn nhờ người thân mua sách báo về những nội dung chuyên ngành, kiến thức xã hội rồi nhờ người đọc để thu băng, sau đó chị nghe rồi viết ra chữ nổi, đúc rút kinh nghiệm để giảng dạy cho các em học và hiểu một cách tốt nhất.

Niềm vui liên tiếp đến với chị Cúc khi ngay từ những năm đầu dạy chữ nổi cho các em khiếm thị, chị được nhận bằng khen của Trung ương Hội Người mù Việt Nam (năm 2005, 2007). Năm 2006, chị được UBND tỉnh Hưng Yên trao tặng bằng khen.

Nhận xét về cô giáo Trần Thị Cúc, chị Trần Thị Mừng, quản lý lớp, cho biết: “Chị Cúc là người luôn cố gắng vượt qua mặc cảm của số phận, những việc chị làm còn tốt hơn cả người bình thường. Chị có nỗ lực rất cao trong công việc, học tập cũng như công tác giảng dạy cho các em khiếm thị rất chu đáo và rất tốt”.

Bài và ảnh: Mạnh Hùng