Nghệ An: Lấy ý kiến giáo viên về mô hình VNEN

(Dân trí) - Sở GD-ĐT Nghệ An đã có công văn hướng dẫn các trường tiểu học trên toàn tỉnh khảo sát ý kiến của giáo viên về việc triển khai thực hiện theo mô hình trường học mới. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ các trường đăng ký thực hiện theo VNEN đạt mức cao.

Dự án mô hình trường học VNEN được triển khai tại 73 trường tiểu học ở Nghệ An từ năm học 2012-2013.
Dự án mô hình trường học VNEN được triển khai tại 73 trường tiểu học ở Nghệ An từ năm học 2012-2013.

Dự án mô hình trường học mới (VNEN) được triển khai ở Nghệ An từ năm học 2012-2013 tại 73 trường học. Ngày 31/5/2016 vừa qua, dự án kết thúc. Sau 4 năm triển khai thực hiện, VNEN được đánh giá là gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đổi thay phương pháp dạy và học theo hướng tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, VNEN đã bộc lộ một số hạn chế chưa phù hợp với thực tiễn, khiến phụ huynh vẫn còn băn khoăn.

Trước thực tế này, mới đây Sở GD&ĐT Nghệ An đã có Công văn số 1656/SGDĐT- GDTH, ngày 30/8/2016 chỉ đạo 73 trường thực hiện dự án giai đoạn 2013 - 2016 cũng như Phòng GD&ĐT các huyện có các trường nằm trong dự án tiến hành đánh giá điều kiện thực hiện, kết quả thực hiện và lấy ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên về đồng ý hay không đồng ý tiếp tục thực hiện mô hình.

Với chủ trương không nhân rộng trọn gói mô hình VNEN, Sở GD&ĐT cũng đã hướng dẫn để 470 trường tiểu học còn lại căn cứ điều kiện thực hiện và khả năng của nhà trường tự đăng ký thực hiện bao nhiêu thành tố, bao nhiêu phần trong mô hình trường học mới. Trong số 470 trường ngoài dự án này, có 290 trường nhân rộng từng thành tố của VNEN từ năm học 2015-2016.

Ông Trần Thế Sơn: “Việc khảo sát ý kiến của giáo viên được thực hiện tại các trường bằng phiếu kín, đảm bảo các giáo viên không phải chịu bất cứ áp lực nào trong việc đưa ra ý kiến của mình về mô hình VNEN”.

Tổng hợp khảo sát sơ bộ của sở GD&ĐT cho thấy, đối với 73 trường nằm trong dự án thì có 70 trường trên 90% cán bộ quản lý, giáo viên đề nghị tiếp tục mô hình trường học mới, trong đó, có 58 trường có 100% cán bộ giáo viên đồng ý tiếp tục thực hiện; 3 trường gồm Tiểu học Giai Xuân (huyện Tân Kỳ), Tiểu học Long Thành (huyện Yên Thành) và Tiểu học Tiền Phong 2 (huyện Quế Phong) có trên 10% giáo viên đề nghị không tiếp tục triển khai theo mô hình VNEN.

Kết quả khảo sát các trường nằm ngoài dự án cho thấy hầu hết các trường đều đồng ý tiếp tục thực hiện mô hình trường học mới từ một đến hơn một thành tố, có những trường đồng ý áp dụng thực hiện cả bốn thành tố của mô hình trường học mới theo tài liệu hiện hành, gồm đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh, đổi mới sử dụng không gian phòng học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn và nội dung huy động cộng đồng tham gia giáo dục. Trong đó tỷ lệ trường đăng kí thực hiện thành tố đổi mới phương pháp dạy và học chiếm tỷ lệ cao.

Ông Trần Thế Sơn - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học khẳng định: Qua xem xét tại các bản tự khảo sát, đánh giá của các trường đã thực hiện dự án gửi lên cho thấy các trường hoàn toàn đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện mô hình trường học mới. Đó là 100% số trường đủ bàn ghế học tập theo chuẩn, 100% trường có đủ tài liệu học tập, sĩ số các trường có tỷ lệ trung bình hơn 28 học sinh/lớp, thấp hơn mức quy định của Bộ GD-ĐT là 35 học sinh/lớp (trừ 2 trường ở Vinh gồm Tiểu học Nguyễn Trãi, 36 học sinh/lớp và Tiểu học Hưng Dũng, 38,6 học sinh/lớp); tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 98,7%.

Không gian lớp học được tổ chức theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Cắm Muộn (Quế Phong, Nghệ An).
Không gian lớp học được tổ chức theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Cắm Muộn (Quế Phong, Nghệ An).

Cũng theo ông Sơn, từ thực tế kết quả tự đánh giá, nhận xét, đăng ký của các trường nằm trong dự án và các trường nằm ngoài dự án, Sở GD-ĐT Nghệ An chỉ đạo các trường không áp dụng cứng nhắc, rập khuôn, máy móc mà vận dụng 1 cách linh hoạt các điểm mới, điểm tích cực của mô hình trường học mới. Các trường ngoài dự án thì cần trang bị một bộ tài liệu của Dự án để giáo viên nghiên cứu, thay đổi cách dạy phù hợp còn học sinh vẫn sử dụng sách giáo khoa như truyền thống. Đối với 73 trường thực hiện dự án, sau khi kết thúc dự án thì bộ sách giáo khoa giảng dạy theo mô hình trường học mới sẽ tiếp tục được sử dụng chung.

“Hơn 80% số trường được khảo sát đồng ý đăng ký áp dụng ít nhất một thành tố của mô hình trường học mới. Theo chúng tôi đây là điều rất quan trọng bởi phương pháp dạy học là điều kiện, yếu tố cốt lõi của mô hình trường học mới. Đổi mới giáo dục là yêu cầu vừa bức thiết vừa mang tính chiến lược để đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thế giới. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, cần có lộ trình và bước đi thích hợp để giáo viên kịp thích ứng với cái mới và quan trọng là phụ huynh ủng hộ và sẵn sàng đón nhận”, ông Trần Thế Sơn cho hay.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm