Nghệ An: Hiệu quả câu lạc bộ Hội Cha mẹ học sinh ở bậc học mầm non
(Dân trí) - Với mục đích tạo cầu nối giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng, hai năm nay, ngành GD&ĐT huyện Tương Dương (Nghệ An) tiếp tục duy trì câu lạc bộ (CLB) hội cha mẹ học sinh bậc học mầm non. Đây là CLB góp phần vào công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cả gia đình, cộng đồng và nhà trường, xây dựng môi trường học tập văn hóa thân thiện và giáo dục song ngữ.
Chúng tôi vừa có mặt tại buổi giao lưu CLB hội cha mẹ học sinh tại Trường Mầm non xã Lưu Kiền - một trong những trường khó khăn của huyện Tương Dương. Chứng kiến không khí sôi nổi của phụ huynh, giáo viên và các cháu học sinh tại buổi giao lưu, ít ai nghĩ rằng, để có được buổi giao lưu hôm nay, nhà trường và chính quyền địa phương phải thật sự nỗ lực.
Bởi toàn trường có trên 200 cháu thì có gần 80% số cháu là con em thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, học ở 6 điểm lớp, có những điểm cách trường chính cả chục cây số, lại đang là mùa thu hoạch lúa rẫy. Mọi công tác chuẩn bị các nội dung giao lưu chỉ tranh thủ vào buổi tối. Dù vậy, tinh thần và sự nhiệt tình của phụ huynh và sự phối kết hợp nhịp nhàng của giáo viên đã mang lại một buổi giao lưu ý nghĩa.
Cô Trần Thị Nhàn - Phó hiệu trưởng Trường mầm non Lưu Kiền chia sẻ: “Sau khi chọn nội dung, chủ đề hợp với đặc điểm ở địa phương, chia mỗi đội gồm 4 phụ huynh, 2 giáo viên. Nội dung gồm 4 phần là: thể dục đồng diện, múa hát sân trường và kiến thức, phần trò chơi dân gian, triển lãm đồ dùng đồ chơi. Qua đó, các trẻ được trải nghiệm đồ dùng, đồ chơi do bố mẹ tự làm, nên trẻ rất hứng thú và khai thác được nhiều môn học hiệu quả”.
Trường mầm non Thạch Giám - một trong những trường chuẩn Quốc gia thuộc xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Tương Dương, có điều kiện tương đối thuận lợi. Khi tận mắt chứng kiến cảnh phụ huynh, giáo viên cùng làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu sẵn có, cùng trang trí cảnh quan, khuôn viên trường xanh sạch đẹp mới thấy cái được từ CLB Hội Cha mẹ học sinh mang lại.
Những món đồ chơi được giáo viên và phụ huynh cùng làm đã tạo ra những thích thú cho các cháu trong mỗi buổi học.
Với hình thức nhà trường cùng phối hợp với hội cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương. Mỗi phụ huynh là một thành viên cùng tham gia các hoạt động do ngành và nhà trường tổ chức, cùng tham gia sinh hoạt định kỳ mỗi năm 3 lần.
Chị Lữ Thị Lê - phụ huynh ở khối Bản Mác, Trường mầm non Thạch Giám chia sẻ: “Tôi là phụ huynh của 2 cháu hiện đang học ở khối Bản Mác, 2 năm trở lại nay tôi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ phụ huynh. Khi tham gia tôi cùng các cô làm đồ chơi cho con, cùng các cô lo cho con mỗi bữa ăn. Tôi thấy câu lạc bộ hoạt động thế này rất ý nghĩa”.
Đặc thù của bậc học mầm non là phải có sự phối hợp giữa cha mẹ với nhà trường để cùng chăm sóc, giáo dục trẻ. Trên cơ sở đó ngay khi có hướng dẫn của Sở GD&ĐT về “Tổ chức câu lạc bộ hội cha mẹ học sinh”, ngành giáo dục huyện Tương Dương đã triển khai đồng bộ đến 18 trường trên toàn huyện.
Do Tương Dương là huyện miền núi, địa bàn rộng, giáp biên giới Việt - Lào, trong 109 điểm trường lẻ thì còn 3 điểm chưa thể áp dụng hình thức bán trú dân nuôi. Vì thế những năm đầu triển khai ngành vừa phải tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, vừa chỉ đạo một số trường vùng lòng hồ, vùng sâu, xa của huyện phân công giáo viên đến từng hộ để vừa vận động học sinh đến lớp vừa tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của câu lạc bộ.
Hoạt động của câu lạc bộ đã góp phần vào việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng từ 25% đầu năm xuống dưới 10% vào cuối năm học 2016 - 2017, chất lượng giáo dục ngày một nâng lên. Tình trạng cả trẻ và phụ huynh không biết tiếng phổ thông không còn.
Ông Kha Văn Lập - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: “Cái lớn nhất thấy được là nhận thức cha mẹ về giáo dục, chăm sóc trẻ cũng như trách nhiệm đối với giáo dục trẻ ngày càng tăng lên. Ngoài ra CLB này còn làm được thêm là đồ dùng, đồ chơi được củng cố đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, chính CLB hội cha mẹ còn góp phần làm cho môi trường trong, ngoài lớp khang trang hơn, công tác huy động trẻ ra lớp không vất vả như trước đây nữa”.
Thông qua CLB, các mối quan tâm, nhu cầu, nguyện vọng về chăm sóc giáo dục trẻ giữa phụ huynh và nhà trường cũng thường xuyên được chia sẻ, giúp cả hai bên thuận lợi hơn trong mọi hoạt động của nhà trường, nhất là đối với các trường bán trú dân nuôi.
Đặc biệt, là trong giai đoạn đang thực hiện đề án đưa song ngữ vào giảng dạy, thì sự đồng hành của phụ huynh sẽ góp phần xây dựng môi trường học tập văn hóa thân thiện, và giảm các chi phí cho các trường, đưa công tác dạy và học ngày một phát triển.
May Huyền