Nghệ An: Gần 900 học sinh bỏ học sau Tết

(Dân trí) - Tính đến ngày 12/2/2012, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 871 học sinh bỏ học (Tiểu học 17, THCS 446, THPT 408). Để tình trạng học sinh không phải bỏ học dở chừng, Sở GD-ĐT rất mong các tổ chức xã hội chung tay giúp đỡ các em trong đời sống.

Nghệ An: Gần 900 học sinh bỏ học sau Tết
Học sinh miền biên cương Nghệ An thường phải cuốc bộ đi học.
 
Để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, ngay đầu năm học, Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị giáo dục, tích cực tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền và phối hợp với các tổ chức xã hội, hội cha mẹ học sinh…; có kế hoạch giúp đỡ các em học sinh thuộc đối tượng khó khăn có nguy cơ bỏ học về vật chất lẫn tinh thần, để các em tiếp tục đến trường.

Tuy nhiên đến ngày 12/2, toàn tỉnh có 871 học sinh ở ba cấp bỏ học. Trong đó đáng chú ý tại huyện miền núi Con Cuông theo báo cáo của Phòng giáo dục huyện này tình hình sau tết Nhâm Thìn số học sinh bỏ học với 105 em học sinh THCS bỏ học và đang định bỏ học.

Nguyên nhân do sau Tết, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi có phong tục ăn Tết dài. Bên cạnh đó, nhiều anh chị học xong cao đẳng, đại học cũng không xin được việc làm, cũng phải đi Nam, ra Bắc tìm việc làm tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp… cũng là một trong những nguyên nhân tác động làm các em bỏ học.

Hiện nay Phòng giáo dục và cấp uỷ, chính quyền cơ sở đang vận động các em trở lại học tập, nhưng đã có gần 60 em đi miền Nam làm ăn và sang Quỳ Hợp làm phu khai thác quặng thiếc khó quay trở về học tập.

Sáng ngày 1/3/2012, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, hiện ngành giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường nắm bắt một cách chính xác đối tượng học sinh thuộc con nhà nghèo, khó khăn đã bỏ và có nguy cơ bỏ học để đưa vào diện cần giúp đỡ tránh các em bỏ học như nói ở trên.

Bên cạnh đó, nhà trường chủ động làm việc với các cấp ủy, chính quyền địa phương làm thế nào đó phối hợp, nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ tiền, đồ dùng để các em được tới trường không còn bỏ học dở chừng như hiện nay. Hiện có nhiều trường bằng nỗ lực của các thầy cô đã lập quỹ hỗ trợ học sinh khó khăn, đồng thời những em nào không thể theo học thì hướng các em đến việc học nghề.

Đồng thời Sở GD-ĐT Nghệ An cũng phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh, đề xuất các cấp ủy đảng chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội có những ủng hộ về vật chất để hỗ trợ kinh phí cho các em ở những vùng khó khăn để các em tiếp tục học tập. Theo đó, các trường học phải luôn nắm bắt số liệu kịp thời để vận động các em tới trường. Đặc biệt là sự vận động từ phía gia đình, chính quyền địa phương cũng như hướng dẫn đến việc nhận thức của các em học sinh trong con đường học vấn.

Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu một số trường ở vùng núi các giáo viên dạy phụ đạo, dạy thêm, kèm cặp không lấy tiền các em. Ngoài những vấn đề trên, các thầy cô giáo cần phối hợp với đoàn viên thanh niên địa phương, chính quyền các cấp đến tận gia đình các em có ý định và đã bỏ học vận động các em trở lại trường.

Nguyễn Duy