Ngày chót, thí sinh vẫn "bối rối" khi làm thủ tục đăng ký thi THPT quốc gia
(Dân trí) - Ngày 20/4, tại nhiều điểm nhận hồ sơ tại Hà Nội, số thí sinh đến làm thủ tục đăng ký dự thi THPT quốc gia rất thưa thớt vì hạn cuối. Tuy nhiên, thí sinh vẫn còn sai sót nhiều trong cách khai nộp hồ sơ.
Trong buổi sáng ngày 20/4, điểm đăng ký dự thi Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Quan Hoa, Hà Nội) đã tiếp nhận khoảng 50 thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ.
Cô Lê Huệ Anh – cán bộ hướng dẫn thủ tục cho biết, vì các em thí sinh tự do đa phần đã nghỉ học lâu nên quên cách làm hoặc chưa cập nhật đầy đủ thông tin đăng ký dự thi dẫn đến nhiều sai sót khi điền hồ sơ. Trong đó, đối tượng thí sinh là chiến sĩ làm nghĩa vụ, bộ đội còn nhiều bỡ ngỡ với cách viết phiếu mới.
Đang là chiến sĩ thuộc Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân (Hà Nội), em Nguyễn Đình Thự (sinh năm 1997, quê Bắc Ninh) cùng 5-6 anh em trong đơn vị đã xin nghỉ phép để ra ngoài nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT Quốc gia và xét tuyển vào trường ĐH trong ngày hạn cuối.
Chàng trai Bắc Ninh bộc bạch: “Em ở trong đơn vị nên bất tiện lắm, mỗi lần ra ngoài hoàn thiện hồ sơ lại phải xin phép thủ trưởng. Năm nay, em đăng ký 2 nguyện vọng vào trường Sĩ quan không quân và Kỹ thuật hàng không.”
Là chiến sĩ, Thự không được sử dụng điện thoại nên trong tờ khai, ở phần liên lạc với thí sinh, Nguyễn Đình Thự đã điền số điện thoại của mẹ. Cán bộ hướng dẫn lưu ý em và nhiều thí sinh khác tương tự phải gọi điện nhắc ngay bố mẹ để ý tin nhắn thông báo “mã hồ sơ”. Bởi nếu phụ huynh tưởng tin nhắn rác xóa đi thì việc khôi phục mã hồ sơ cho thí sinh rất khó khăn và phức tạp.
Em Nguyễn Mạnh Linh (sinh năm 1994, Hà Nội) đã đi nghĩa vụ được 3 năm. Mạnh Linh chia sẻ: “Em phải chạy đôn, chạy đáo vì tờ khai cho thí sinh tự do và tờ khai trong nghĩa vụ có mẫu khá khác nhau”. Không tận dụng cơ hội đăng ký nhiều nguyện vọng cùng lúc, Linh đăng ký duy nhất một nguyện vọng vào trường ĐH Phòng cháy và chữa cháy bởi đó là ngôi trường mục tiêu của em.
Năm nay tỉ lệ thí sinh thi để lấy kết xét tuyển vào ĐH chiếm khoảng 75%, cao hơn năm ngoái khoảng 5%.
Ở điểm nộp hồ sơ tại Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Nhân Chính, Hà Nội), số lượng thí sinh tự do đến đăng ký rải rác trong ngày chót.
Anh Phạm Tiến Hồng, cán bộ hỗ trợ thí sinh đăng ký hồ sơ cho biết, bắt đầu từ ngày hôm qua, mỗi buổi có khoảng 60 thí sinh đến nộp hồ sơ. Một số đối tượng đến đăng ký dự thi đang thực hiện nghĩa vụ trong quân ngũ. Nhiều khi các bạn không được tiếp xúc thông tin về mã mới nên cán bộ phải hướng dẫn tận tình, chi tiết để thí sinh đảm bảo thông tin hồ sơ chính xác.
Năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 cùng lúc với đăng ký dự thi nên các trường ĐH đã công bố cụ thể đề án tuyển sinh của mình 10 ngày trước khi thí sinh bắt đầu đăng ký.
Do thông tin về kỳ thi được cung cấp đầy đủ từ sớm nên ngay từ những ngày đầu tiên tiếp nhận đăng ký dự thi đã có khá nhiều thí sinh nộp hồ sơ. Các sở GDĐT cũng đã nhập dữ liệu ngay từ đầu nên không xảy ra tình trạng dồn ứ dữ liệu vào những ngày cuối.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, trong những ngày gần kết thúc thời gian đăng ký vừa rồi, có lúc lưu lượng nhập dữ liệu tăng cao, nhưng bộ phận công nghệ thông tin đã có phương án máy chủ dự phòng để tăng cường lúc cao điểm. Trong thời gian đăng ký, hệ thống CNTT hoạt động ổn định, thông suốt.
Các sở GDĐT cũng đã phân tán việc nhập dữ liệu về các trường THPT nên không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Nhiều sở GDĐT đã kết thúc nhập dữ liệu lên hệ thống sớm hơn dự kiến.
Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh thi để lấy kết xét tuyển vào ĐH chiếm khoảng 75%, cao hơn năm ngoái khoảng 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Lệ Thu