“Ngày 19/8 em phải nhập học rồi, nhưng giờ không biết lấy đâu tiền đi học?”
(Dân trí) - “Ngày 19/8 này em phải nhập học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội rồi, nhưng giờ trong nhà không có một thứ gì nữa cả, chẳng biết lấy đâu ra tiền mà đi học. Có lẽ em phải nói bố mẹ vay ngân hàng để tiếp tục được đến trường...” - em Ngô Văn Giang, thủ khoa khối A tỉnh Nghệ An chia sẻ trong âu lo.
Không quá xa lạ với bà con xóm Đông Hội 2 (xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ Anh) nơi gia đình em Ngô Văn Giang sinh sống, hình ảnh tấm thân gầy với tấm áo đồng phục quen thuộc đổ lên vách tường nhà bếp chỉ chưa đầy chục mét vuông. Em cố ngồi bên bếp củi nấu cho xong nồi cơm chống đói cho cả gia đình ngay giữa trưa.
Cả gia đình khánh kiệt vì bạo bệnh
Những tiếng ho sùng sục vang lên kèm theo tiếng thờ dài khi chúng tôi vừa đặt chân tới hiên nhà. Kèm theo đó là hình ảnh chiếc chăn bông được khoác lên người cô con gái tên Hà dù trời đang nóng trên 30 độ trong căn nhà nhỏ bé. Những câu chuyện về các thành viên trong gia đình qua lời kể của ông Ngô Xuân Sơn (bố Giang) cũng từ đó được thốt ra khiến ai nghe qua cũng cảm thấy nhói tận đáy tim.
Gia đình ông Sơn có 3 người con, một trai hai gái. Cả ba chị em Hải, Hà và Giang đều học rất giỏi, tiếng thơm khắp vùng: Hải (SN 1992) tốt nghiệp Đại học Thương mại, Hà tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, còn cậu con út Giang thuộc top 4 học sinh điểm cao nhất khối A tại Nghệ An trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua.
Trời khéo trêu ngươi khiến gia đình Giang không thoát khỏi cái đói, cái nghèo bủa vây bởi bạo bệnh không trừ một ai. Gánh trụ cột trong gia đình nhưng căn bệnh tim bẩm sinh khiến ông Sơn nhiều lúc “chết đi sống lại”. Nhiều lần ông đi khám, bác sĩ khuyên nên phẫu thuật để đảm bảo sức khỏe, còn gồng gánh nuôi vợ con. Vậy mà nghĩ đến tương lai của các con đang tuổi ăn học, ông đành dựa vào tấm thẻ bảo hiểm, xin vài ba viên thuốc về nhà uống chống lại cơn đau.
“Bệnh tim hành hạ, mấy năm bay lại thêm hen suyễn không có tiền chữa giờ tôi cũng chẳng kham nổi việc nặng nhọc. Vợ tôi cũng chẳng khá hơn, đau ốm triền miên. Thoái hóa cột sống hành hạ nhưng cũng chẳng dám chi một đồng tiền thuốc” - ông Sơn tâm sự với chúng tôi, gương mặt choắt lại đầy những vết chân chim với ánh nhìn mệt mỏi.
Dù gia đình nghèo, nhưng Giang cố gắng học tập và luôn là học sinh giỏi, chăm ngoan.
Gia đình làm nông, ruộng không đủ làm, thu nhập chẳng bao nhiêu. Vậy mà thương con, ông Sơn cố chạy vạy vay mượn khắp nơi nuôi 3 con ăn học. Để giờ đây khi cầm trong tay bằng cử nhân đại học, người chị cả đành khép lại ước mơ, bươn chải với nghề công nhân kiếm tiền phụ gia đình. Tiền lương ít ỏi Hải kiếm được chắt chiu từng đồng gửi về chăm lo gia đình.
Với bao nhiêu dự định đứng lên bục giảng cầm viên phấn, chiếc bút nắn nót từng chữ cho học sinh, Hà đành khép lại. Bởi vừa cầm tấm bằng trong tay về chờ việc thì Hà nhận được kết luận của bác sĩ là em bị u nang buồng trứng. Tiếp đến là căn bệnh viêm cầu thận mãn tính khiến em dường như gắn liền với chiếc giường bệnh.
Giang bên góc học tập đơn sơ.
Chuỗi ngày giông bão của gia đình Giang cũng từ đó ập đến. Chạy vạy khắp nơi được đồng nào ông Sơn đều đổ vào bệnh viện, thuốc thang lo cho đứa con gái thứ hai. Gia đình cũng từ đó khánh kiệt dần. Để giờ đây gia đình chẳng còn gì ngoài ngôi nhà tránh nắng mưa, con trâu đầu cơ nghiệp ông không dám bán.
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đối với em Ngô Văn Giang, xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại: 0166 7625 321 (em Giang) hoặc 0168 5044 935 (ông Sơn - bố em Giang). Trân trọng!
Giang cũng không ngoại lệ, bệnh hen suyễn "đeo bám" em. Giang đã uống vào người không biết bao nhiêu thuốc. Từ Đông y, Tây y ai chỉ bài thuốc nào em đều thực hiện nhưng bệnh tình chẳng khá hơn là bao. Những cơn ho kéo dài khiến Giang ngày càng thêm ốm yếu.
"Em không muốn bỏ học"
Thương bố mẹ đau ốm triền miên, ngoài giờ học Giang gánh thêm những phần việc khác. Từ đồng áng, nấu nướng đến giặt giũ em đều thành thạo. Những nhát cuốc gõ vào lòng đất đều đặn, liên tục trong ruộng mía cùng mẹ đã chứng minh điều đó. Hiểu được hoàn cảnh gia đình mình, thời gian trên lớp Giang tập trung cao độ việc học, khi bước chân về nhà em tất bật làm lụng phụ giúp gia đình.
Mặc dầu bị bệnh hen suyễn hành hạ nhưng 12 năm liền Giang đều là học sinh giỏi. Kèm theo đó em đạt được những giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Năm học lớp 12, Giang giành giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý và giải Khuyến khích học sinh giỏi tỉnh môn Toán.
Suốt 12 năm ăn học, Giang chưa từng mua bất cứ cuốn sách nào ngoài giáo khoa. Các tài liệu em có được chủ yếu từ thầy cô, bạn bè cho mượn. Ấy vậy mà em chẳng phụ công thầy cô, bố mẹ.
Tiếp nối sự thông minh của các chị, Giang được mệnh danh "thần đồng" trong xóm nhỏ. Điều đó được thể hiện khi trong người mang bạo bệnh nhưng 12 năm liền em thuộc học sinh giỏi. Kèm theo đó em đạt được những giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Thương bố mẹ đau ốm triền miên, ngoài giờ học Giang gánh thêm những phần việc khác. Từ đồng áng, nấu nướng đến giặt giũ em đều thành thạo.
Năm học lớp 12, Giang giành giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý và giải Khuyến khích học sinh giỏi tỉnh môn Toán. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, em đạt 26,8 điểm khối A (Toán 8,8; Lý 9,5 và Hóa: 8,5 điểm), trở thành một trong 4 thí sinh có tổng điểm khối A cao nhất tỉnh Nghệ An. Số điểm này giúp em dễ dàng đậu vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội như đã đăng ký.
Cô Phan Thị Thanh Huyền - giáo viên chủ nhiệm của Giang cho biết: “Dù bệnh của Giang gắn liền với thuốc nhưng vượt lên tất cả Giang luôn là một tấm gương sáng cho các bạn bè noi theo. Trong lớp, Giang ham học hỏi, chịu thương chịu khó, có tư duy và đặc biệt rất đam mê môn Vật lý”.
Thời gian trên lớp Giang tập trung cao độ việc học, khi bước chân về nhà em tất bật làm lụng giúp gia đình.
“Nhận được điểm trên tay em vừa mừng vừa buồn. Mừng vì đạt điểm cao nhưng không biết mai đây em có được đi học nữa không…”. Tâm sự với chúng tôi, mắt Giang ánh lên sự buồn bã.
Không ít lần nước mắt em rơi trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi. “Chỉ cần em được đi học đại học thì em có thể làm tất cả. Học mới có cơ hội phụ giúp gia đình, sau này lo tiền thuốc thang cho bố mẹ, chị”.
Niềm vui đậu đại học của Giang chưa vơi thì kèm theo đó là nỗi lo của cả gia đình. Khi gia đình đã trở nên khánh kiệt không còn thứ gì đáng giá để bán, không ai có thể đảm bảo cùng Giang đi suốt quá trình làm sinh viên đại học.
Nguyễn Phê