Ngành Vật lý hạt nhân đang thiếu người học

(Dân trí) - Với nhu cầu rất lớn cán bộ chuyên môn có trình độ cao để thực hiện chương trình điện hạt nhân, mà mục tiêu là xây dựng nhà máy điện nguyên tử vào năm 2020 thì nhân lực cho ngành khoa học hạt nhân nói chung và cho chương trình điện hạt nhân nói riêng ở nước ta, hiện còn khá thiếu.

Đó là báo cáo của Viện năng lượng nguyên tử.

 

Từ hơn chục năm nay, các khoa vật lý hạt nhân ở các trường ĐH chính như ĐH Bách khoa HN, ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia, HN luôn rơi vào tình trạng ế ẩm, điểm chuẩn dù hạ thấp hơn hẳn những ngành khác nhưng chẳng mấy khi thu hút đủ sinh viên theo học.

 

Theo tài liệu hướng dẫn của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhu cầu nhân lực của dự án đưa một nhà  máy điện hạt nhân vào hoạt động cần khoảng 3.500- 4.500 người, trong đó có khoảng 500-700 người có trình độ đại học và trên đại học, 700-1000 kỹ thuật viên và 2.200-3000 công nhân lành nghề các loại. Việc đào tạo cán bộ đủ chuyên môn cho các hoạt động từ khâu tiền dự án, quản lý dự án, kỹ thuật, giám sát đến chạy thử nghiệm vận hành và bảo trì, quản lý thải phóng xạ…là không dễ dàng và không thể thực hiện trong một thời gian ngắn, dù có đầy đủ điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất đến đâu.

 

Nếu mỗi năm, VN đào tạo được 70-100 người thì phải sau 12 đến 15 năm nữa mới đào tạo đủ số chuyên môn này. Tính đến đầu năm 2005, chúng ta mới chỉ có khoảng hơn 600 cán bộ chuyên môn làm việc trong ngành hạt nhân, phần lớn trong số này là cán bộ của Viện năng lượng nguyên tử. Trong khi đó, số cán bộ của Viện trong 10 năm qua lại suy giảm khoảng 20% do nhều nguyên nhân: chuyển ngành khác, làm việc cho công ty nước ngoài, ở tại nước ngoài dài hạn… Cùng đó, nhân lực cho ngành hạt nhân đang bị già hoá, tuổi trung bình của cán bộ Viện hiện là 45. Hầu như không có cán bộ giỏi dưới 35 tuổi để đi đào tạo tại nước ngoài…

 

Tình hình nhân lực ở các cơ quan khác trong ngành hạt nhân như Liên đoàn địa chất xạ hiếm, Trung tâm Vật lý hạt nhân- Viện vật lý cũng không có gì khả quan hơn. Cán bộ có trình độ hầu hết đã lớn tuổi trong khi đó việc đào tạo cán bộ trẻ thay thế hoàn toàn bị thả nổi. Vấn đề nhân lực khoa học hạt nhân đã bị bỏ rơi trong một thời gian dài đúng như nhận xét của các chuyên gia tại nhiều cuộc hội thảo chuyên đề do Viện năng lượng nguyên tử tổ chức. Và cũng theo đánh giá của các chuyên gia thì chũng ta phải có kế hoạch đào tạo bổ sung ngay từ bây giờ, nếu muốn có một nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020.

 

Để có sinh viên theo học, Viện năng lượng nguyên tử cấp học bổng cho sinh viên giỏi và biện pháp tình thế này tuy có giúp tăng số sinh viên học vật lý hạt nhân lên chút ít, nhưng cũng chẳng đủ sức hút đối với những sinh viên thật sự có năng lực hứng thú với chuyên ngành này. Một trong những nguyên nhân là do sinh viên tốt nghiệp ở các khoa đó khó kiếm được việc làm, hoặc có thì mức lương cũng rất khiêm tốn so với các ngành học khác.

 

Dù vậy, với những thành tựu VN đã đạt được trong nhiều lĩnh vực khoa học, kể cả lĩnh vực hạt nhân, các chuyên gia hạt nhân hoàn toàn tin tưởng vào khả năng trí tuệ con người VN trong việc thực hiện thành công chương trình điện hạt nhân.

 

Châu Minh