Ngành khoa học cơ bản bắt đầu hút thí sinh
(Dân trí)- Trong khi các trường thành viên đều có lượng hồ sơ ĐKDT giảm so với năm trước, hồ sơ vào ĐH Khoa học TN- ĐHQGHN lại tăng ở cả hai khối A, B (gần 1.000 bộ). Điều này cho thấy ngành khoa học cơ bản "hút" thí sinh hơn trước. Vậy nguyên nhân là do đâu?
Để làm sáng tỏ vấn đề này, Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Hữu Dư - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Thưa GS, một điều dễ nhận thấy là năm nay số lượng hồ sơ ĐKDT vào trường ĐH Khoa học Tư nhiên tăng lên đáng kể so với năm 2010. Vậy theo quan điểm của PGS có phải thí sinh đang ngày càng chú trọng đến các ngành học khoa học cơ bản (KHCB) hơn không?
GS.TS Nguyễn Hữu Dư: Việc số lượng hồ sơ ĐKDT vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tăng lên phản ánh rằng xã hội đã và đang nhận thức vai trò quan trọng của KHCB đối với sự phát triển của đất nước. Chúng tôi nghĩ rằng thí sinh đã nắm bắt được chủ trương của nhà nước là sẽ rất chú trọng đến đào tạo KHCB vì đó là nhu cầu thực sự cho sự phát triển bền vững của một quốc gia.
GS. TS Nguyễn Hữu Dư. |
Hơn nữa, việc các em lựa chọn thi vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN là các em đang lựa chọn vào học ở một trường đào tạo về KHCB hàng đầu của cả nước. Với truyền thống 55 của ĐH Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi có thể tự hào mà nói rằng ĐHKHTN là trường có đội ngũ cán bộ giảng dạy có học hàm, học vị cao nhất trong các trường đại học của cả nước.
Theo thống kê về nguyện vọng đăng ký thì chuyên ngành về Công nghệ sinh học, khoa học môi trường năm nay hút được một lượng lớn thí sinh ĐKDT, nhất là thí sinh dự thi khối B. Vậy đây có phải là hai ngành học “nóng” nhất của trường? Với xu hướng thí sinh đầu đơn nhiều như vậy thì liệu điểm chuẩn hai ngành học này có tăng đột biến trong kì thi tuyển sinh năm nay hay không?
Tôi vẫn thường nói rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của Công nghệ Sinh học, nửa đầu của thế kỷ 21 sẽ có rất nhiều vấn đề nóng bỏng liên quan đến Môi trường. Đông thí sinh dự thi vào ngành này thì đương nhiên điểm chuẩn có thể cao lên. Tuy vậy, chúng tôi có chính sách tuyển sinh hết sức linh động để những học sinh có khả năng và có nguyện vọng đều có thể vào học ở trường.
Nhiều thí sinh vẫn có quan điểm tỷ lệ “chọi” cao sẽ dẫn đến điểm chuẩn thấp và ngược lại. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào? Một số ngành học của trường có số lượng thí sinh đăng ký không nhiều thì liệu điểm chuẩn có thấp đi hay không?
Không có một công thức nào biểu diễn mối quan hệ giữa tỷ lệ "chọi” và “điểm chuẩn”. Theo tôi, tỷ lệ "chọi” để vào trường năm nay là hợp lý. Vì vậy nó sẽ có một điểm chuẩn trúng tuyển hợp lý.
Điều quan trọng là ĐHKHTN sẽ có 2 điểm chuẩn: điểm chuẩn để vào ngành thí sinh đăng ký dự thi và điểm chuẩn để thí sinh trúng tuyển vào trường. Những thí sinh không trúng tuyển vào ngành mình đăng ký sẽ có quyền đăng ký vào học ở một ngành khác nếu còn chỉ tiêu.
Trước thềm kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới GS có lời khuyên gì đối với các bạn thí sinh, đặc biệt là những bạn đã đầu đơn vào trường ĐH Khoa học Tự nhiên?
Các bạn đang đứng trước lựa chọn quan trọng của cuộc đời. Các bạn hãy nhìn đến bức tranh khoa học kỹ thuật, kinh tế - xã hội trong 5-7 năm tới để quyết định mình dự thi vào ngành nghề nào là thích hợp nhất. Mọi cuộc chạy đua theo số đông thường dẫn đến kết quả trái với điều mong muốn của mình. Có những ngành bây giờ có số lượng sinh viên đăng ký cao, trường nào cũng mở đào tạo ngành đó thì liệu 5 năm nữa, bạn có cơ hội chen chân vào cánh cửa việc làm đúng ngành hay không.
Theo quan điểm của tôi thì đăng ký thi vào chuyên ngành của Khoa học cơ bản, thí sinh sẽ có cơ hội trúng tuyển cao, sẽ được đội ngũ chuyên gia giỏi nhất nước giảng dạy, hướng dẫn nghề nghiệp và 5-7 năm tới khi khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội phát triển thì cơ hội nghề nghiệp cũng sẽ rất rộng mở.
Xin cảm ơn GS!
Theo thống kê của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, tỷ lệ “chọi” khối A ở các khoa tương đối đồng đều. Một số ngành học thường khó tuyển trong nhiều năm trước đây thì đã được thí sinh quan tâm nhiều hơn. Cụ thể, tỷ lệ “chọi” ngành Toán, Toán tin ứng dụng 1/2,7; Ngành Vật lý, Khoa học Vật liệu, CN Hạt nhận 1/3,0; Ngành Hóa học, Công nghệ Hóa học, Hóa dược 1/4,5; Ngành Địa lý, Địa chính 1/3,0; Ngành Địa chất, Địa Kỹ thuật-Địa Môi trường, Quản lý Tài nguyên thiên nhiên, Khí tượng - Thủy văn - Hải dương học 1/2.1 |
Nguyễn Hùng (thực hiện)