Ngành học mới 2019: Dữ liệu và Phân tích kinh doanh
(Dân trí) - Trường ĐH Kinh tế quốc dân vừa tổ chức buổi tọa đàm về ngành học "Dữ liệu và Phân tích kinh doanh trong nền kinh tế số". Đây là một ngành học mới trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0.
Nói về tương lai của Ngành phân tích kinh doanh, GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, ngành Phân tích dữ liệu trong kinh doanh là một trong những đặc điểm nổi bật của kinh doanh ở thế kỷ 21.
Trong xu thế của CMCN 4.0 với đặc trưng là nền kinh tế số, nhiều công ty đã tích lũy được hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) trong các hệ thống giao dịch khác nhau qua nhiều thập kỷ, và mong muốn của các doanh nghiệp hiện nay là có thể đưa ra các quyết định kinh doanh tối ưu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn.
Theo đó, nhu cầu về phân tích dữ liệu kinh doanh là không hề nhỏ. Dữ liệu lớn có mặt trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế và sản xuất. Ngành phân tích dữ liệu đã và đang phát triển rất tích cực ở hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa chính thức đào tạo ngành phân tích dữ liệu, hay cụ thể hơn là phân tích dữ liệu kinh doanh. GS Đạt cho hay, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với mục tiêu và sứ mệnh của mình nên xác định sẽ là một trong những trường tiên phong phát triển và đào tạo các chương trình mới đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng – Giám đốc TTĐT Tiên tiến, Chất lượng cao và POHE cho biết, ngành Phân tích kinh doanh – là chương trình đào tạo bậc cử nhân. Nội dung được xây dựng trên cơ sở tham khảo Chương trình đào tạo của trường đối tác Đại học California, San Bernardino – Hoa Kỳ, nhằm đào tạo ra các nhà phân tích dữ liệu được trang bị kiến thức về các phương pháp, công cụ để thu nhập, phân tích, xử lý, lưu trữ, chiết xuất, quản lý dữ liệu và sử dụng dữ liệu nhằm đáp ứng được các nhu cầu đa dạng cho các doanh nghiệp và các ngành kinh tế.
Ngành Phân tích kinh doanh cũng trang bị các kiến thức về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và mối quan hệ giữa các bộ phận chức năng trong một tổ chức, doanh nghiệp để từ đó thiết kế, xây dựng và triển khai được các dự án một cách mạch lạc, có hiệu quả và đáp ứng được kỳ vọng của bên hữu quan.
Theo đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng sử dụng tích hợp các mô hình và công cụ phù hợp để phân tích dữ liệu nhằm đáp ứng các yêu cầu đa dạng cho các doanh nghiệp và các ngành kinh tế; có khả năng vận dụng các phương pháp quản lý dữ liệu để đảm bảo tính khách quan và chính xác của các báo cáo.
Trên cơ sở nguồn dữ liệu hiện có, sinh viên có khả năng phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp kinh doanh phù hợp; có khả năng lựa chọn và triển khai các giải pháp thích hợp trong lưu trữ và quản lý cơ sở dữ liệu để đáp ứng nhu cầu về chất lượng, tính bảo mật và quyền riêng tư của các các doanh nghiệp.
Ngoài ra, sinh viên có khả năng áp dụng các kỹ thuật về phân tích định lượng, bao gồm xác suất, thống kê, tối ưu hóa và mô phỏng để lựa chọn và triển khai các mô hình phân tích và dự báo kinh doanh phù hợp...