Ngành giáo dục Thanh Hóa nhận Huân chương độc lập hạng Nhì

(Dân trí) - Sáng ngày 20/8, ngành giáo dục Thanh Hóa tổ chức tổng kết năm học 2009 - 2010, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm hoc 2010 - 2011 và long trọng đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng.

Tham dự buổi lễ đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhì có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh uỷ, đại diện các sở ban ngành cùng đông đảo cán bộ quản lý giáo dục.

Trong thời gian qua, tuy còn nhiều khó khăn, ngành giáo dục Thanh Hóa đã vươn lên đạt được những thành tích đáng kể. Hệ thống, quy mô trường lớp ở các bậc học không ngừng được củng cố. Hiện nay, 100% xã, phường, thi trấn có trường mầm non, Tiểu học và THCS.

 

Ngành giáo dục Thanh Hóa nhận Huân chương độc lập hạng Nhì  - 1

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa gắn Huân chương độc lập hạng Nhì cho Sở GD-ĐT Thanh Hóa.

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó có 7 huyện nằm trong những huyện nghèo nhất cả nước, nhưng đến thời điểm này tại 11 huyện miền núi Thanh Hóa không còn bản trắng về giáo dục tiểu học. Ngành giáo dục Thanh Hóa đã chú trọng phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú; thực hiện đề án dạy tiếng dân tộc trong các đơn vị giáo dục, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên khu vực miền núi.

Mỗi năm Thanh Hóa có thêm khoảng 60 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 658 trường (đạt tỷ lệ 30,9%).

Năm 2006 Thanh Hóa đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Đội ngũ giáo viên không ngừng được nâng cao về chất lượng. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm khoảng 50% so với năm học 2008 - 2009.

Chất lượng giáo dục đại trà không ngừng được tăng lên, trên cơ sở đó giáo dục mũi nhọn được nâng lên. Năm học 2009 - 2010, Thanh Hóa có 58 học sinh đoạt giải quốc gia, trong đó có 6 giải nhất, 22 giải nhì, 23 giải ba và 7 giải khuyến khích.

Đặc biệt, trong 3 năm liền, Thanh Hóa liên tục có học sinh dự thi và đoạt giải Olympic quốc tế, trong đó năm học 2007 - 2008, có hai học sinh của trường chuyên Lam Sơn đoạt Huy chương Vàng môn Toán; năm học 2008 - 2009, có hai học sinh đoạt Huy chương Đồng môn Tin học và Sinh học; năm học 2009 - 2010 có hai học sinh đoạt Huy chương Bạc và Huy chương Đồng môn Hóa học và Vật lý.

Năm nay, Thanh Hóa có 10 trường được xếp trong top 200 trường THPT toàn quốc có học sinh thi đỗ đại học điểm cao. Công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục thu được những kết quả đáng khích lệ.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục Thanh Hóa vẫn còn những tồn tại cần khắc phục: Chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều ở các vùng, miền; cơ sở vật chấtc chưa theo kịp yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục; đội ngũ nhà giáo tuy ổn định về số lượng nhưng còn bất cập về loại hình đào tạo, vẫn còn hiện tượng thừa - thiếu giáo viên; đời sống của cán bộ, giáo viên tuy được nâng lên, song vẫn còn nhiều khó khăn. Các tệ nạn xã hội có nguy cơ xâm nhập vào học đường.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, ngành GD-ĐT Thanh Hóa tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục phát triển GD-ĐT theo hướng chuẩn hóa; xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh xã hội hóa GD-ĐT; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, hoàn thành việc kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn tỉnh trước năm 2015; đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ 47%.

Phấn đấu hoàn thành phổ cập THPT trước năm 2020; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 45% vào năm 2015 và 55 - 60% năm 2020.

Tiếp tục đầu tư xây dựng Trường đại học Hồng Đức thành trung tâm đào tạo chất lượng cao; xây dựng Trường THPT chuyên Lam Sơn trở thành trường THPT chuyên trọng điểm quốc gia…

Năm học mới 2010 - 2011, giáo dục Thanh Hóa tập trung đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

Triển khai và thực hiện tốt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012.

 

Ngành giáo dục Thanh Hóa nhận Huân chương độc lập hạng Nhì  - 2

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi lễ.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa biểu dương những thành tích mà ngành giáo dục Thanh Hóa đã đạt được: “Thanh Hóa là tỉnh chịu nhiều thiên tai, địa bàn rộng, dân số đông, song ngành GD-ĐT Thanh Hóa đã đạt được những thành tích cao, toàn diện. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, chuyển biến về chất trong giáo dục miền núi, vùng sâu, mỗi năm tỷ lệ đậu tốt nghiệp tăng 9-10%. Chất lượng đại trà không ngừng được nâng lên, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Số lượng học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế và học sinh đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng trong nhiều năm qua luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước”.

Thứ trưởng còn nhấn mạnh, Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu trong xây dựng trường chuẩn quốc gia hệ mầm non.

Thứ trưởng chỉ đạo, trước thềm năm học mới 2010 - 2011 Thanh Hóa cần tiếp tục đổi mới phương pháp được chú trọng, đặc biệt là giáo dục miền núi. Thực hiện đề án dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông, dạy tiếng dân tộc trong các đơn vị giáo dục, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Để đạt được những việc trên, cần có phương pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển giáo dục. Hy vọng Thanh Hóa tiếp tục là tỉnh đi đầu tạo đột phá trong các phong trào để nhân rộng những mô hình tiên tiến trên cả nước.

Năm 2010, không chỉ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì của Chủ tịch nước, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa còn được đón nhận Cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; Cờ thi đua của Công đoàn Giáo dục Việt cùng nhiều bằng khen của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào giáo dục.

Tin, ảnh: Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm