Ngành Giáo dục lên kế hoạch hành động đổi mới căn bản toàn diện

(Dân trí) -Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa ký ban hành kết hoạch hành động của ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Theo kế hoạch này thì trong thời gian tới, ngành Giáo dục đào tạo sẽ thực hiện 9 nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc tế; Đổi mới chương trình giáo dục các cấp học và trình độ đạo tạo; Đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ, công chức, viên chức quản lý giáo dục; Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo; Đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Song hành với các nhiệm vụ thì Bộ GD-ĐT cũng đưa ra các giải pháp để thực hiện.

Đáng chú ý ở kế hoạch này là giải pháp đổi mới chương trình giáo dục các cấp học và trình độ đạo tạo; Đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ, công chức, viên chức quản lý giáo dục.

Đổi mới chương trình theo hướng giảm tải và đánh giá theo năng lực

Cụ thể, để đổi mới chương trình giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo thì Bộ GD-ĐT tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29; trình Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới giáo dục phổ thông để triển khai thực hiện từ năm học 2016-2017.

Rà soát, điều chỉnh chương trình giáo dục mầm non bảo đảm thực hiện mục tiêu giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1; xây dựng và ban hành chương trình hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình; rà soát, điều chỉnh, bổ sung tài liệu học tập, học liệu, đồ dùng, đồ chơi cho giáo dục mầm non.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học rà soát, điều chỉnh, xây dựng chương trình đào tạo bảo đảm thống nhất, liên thông theo từng ngành, nhóm ngành, nhóm nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nghiên cứu tiếp nhận, chuyển giao chương trình đào tạo từ các nước tiên tiến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học của Việt Nam.

Bên cạnh đó, phát triển các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và tạo điều kiện chuyển đổi ngành, nghề của người lao động. Điều chỉnh, bổ sung chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ theo hướng mở, phù hợp với đối tượng.

Ngoài ra Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các ngành có liên quan xây dựng và ban hành chương trình giáo dục chính trị, đạo đức công dân, giáo dục quốc phòng - an ninh, giáo dục kỹ năng sống trong các cấp học và trình độ đào tạo với nội dung thiết thực và các hình thức linh hoạt, hiệu quả, triển khai ngay từ năm học 2014-2015.

Các cơ sở GD-ĐT, các Viện nghiên cứu khoa học tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ trong dạy học và quản lý giáo dục; xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu quốc gia về khoa học giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên.

Về đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, thi và đánh giá kết quả GD-ĐT thì Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở GD-ĐT đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cá nhân của người học, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tế.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Triển khai đổi mới phương pháp kiểm tra, thi, đánh giá người học ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn giáo dục, đào tạo nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và họccác cấp học trình độ đào tạo.

Bộ GD-ĐT thành lập trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia để triển khai việc đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học; tiến tới tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh cao đẳng, đại học; định kỳ đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông cấp tỉnh, cấp quốc gia và tham gia các kỳ đánh giá quốc tế. Thành lập trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia để đánh giá chất lượng đầu ra của các chương trình, các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.

Song hành với đó là sẽ nghiên cứu, thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, xây dựng các quy chế để từ năm học 2015-2016 tổ chức kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, đào tạo và các chương trình đào tạo.

Củng cố các trường Sư phạm trọng điểm

Cũng theo kế hoạch này thì Bộ GD-ĐT sẽ triển khai sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, củng cố các trường sư phạm trọng điểm.

Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; vị trí việc làm, định mức lao động, chế độ làm việc; nội dung và hình thức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; quy định về tôn vinh đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các viên chức khác trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành bổ sung chính sách về lương, chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp khác theo tính chất, kết quả và chất lượng công việc, phù hợp với vùng, miền, chế độ ưu đãi với giáo viên, giảng viên, nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên gia đầu ngành của các môn học, ngành học; bảo đảm bình đẳng về cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và tôn vinh nhà giáo, không phân biệt công lập và ngoài công lập; Chủ trì chỉ đạo, phối hợp với các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từ mầm non đến đại học; phát triển đội ngũ nhà giáo, chuyên gia đầu ngành cho các cấp học và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Xây dựng cơ chế để cán bộ nghiên cứu tham giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên các cơ sở giáo dục đại học; Hướng dẫn các địa phương, cơ sở đào tạo xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các nghệ sỹ, nghệ nhân tài năng, người có kinh nghiệm thực tiễn lâu năm và có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút các chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước.

S.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm