Nào, cùng lên kế hoạch du học Đức!

(Dân trí) - “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các bạn nên chuẩn bị trước khoảng 1 năm. Tất nhiên, chuẩn bị càng sớm càng tốt và nếu mọi chuyện trôi chảy thì 6 tháng cũng có thể đủ”, anh Nguyễn Việt Đức - Cán bộ Điều hành Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức cho biết.

Theo anh Đức, bạn nên khởi động kế hoạch của mình từ tháng 8 năm trước bởi các trường ở Đức thường bắt đầu năm học mới vào cuối tháng 9 đầu tháng 10. Do vậy, có 4 mốc thời gian bạn cần kiểm tra việc thực hiện và rà soát lại kế hoạch.

 

Tháng 8: Giả định bạn đã trúng tuyển đại học và ấp ủ ước mơ sang Đức du học thì bây giờ là thời điểm phải tìm chỗ học tiếng Đức và kiếm thông tin về các trường đại học mà bạn thấy phù hợp.

 

Bạn nên tìm hiểu kỹ về: điều kiện nhập học cụ thể, các giấy tờ trường yêu cầu, các thời hạn trường đặt ra (thời hạn nộp đơn, ngày nhập học…), điều kiện thuê phòng ký túc xá…

 

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chuẩn bị các giấy tờ của mình như: hộ chiếu, giấy báo trúng tuyển đại học, học bạ trung học…

 

Tháng 2 năm sau: Thời gian này bạn đã học xong và có bảng điểm học kỳ I. Bạn nên mang tất cả những giấy tờ cần thiết đó đi sao y bản chính và dịch sang tiếng Đức (nhớ làm dư khoảng 2, 3 bộ). Cùng lúc, bạn phải điền Đơn đăng ký học đại học và gửi hồ sơ sang trường tại Đức. Ngoài ra, bạn cần tập trung hơn nữa cho tiếng Đức.

 

Tháng 6 hoặc tháng 7: Giờ này bạn đã nhận được Giấy báo nhập học của trường đại học mình nộp đơn. Quy trình tiếp theo bạn phải làm là liên hệ với Deutsche Bank AG để mở một tài khoản du học giới hạn (Sperrkonto) theo đúng yêu cầu của Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự quán Đức tại Việt Nam nếu bạn không có điều kiện chứng minh tài chính bằng cách khác.

 

Sau khi tài khoản được mở và bạn có được Giấy xác nhận hay bảng điểm của học kỳ II, bạn cần ra Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự quán Đức tại Việt Nam để nộp đơn xin visa. Thời hạn xét đơn khoảng 2 tháng.

 

Nếu vì một lý do nào đó bạn cần qua Đức gấp thì chứng minh tài chính bằng cách mở tài khoản tại Việt Nam sẽ dễ dàng cho Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự quán Đức tại Việt Nam xét hơn bởi tất cả giấy tờ họ có bản gốc tại chỗ và không cần phải đợi phía Đức xác nhận.

 

Thời gian này bạn vẫn phải tiếp tục học tiếng Đức.

 

Giữa hoặc cuối tháng 9: Nếu mọi chuyên trôi chảy thì bạn đang cầm trong tay hộ chiếu và visa. Hãy mau chóng mua vé máy bay để kịp ngày đăng ký nhập học của trường.

 

Hai lời khuyên cuối cùng khi bạn đặt chân đến Đức là: Nhớ mua bảo hiểm y tế và sau khi ổn định chỗ ở phải ra Sở Ngoại kiều địa phương xin được cấp một visa cư trú. Visa cư trú sẽ có giá trị cho 1 năm hay 2 năm và sẽ được gia hạn theo yêu cầu.

 

Trí Kiên (ghi)