Nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo trường nghề sau đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu phục hồi và duy trì tăng trưởng nền kinh tế sau đại dịch.
Chiều 15/11, tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã diễn ra tọa đàm "Hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và tiềm năng".
Tọa đàm nhằm trao đổi và thảo luận về thành quả, tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và một số cơ quan, tổ chức hợp tác quốc tế để phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thích ứng đại dịch Covid-19
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các tổ chức quốc tế đã tích cực hợp tác và hỗ trợ Tổng cục trong thời gian qua. Tổng cục trưởng bày tỏ hi vọng rằng, các tổ chức quốc tế sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.
Ông Dũng nhấn mạnh: "Tọa đàm nhằm tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt trong nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thích ứng với đại dịch Covid-19".
Tổng cục đề cao vai trò và sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức hợp tác quốc tế trong đó có Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên Bang Đức (GIZ).
Sự hỗ trợ đó đã giúp nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, đưa giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam tăng lên 13 bậc, được đánh giá tốt nhất trong khối ASEAN 3 theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 (GCI 4.0) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
600 triệu đô-la Mỹ được đầu tư cho Giáo dục nghề nghiệp
Thay mặt Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), bà Vũ Lan Hương - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp báo cáo về công tác nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và định hướng hợp tác trong giai đoạn 2021-2025.
Trong vòng 15 năm, đã xây dựng hợp tác 20 đối tác, thông qua 30 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), 20 dự án ODA và 600 triệu đô-la Mỹ. Ngoài ra, còn hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện chính sách, xây dựng tiêu chuẩn và đánh giá kỹ năng nghề, thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp…
Kết quả đạt được là thiết bị, cơ sở vật chất và nhà xưởng thực hành hiện đại, phục vụ hoạt động dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Chuyển giao thành công chương trình, giáo trình liên kết đào tạo chuẩn các nước phát triển (Australia, Đức, Kosen Nhật Bản...).
Năng lực của cán bộ quản lý, chất lượng của giáo viên được nâng cao, bước đầu tiếp cận tiêu chuẩn của các nước phát triển. Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học chất lượng và ứng dụng thực tế. Tham gia các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới (Top 3 ASEAN, 2 huy chương đồng, 1 huy chương bạc, 8 chứng chỉ nghề xuất sắc).
Nhờ có sự hợp tác quốc tế trong xây dựng và nâng cao đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp mà có khoảng 5000 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo. Hơn 200 lượt giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo nước ngoài (Malaysia, Australia, Đức, Pháp…); 655 nhà giáo đào tạo theo chuẩn chương trình chuyển giao từ Úc, Đức.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, bà Hương cho hay: "Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển GDNN.
Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực GDNN. Tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và các cuộc thi kỹ năng nghề.
Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở GDNN của Việt Nam với các cơ sở GDNN nước ngoài, đặc biệt trong việc tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập".
Cam kết hợp tác của OIF về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp
Đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ OIF tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ông Chékou Oussouman mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm sự đồng tâm hiệp lực và đổi mới trong cách tiếp cận và quan hệ đối tác, đặc biệt là quan hệ đối tác công tư.
Vì Cộng đồng Pháp ngữ cũng tham gia vào khuôn khổ chiến lược kinh tế và chiến lược kỹ thuật số nhằm thúc đẩy các quan hệ đối tác, hướng đến đáp ứng hiệu quả các yêu cầu về việc làm, về chuyển đổi kinh tế và kỹ thuật số, về hòa nhập xã hội đối với thanh niên và phụ nữ.
Ông Chékou Oussouman cũng cam kết: "Sẽ tiếp tục củng cố các thành quả đã đạt được và hỗ trợ Bộ Lao động Xã hội và Thương binh trong những dự án hợp tác Bắc - Nam, Nam - Nam và hợp tác ba bên trong thời gian tới".
Theo ông Chékou Oussouman, việc tiến hành hợp tác Bắc - Nam, Nam - Nam và hợp tác ba bên là điều tất yếu bởi: "Các quốc gia thành viên của khối Pháp ngữ tại châu Á và châu Âu có dân số trẻ và nhu cầu cao về giáo dục nghề nghiệp.
Khoảng 800 triệu việc làm sẽ biến mất dưới tác động của những đổi mới về công nghệ từ đây đến năm 2030; 85% việc làm vào năm 2030 chưa xuất hiện ở thời điểm hiện tại.
Các thách thức về môi trường và sinh thái ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 24 triệu việc làm sẽ được tạo ra trên khắp thế giới trong bối cảnh nền kinh tế xanh".
Đào tạo nghề theo phương pháp tiếp cận năng lực (APC)
Bà Trần Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương (CREFAP/OIF) cũng báo cáo kinh nghiệm về dự án hợp tác quốc tế "Thúc đẩy hội nhập nghề nghiệp thông qua đào tạo nghề cho giới trẻ ở Việt Nam, Lào và Campuchia".
Theo bà Mai, mục tiêu của dự án là: "Định hướng công tác đào tạo nghề theo phương pháp tiếp cận năng lực (APC). Nâng cao năng lực quản lý và đánh giá các chương trình đào tạo nghề.
Thử nghiệm và đánh giá hiệu quả các chương trình đào tạo theo APC tại một số cơ sở thí điểm. Đảm bảo tính bền vững và nhân rộng mô hình đào tạo nghề theo APC".
Nhờ có sự cam kết hợp tác của các Bộ, cơ sở đào tạo, giảng viên và doanh nghiệp sở tại mà giai đoạn 2017- 2020 đã đạt được những kết quả ấn tượng. Có 1525 giảng viên và cán bộ quản lý được tập huấn về phương pháp APC; 74 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 5 trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật được huy động tham gia dự án. 11 nghề được biên soạn bộ chuẩn theo APC: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện - điện tử, điện công nghiệp, cơ khí, cơ điện tử, sửa chữa và lắp ráp máy tính, thiết kế đồ họa. Dịch vụ pháp lý, tài chính ngân hàng; Dược sỹ, thú y.
Bà Mai cũng mong muốn từ năm 2021 sẽ nhân rộng ACP tại Việt Nam trên quy mô toàn quốc, huy động nguồn lực tối đa để đào tạo được đội ngũ giảng viên về phương pháp ACP, biên soạn các bộ chuẩn, tăng tính chủ động trong việc phát huy những thành quả đã có.
Người thầy là động lực, dẫn dắt quyết định đào tạo
Tại phiên thảo luận và trao đổi các ý kiến, Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng chia sẻ: "Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp luôn xác định con người là vốn quý nhất. Nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng, có chất lượng là nhân tố quyết định sự phát triển của các quốc gia.
Trong văn kiện cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nêu ra: Con người vừa là mục tiêu, là nguồn lực và là động lực, là nhân tố trung tâm để phát triển đất nước. Nhưng để phát triển nguồn lực con người thế nào, đáp ứng yêu cầu phát triển của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng lại có cách thức và giải pháp phù hợp".
Tổng cục Trưởng cũng khẳng định: "Trong các yếu tố để quyết định sự phát triển con người, giáo dục đào tạo thì người thầy là động lực, vai trò trung tâm, dẫn dắt quyết định đào tạo".
PGS.TS-BS Dương Xuân Quý (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng) đã bày tỏ ý kiến của mình trước tọa đàm về việc phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.
"Nâng cao năng lực ngoại ngữ là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Phải có ngoại ngữ thì mới chuyển giao được các chương trình quốc tế.
Ngoài ra còn phải có sự giao lưu sinh viên và giảng viên quốc tế, sử dụng ngoại ngữ vào các hội thảo, hoạt động chung của cơ quan, trường. Đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải có kỹ năng nghiên cứu khoa học", TS. Xuân Quý cho hay.
Kết luận buổi tọa đàm, bà Nguyễn Việt Hương - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định vị thế quan trọng của nhà giáo đối với việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường mỗi nước và xu hướng dịch chuyển quốc tế.
"Chúng ta công nhận vai trò đặc biệt quan trọng của Chính phủ các bên trong việc xây dựng chính sách và bố trí nguồn lực để phát triển đội ngũ nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Và chúng ta cũng công nhận tầm quan trọng của hợp tác song phương và đa phương trong việc tăng cường năng lực của đội ngũ GDNN, đặc biệt là năng lực hội nhập, thích ứng trong bối cảnh chuyển đổi số và đại dịch Covid-19", bà Hương chia sẻ.
Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp định hướng, các bên cùng nhau xây dựng những dự án hợp tác cụ thể hướng đến tăng cường chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN, người đào tạo là người của doanh nghiệp; chất lượng đào tạo và khả năng hội nhập nghề nghiệp của các chương trình đào tạo nghề. Ưu tiên phát triển hệ thống GDNN trong đó huy động được chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp trở thành người làm công tác đào tạo. Tạo thuận lợi cho việc trao đổi chuyên gia, nhà giáo GDNN và chia sẻ những kinh nghiệm phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN, người đào tạo là người của doanh nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức và hợp tác quốc tế.