Nam sinh từ chối học trường chuyên dẫn dầu đoàn Việt Nam ở Olympia khoa học

Yến Nhi

(Dân trí) - Đỗ cùng lúc nhiều trường chuyên nhưng em Hoàng Phạm Minh Khánh (Trường THCS - THPT Newton) quyết định không theo học chuyên. Dù vậy, em đã giành giải cao nhất của đoàn Việt Nam tại Olympic khoa học.

Hoàng Phạm Minh Khánh, học sinh lớp 10G0, Trường THCS - THPT Newton, là một trong 6 học sinh Việt Nam vừa giành huy chương tại cuộc thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên trong suốt 12 năm Việt Nam tham gia cuộc thi, có một học sinh đến từ ngôi trường "không chuyên" góp mặt trong đội tuyển tham dự chính thức.

"Mặc dù còn hơi tiếc nuối vì phần thi thực hành chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng em cũng rất vui với kết quả này", Minh Khánh chia sẻ sau khi giành được tấm huy chương bạc - cũng là thành tích cao nhất toàn đoàn Việt Nam.

"Thợ săn" các giải thưởng, huy chương

Minh Khánh được biết tới là "thợ săn" các giải thưởng kể từ khi còn theo học tại Trường THCS Hoàng Mai. Chị Phạm Minh, mẹ Minh Khánh cho biết khi gần 2 tuổi, nam sinh sớm bộc lộ sự nhanh nhạy với các con số.

"Khi ấy, con đã biết các số đếm và nhận dạng được mặt chữ. Điều này làm mẹ cũng rất bất ngờ", chị Minh nhớ lại.

Cậu bé hay tò mò và thường xuyên đặt câu hỏi cho mẹ về thế giới xung quanh. Trước những câu hỏi hóc búa từ con, đôi lúc chị Minh cũng "bó tay" và phải nhờ tới sự trợ giúp của Google.

Nam sinh từ chối học trường chuyên dẫn dầu đoàn Việt Nam ở Olympia khoa học - 1

Minh Khánh là cây "săn giải thưởng" của Trường liên cấp Newton (Ảnh: NVCC).

Con có sự phát triển vượt trội, dẫu vậy, chị cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng và áp lực lên con. Cấp 1, Minh Khánh vẫn được mẹ cho học tại "trường làng". Suốt quãng thời gian ấy, nam sinh tự nhận mình học khá nhẹ nhàng và không mấy áp lực.

"Em không đi học thêm ở đâu. Cứ học xong trên trường, thả cặp sách xuống bàn, em lại ra sân nhà văn hóa chơi bóng rổ tới tối muộn mới về", Khánh kể.

Lên cấp 2, Minh Khánh theo học tại Trường THCS Hoàng Mai. Năm lớp 8, kiến thức bắt đầu khó hơn, chị Minh tìm hiểu và cho con học thử vài lớp học online với môn vật lý và hóa học. Mong muốn khi ấy của chị chỉ là giúp con trau dồi thêm kiến thức và để việc học trên trường không còn vất vả.

Nhưng Minh Khánh học rất nhanh, thậm chí học xong chương trình lớp 8 trong thời gian ngắn và xin mẹ cho tiếp tục học lên chương trình lớp 9. Mỗi khi được học điều gì mới, Khánh đều rất thỏa mãn và học một cách say mê. Nhờ đó, em cũng dần định hình sở thích và thiên hướng về toán và khoa học tự nhiên.

Thấy học trò có sự nổi trội trong môn hóa, khi Khánh học lớp 8, cô Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Mai đề xuất cho học sinh được thi học sinh giỏi cấp thành phố cùng các anh chị lớp 9. Năm ấy, Khánh giành giải Ba. Đó cũng là học sinh đầu tiên ở quận Hoàng Mai tham gia thi "vượt lớp" và có giải.

Tới lớp 9, nam sinh tiếp tục giành 2 giải Nhì các môn toán và khoa học cấp thành phố.

Nam sinh từ chối học trường chuyên dẫn dầu đoàn Việt Nam ở Olympia khoa học - 2

Minh Khánh thứ ba từ trái qua chụp ảnh cùng đoàn thi quốc tế (Ảnh: NVCC).

Năm 2021, Khánh tham gia và giành được một số giải thưởng khi chinh chiến ở một số kỳ thi như: Huy chương vàng kỳ thi toán quốc tế Hoa Kỳ (AMO), Huy chương vàng kỳ thi Olympic khoa học và thiên văn quốc tế (CISO), Huy chương vàng và cúp á quân kỳ thi Olympic khoa học quốc tế (HKISO)…

Không lựa chọn trường chuyên

Năm lớp 10, Minh Khánh quyết định thử sức thi chuyên và đỗ vào các lớp chuyên toán, chuyên hóa của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên và lớp chuyên toán, chuyên lý của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Giữa rất nhiều lựa chọn tốt, Minh Khánh cuối cùng lại đưa ra quyết định bất ngờ là không theo học chuyên mà đặt mục tiêu là tập trung săn học bổng du học.

"Em cũng không quá đắn đo bởi thực tế, em sớm định hướng và có khát khao sẽ được theo học về AI và tự động hóa tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ. Em chọn ngôi trường phù hợp với định hướng của em và có thể giúp em vừa được theo học các môn học chuyên sâu, vừa được trang bị những hành trang cần thiết như SAT, IELTS… để sẵn sàng bước ra ngoài thế giới", Minh Khánh nói.

Nam sinh từ chối học trường chuyên dẫn dầu đoàn Việt Nam ở Olympia khoa học - 3

Minh Khánh chụp hình kỷ niệm cùng cô hiệu trưởng ngôi trường em đang theo học (Ảnh: NVCC).

Trong quãng thời gian học cấp 3, Khánh là học sinh lớp 10 đại diện tham gia tranh tài với học sinh lớp 12 trên toàn Hà Nội và giành giải Ba môn toán cấp thành phố.

Em cũng là đại diện của một ngôi trường "không chuyên" tham gia cuộc thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế diễn ra vào hồi tháng 11 vừa qua. Đây là thành tích hiếm có dành cho học sinh lứa tuổi 15. Kiến thức của kỳ thi đòi hỏi sự toàn diện, tích hợp 3 môn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học).

Thí sinh tham dự kỳ thi sẽ thi bằng tiếng Anh với 3 bài thi: trắc nghiệm, lý thuyết (tính điểm cá nhân) và thực hành (tính điểm đồng đội). Do vậy, ngoài kiến thức khoa học và trình độ tiếng Anh tốt, thí sinh cần có kiến thức toán, khả năng làm việc nhóm cùng nhiều kỹ năng khác.

Để lọt vào top 6 đại diện tham dự cuộc thi, nam sinh phải cạnh tranh với 180 học sinh cùng giành giải Nhất, Nhì học sinh giỏi cấp thành phố ở các môn toán, lý, hóa, sinh và khoa học.

"Thời gian chuẩn bị thi, em được thực hành thí nghiệm tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Khối lượng kiến thức trong kỳ thi này khá đồ sộ và trải dài ở các môn học nên đòi hỏi sự tập trung ôn luyện nghiêm túc và cao độ", Khánh nói.

Bước vào bài thi, nam sinh cho biết phần thi thực hành là điểm yếu của học sinh Việt Nam vì trước đó không có nhiều thời gian và cơ sở vật chất để thực hành liên tục. Không thể nhuần nhuyễn bằng các bạn nước khác, cả đội chỉ có cách hoàn thành tốt nhất phần thi lý thuyết.

Dẫu vậy, kết quả cả 6 học sinh Việt Nam đều giành huy chương. Theo Khánh, đây cũng là thành quả xứng đáng sau nhiều ngày miệt mài ôn luyện của cả đội tuyển.

Minh Khánh cũng cho rằng nếu chịu khó quan sát, những kiến thức ở các môn học này đều gắn bó trực tiếp với cuộc sống, do đó khi đào sâu tìm tòi để lý giải, việc học sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Với niềm yêu thích ấy, Khánh kỳ vọng trong tương lại có thể tới Mỹ, theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts để tiếp tục lý giải những điều mà em đam mê.

Chị Phạm Minh cũng vui mừng trước kết quả mà con trai đạt được. Theo chị, khi được tiếp xúc với các môn tự nhiên và khoa học, Khánh đều rất hứng thú vì có thể giải thích được các hiện tượng trong cuộc sống xung quanh. "Do đó, con học vì bản thân say mê chứ không phải bị ép buộc".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm