Nam sinh Quảng Trị chế tạo “cánh tay robot” cho người khuyết tật
(Dân trí) - Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị - mảnh đất chịu nhiều “mưa bom bão đạn”, Phạm Huy (học sinh chuyên Hóa, trường THPT Thị xã Quảng Trị) nghiên cứu chế tạo thiết bị “cánh tay robot” để hỗ trợ cử động cơ bản cho những người khuyết tật tay do chiến tranh, hay do tai nạn giao thông.
Phạm Huy bắt đầu tìm hiểu đề tài từ năm lớp 8. Trong 2 năm đầu, Huy đã tìm hiểu thuật toán để thực hiện đề bài và tiến hành hoàn thiện sản phẩm trong năm nay. Cánh tay robot của chàng trai Quảng Trị là một trong 5 đề tài giành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khoa học phía Bắc năm học 2016-2017 mới đây.
Huy cho biết, hiện nay tai nạn giao thông ngày càng gia tăng cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bị khuyết tật, trong khi đó thu nhập của người Việt Nam chưa cao. Do vậy em luôn ước mơ có thể tạo nên một thiết bị cải thiện cuộc sống của những người không may bị mất toàn bộ hoặc một phần cánh tay, có thu nhập thấp. Thầy giáo Lê Công Long (Bộ môn Vật lý, Trường THPT thị xã Quảng Trị) là người trực tiếp hướng dẫn hỗ trợ Huy hiện thực hóa ý tưởng về một cánh tay robot.
Nguyên lý của sản phẩm này rất đơn giản đó là dùng cử động của ngón chân, bàn chân để điều khiển cử động các ngón tay, bàn tay và cả cánh tay. Thiết bị có sử dụng các bộ cảm biến làm mạch phát tín hiệu gửi đến mạch điện tử gắn trên cánh tay robot bằng sóng điện từ.
“Cánh tay robot” có điểm mới là sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra chi tiết phần vỏ trong thời gian ngắn có độ chính xác cao. Chỉ cần một tệp in gốc có thể tạo ra nhiều tệp in khác nhau tùy thuộc vào dạng khuyết tật.
Theo Huy, trên thế giới và Việt Nam đã có xuất hiện sản phẩm về cánh tay cho người khuyết tật, tuy nhiên những sản phẩm có giá tương đương thì nguyên lý hoạt động khá đơn điệu.
Cụ thể, sản phẩm của Huy được làm ra với 3 triệu đồng, trên thị trường các sản phẩm cùng giá chỉ dừng lại ở cánh tay bằng gỗ hoặc nhựa mà không có mạch điện kết hợp. Những sản phẩm hiện đại điều khiển bằng sóng não thì có giá thành rất đắt (không có sản phẩm nào dưới 100.000 USD) nên người khuyết tật Việt Nam khó lòng chi trả, cơ chế vận hành cũng khá phức tạp.
Thầy giáo hướng dẫn Lê Công Long đánh giá, Huy là cậu học trò thông minh, sáng tạo, chăm chỉ. Ý tưởng của Huy cho ra đời sản phẩm xuất phát từ mục đích nhân văn, góp phần giải quyết vấn đề thiết thực ngay tại quê hương Quảng Trị. Khi Huy trao đổi ý tưởng, thầy Long đã động viên, hướng dẫn cậu học trò của mình hiện thực hóa “cánh tay robot”.
“Tôi mong muốn, khi phát hiện ra những mầm tốt thì người lớn chúng ta nói chung, những người làm giáo dục nói riêng hết sức động viên, giúp sức, hướng dẫn để hỗ trợ các em có nhiều sản phẩm trí tuệ ý nghĩa, từ đó nhân rộng phục vụ cuộc sống”, thầy Long chia sẻ.
Huy tâm sự, em sẽ tiếp tục hoàn thiện điểm khiếm khuyết ở cánh tay robot, nếu có điều kiện em sẽ đưa một dây chuyền để tạo ra số lượng lớn chân tay phục vụ người khuyết tật ở Việt Nam.
Lệ Thu