Nam sinh hàng không vẽ lại lộ trình từ những lần "cất cánh hụt"
(Dân trí) - Ở tuổi gần 30, cậu sinh viên ngành Cử nhân Khoa học ứng dụng tự tay viết lại lộ trình sự nghiệp bằng sự bình tĩnh, nghị lực và một niềm tin đơn giản: Mỗi người có nhịp độ riêng.
Khi bước vào năm cuối ngành Cử nhân khoa học ứng dụng tại RMIT Việt Nam, cậu sinh viên "hơi lớn tuổi" Nguyễn Quốc Cường không chỉ mang theo kiến thức học thuật vững chắc và GPA (điểm trung bình chung) loại giỏi, mà còn gói ghém trong mình cả hành trình nhiều khúc quanh.
Từng bỏ dở ngành học đầu tiên, hụt mất cơ hội trở thành phi công giữa đại dịch và phải gác lại giấc mơ vì biến cố gia đình, Nguyễn Quốc Cường vẫn không ngừng bước về phía trước.
Chính trong những lần "cất cánh hụt" đó, em học được cách bình tĩnh đối diện và vượt qua thử thách bởi không phải ai cũng có cơ hội được sai và sửa sai.
Cú sốc đầu đời và những lần "cất cánh hụt"
Không giống sinh viên đại học thông thường, hành trình học vấn của Nguyễn Quốc Cường bắt đầu từ cách đây hơn một thập kỷ, khi cậu đăng ký vào ngành Kỹ thuật Viễn thông Hàng không năm 2014.
Lớn lên chỉ có mẹ chăm sóc, tuổi thơ của Cường trôi qua mà không có định hướng rõ ràng. Cường kể, ngày đó em chọn ngành này chỉ vì muốn vào được đại học, "không muốn bị mắng vì thi rớt," chứ hoàn toàn không phải vì niềm yêu thích hay mục tiêu cụ thể nào.

Quốc Cường trong khoảnh khắc nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi (Ảnh: Nhà trường).
Chọn sai ngành khiến những ngày tháng đại học đầu tiên của Cường nhanh chóng chìm vào bế tắc, thiếu động lực và không tìm thấy mục tiêu, điểm số tụt dốc không phanh, nhiều môn phải thi lại, học lại. Khủng hoảng kéo dài đến mức Cường rơi vào trạng thái mất ngủ triền miên suốt nửa năm trời.
"Có lúc tôi thức trắng đêm, trằn trọc với những suy nghĩ vô định về tương lai. Tôi thấy bản thân như trôi giữa dòng nước, không biết đang đi đâu, cũng không hiểu rõ bản thân thực sự muốn điều gì", Cường cho hay.
Những ngày đêm vật vã, chán chường đó kéo dài tới năm 2018, Cường quyết định bỏ dở chương trình học. Không có bằng cấp và tương lai còn mơ hồ, cậu quyết định không cho phép bản thân chìm sâu hơn nữa. Cường bước ra đời, bắt đầu tự kiếm sống bằng đủ mọi nghề có thể làm như: Hướng dẫn viên du lịch, biên dịch viên, chạy tour, dạy tiếng Anh…
"Thời điểm ấy tôi làm việc rất nhiều, một phần để kiếm sống, nhưng sâu thẳm trong lòng vẫn luôn mong có thể tìm ra hướng đi thực sự phù hợp. Mỗi nghề tôi thử, tôi đều hỏi bản thân: Liệu đây có phải là thứ mình muốn theo đuổi lâu dài không?", chàng trai tâm sự.
Năm 2019, khi đang làm nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cường tình cờ biết đến chương trình đào tạo phi công của Vinpearl Air. Đây là một suất học danh giá có giá trị tương đương 2,8 tỷ đồng, kèm cam kết việc làm sau khi hoàn tất đào tạo.
Không kỳ vọng nhiều, cậu vẫn thử sức, trải qua những vòng thi khắc nghiệt từ kiểm tra khả năng thích nghi (Adaptive test), tiếng Anh chuyên ngành, đến phỏng vấn trực tiếp. Và rồi bất ngờ, cậu đậu.

Quốc Cường trong ngày tốt nghiệp (Ảnh: Nhà trường).
Bay lên rồi phải hạ cánh giữa chừng
"Khi nhận được tin trúng tuyển, tôi như tỉnh lại sau thời gian dài mơ hồ. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự quyết tâm mạnh mẽ: Phải học thật giỏi, nỗ lực hết sức để trở thành một phi công chuyên nghiệp", Cường tâm huyết.
Chàng trai lập tức bắt đầu hành trình học nghiêm túc với việc chuẩn bị kỹ năng tiếng Anh hàng không, kiến thức kỹ thuật cơ bản về máy bay, và các lớp học tiền đề để sẵn sàng lên đường sang Mỹ.
Thế nhưng, ngay lúc mọi thứ tưởng như đã ổn định và tương lai đang rộng mở, đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát vào đầu năm 2020. Kế hoạch thành lập hãng hàng không của hãng này bị hủy bỏ. Chương trình đào tạo phi công với mức tài trợ hàng tỷ đồng mà Cường đã đặt toàn bộ kỳ vọng và nỗ lực cũng theo đó khép lại, để lại cho cậu cú sốc lớn.
"Tôi vẫn nhớ rõ cảm giác hụt hẫng và thất vọng khi nghe tin chương trình bị hủy. Giống như mình đang chạy rất nhanh, đã nhìn thấy đích đến trước mặt, rồi đột nhiên tất cả lại tan biến. Nhưng ngay lúc ấy, tôi cũng biết không thể dừng được nữa", Cường nhớ lại.
Đầu năm 2021, theo giới thiệu từ đơn vị trước đó từng tài trợ cho chương trình đào tạo phi công, Cường đăng ký học ba môn đầu tiên trong chương trình Associate Degree in Aviation (Professional Pilots) của Đại học RMIT Australia, tạm thời học tại Việt Nam.
Đây được xem là bước đệm để chờ chuyển tiếp sang Úc khi điều kiện cho phép. Điều bất ngờ là cả ba môn, vốn được thiết kế cho sinh viên theo đuổi con đường phi công chuyên nghiệp, Cường đều đạt kết quả xuất sắc (High Distinction). Lần đầu tiên trong đời, cậu cảm nhận rõ niềm vui khi học không phải vì áp lực điểm số, mà vì tìm được mục tiêu và ý nghĩa phía sau từng bài giảng.

Nguyễn Quốc Cường (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên và người thân sau lễ tốt nghiệp (Ảnh: Nhà trường cung cấp).
Giữa năm 2021, khi tình hình dịch vẫn không khả quan hơn, kế hoạch du học Úc của Cường liên tục bị trì hoãn. Đúng thời điểm ấy, đơn vị tài trợ học bổng hàng không trước đây quyết định chấm dứt chương trình hỗ trợ đào tạo và đề nghị một khoản hỗ trợ cuối cùng. Cường chấp nhận lời đề nghị nhưng lần này, cậu không cảm thấy bế tắc như trước.
Thay vì buông xuôi, Cường quyết định chính thức chuyển sang học chương trình Cử nhân Khoa học ứng dụng (hàng không) mà cậu đang theo học. Một lần nữa, nam sinh này rẽ hướng nhưg em biết rõ mình đang đi đâu.
Ngành hàng không vẫn là niềm đam mê, chỉ là thay vì ngồi trong buồng lái, Cường bắt đầu tiếp cận nó từ góc nhìn quản trị và vận hành.
Từ một sinh viên từng bế tắc khi phải "hạ cánh" giữa chừng, giờ đây Nguyễn Quốc Cường tự tin hơn với hướng đi thực tế, ổn định và có khả năng phát triển lâu dài.
Tìm thấy bầu trời trên mặt đất
Cuối năm 2022, cuộc sống của Cường lần nữa bị đảo lộn khi mẹ cậu phát hiện mắc ung thư. Gia đình, vốn đã gặp nhiều thử thách, nay hoàn toàn mất khả năng hỗ trợ cậu theo đuổi con đường phi công, ước mơ vốn cần thêm vài tỷ đồng nữa mới có thể chạm tới.
Đối mặt với cú sốc lớn này, Cường bình tĩnh chấp nhận việc phải từ bỏ hoàn toàn giấc mơ bay, dồn toàn bộ tâm sức vào chương trình cử nhân mà cậu đang theo học.
Quốc Cường bắt đầu đi dạy tiếng Anh bán thời gian, vừa để trang trải cuộc sống, vừa tự nhủ: "Giờ mà mình không tự lo cho bản thân thì chẳng ai lo thay được",

Khoảnh khắc của Cường tại sân bay (Ảnh: Nhà trường).
Cùng thời điểm ấy, em quyết định khởi nghiệp với một start-up giáo dục nhỏ chuyên luyện IELTS, dạy tiếng Anh và tư vấn định hướng học tập. Ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ, nhưng nhờ sự tận tâm và cách vận hành chuyên nghiệp, trung tâm nhanh chóng phát triển ổn định.
Dù lịch trình kín mít từ sáng đến tối, Cường vẫn duy trì điểm trung bình ổn định ở mức cao (khoảng 3,5/4,0), đồng thời luôn nhận được sự đánh giá tích cực từ giảng viên nhờ tinh thần trách nhiệm và thái độ nghiêm túc.
Nhìn về tương lai, Cường không tự bó hẹp mình vào một lựa chọn duy nhất. Cậu mong muốn phát triển start-up giáo dục thành một doanh nghiệp bài bản, có thể tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, cậu cũng xác định sẽ tiếp tục gắn bó với ngành hàng không, không phải ở vị trí phi công mà sẽ là từ góc độ quản trị, đào tạo nhân lực hoặc tư vấn chiến lược.
Quân Đinh