Tư vấn tuyển sinh:

Năm 2010 các trường có tuyển hệ ngoài ngân sách?

(Dân trí) - Dự thi HV Hàng không có phải tham gia sơ tuyển? Làm hồ sơ thì xin dấu ở nơi đăng ký tạm trú tạm vắng được không?Những thắc mắc về hệ ĐH tự túc? Trường ĐH Ngoại Thương nhân hệ số môn ngoại ngữ? Bằng gốc tốt nghiệp THPT bị hỏng có được cấp lại?...

Năm 2010 các trường có tuyển hệ ngoài ngân sách?  - 1

(Ảnh minh họa)
 
Hỏi: Năm nay em gái em muốn thi vào trường học viện hàng không và muốn sau này được làm bên ngành hàng không. Em không biết là trường có điều kiện xét tuyển gì không ạ? Như lý lịch hay ngoại hình? Cho em hỏi trường đào tạo ra để làm bên ngành hàng không hay khi ra trường mình có thể làm ở nơi khác không thuộc ngành hàng không. Em thấy có ngành quản trị kinh doanh mình học xong có thể làm cho bên ngoài hay bắt buộc phải làm cho ngành hàng không? Em gái em muốn sau này được làm bên khâu quản lý nhân sự, vậy phải học ngành nào? Cho em hỏi ngành quản trị kinh doanh là mình sẽ làm gì? Có liên quan gì đến quản lý nhân sự không ạ? Không biết trường này khi ra trường có dễ xin việc làm không? (hoangthientru@gmail.com)

Trả lời:

Đối với hệ ĐH, CĐ của Trường Học viện Hàng không thì không yêu cầu về sơ tuyển cũng như về lý lịch và ngoại hình. Chỉ có duy nhất hệ đào tạo ngắn hạn tiếp viên hàng không thì mới yêu cầu sơ tuyển trong đó ngoại hình, ngoại ngữ là yếu tố tiên phong.

Những thắc mắc về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 xin gửi về email tuyensinh.dantri@gmail.comđể sớm nhận được câu trả lời.

Hầu hết các ngành đào tạo hiện nay của Trường HV Hàng Không chủ yếu đáp ứng cho các lĩnh vực thuộc hoạt động bay. Tuy nhiên nếu sinh viên năng động và có kiến thức tốt thì ngoài công tác trong lĩnh vực hàng không thì hoàn toàn có cơ hội tham gia vào các môi trường làm việc tương tự.

Theo ban tư vấn được biết thì ngành Quản trị kinh doanh của Trường HV Hàng không bao gồm các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh vận tải HK; Quản trị doanh nghiệp HK; Quản trị du lịch; Quản trị cảng HK.

Sau khi tốt nghiệp ngành cử nhân QTKD thì sinh viên sẽ có trình độ và năng lực tham gia vào công tác quản lý các hoạt động khai thác thương mại và dịch vụ; làm việc tại các cảng hàng không, sân bay trong và ngoài nước, các hãng hàng không, các cơ quan quản lý nhà nước về hàng không dân dụng, các công ty, đại lý du lịch và các doanh nghiệp khác.

Việc có được giao trọng trách quản lý nhân sự hay không còn phụ thuộc vào môi trường và tính chất công việc. Nếu nhìn theo chuẩn đầu ra mà trường công bố thì sinh viên hoàn toàn có thể thành người quản lý nhân sự của một phòng/ban thuộc lĩnh vực hàng không.

Hiện nay khóa I sinh viên Trường HV Hàng không vẫn chưa tốt nghiệp ra trường nên chưa thể có đánh giá về mức độ xin việc dễ hay khó. Tuy nhiên theo Ban tư vấn thì lĩnh vực này khá mới nên giai đoạn đầu sinh viên sẽ dễ có việc làm nhưng về sau trong khi đó số lượng các công ty có liên quan đến lĩnh vực hàng không hạn chế mà lượng đào tạo lại nhiều thì dẫn đến sẽ gặp một phần nào đó khó khăn.

Năm nay em muốn thi lại, hiện nay em đăng kí tạm trú tạm vắng tại Hà Nội, vậy khi làm hồ sơ đăng kí dự thi em có thể xin dấu xác nhận của chính quyền địa phương nơi em đang tạm trú tạm vắng được hay không hay em phải về địa phương xin dấu của công an xã, chính quyền địa phương ở quê em. Và khi đi thi em chỉ có bằng tốt nghiệp THPT (bản sao photo đã công chứng) liệu em có được thi không? (tye_td@yahoo.com.vn)

Theo quy định thì đối với thí sinh tự do thì bắt buộc phải có dấu xác nhận của chính quyền địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Trong trường hợp bất khả kháng thì có thể xin dấu tại nơi mình đăng ký tạm trú tạm vắng.

Tuy nhiên em nên lưu ý điều này, khi xin dấu tại nơi đăng ký tạm trú thì bắt buộc em phải có giấy tờ gốc để kiểm tra đối chiếu nên rất phức tạp. Chính vì thế em nên chủ động xin dấu tại nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú.

- Như Ban tư vấn đã trả lời nhiều lần, khi tham dự kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì thí sinh bắt buộc phải xuất trình bản gốc hoặc bản sao bằng tốt nghiệp THPT.

Bản sao bằng tốt nghiệp THPT không phải là photo bản chính sau đó đi công chứng mà bản sao do đơn vị Sở GD-ĐT địa phương (nơi em tốt nghiệp THPT) đối chiếu và cấp phát.

Để có thể làm được bản sao em nên chủ động liên hệ với Sở GD-ĐT địa phương để được hướng dẫn chi tiết.

Năm nay em dự định thi NV1 ĐH Thương mại hoặc ĐH Kinh tế TPHCM nhưng nếu em trượt mà em không đủ điểm vào trường (cả NV2, NV3) Nhưng em vẫn muốn học trường này. Nhiều người cho em biết là trong những trường ĐH Chính quy cũng mở thêm hệ ĐH (hệ dân lập) học tài trường đó và bằng cũng do trường đấy cấp nhưng tiền học đắt hơn. Cho em hỏi ban tư vấn những điều trên có đúng không? Nếu đúng thì cho em hỏi cách tuyển sinh để vào được hệ ĐH (hệ dân lập) đó như thế nào? Tiền học trung bình của hệ ĐH đó đắt lên bao nhiêu lần so với hệ ĐH chính quy? Và có bao nhiêu trường có hệ ĐH như vậy? (emxinh_emkieu_anhcangyeu24@yahoo.com)

Em đã hiểu sai bản chất của vấn đề. Không có khái niệm mở thêm hệ ĐH thuộc hệ dân lập.

Các năm trước đây, do nhu cầu của thí sinh có điểm cao nhưng vẫn trượt NV1 vào trường đăng ký thì các trường này xin phép Bộ GD-ĐT mở thêm hệ ngoài ngân sách. Để được vào hệ này thí sinh phải có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn vào trường từ 0,5-2 điểm.

Khi theo học hệ này thì quyền lợi của sinh viên vẫn đảm bao như đối với sinh viên trúng tuyển theo diện ngân sách. Tuy nhiên khi học hệ này thì sinh viên không được nhà nước hỗ trợ ngân sách đào tạo nên phải đóng mức học phí cao hơn với hệ ngân sách khoảng từ 5-7 triệu/ năm, bên cạnh đó cũng sẽ không được hưởng chế độ miễn giảm học phí (nếu thuộc diện miễn giảm).

Khi sinh viên theo học hệ ngoài ngân sách thì bằng tốt nghiệp có giá trị như hệ ngân sách.

Việc trường nào có tuyển sinh hệ ngoài ngân sách thì tùy vào tình hình thực tế tuyển sinh hàng năm. Bên cạnh đó còn phụ thuộc rất lớn vào sự đồng ý của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên năm 2010, để xác định quy mô tuyển sinh hợp lý, đảm bảo chất lượng tuyển sinh, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường cần đặc biệt lưu ý đến các điều kiện bảo đảm chất lượng: tỷ lệ sinh viên tính trên 1 giảng viên quy đổi, cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành, thực tập, nhu cầu của xã hội đối với các ngành nghề đào tạo của trường.

Theo đó, các trường đại học cần xác định rõ số lượng chỉ tiêu (hệ chính qui) dành để đào tạo theo địa chỉ sử dụng; các ngành Sư phạm, Y Dược, Nông lâm trong tổng số chỉ tiêu xác định.

Đặc biệt, chỉ có duy nhất một loại chỉ tiêu do các trường tự xác định và báo cáo Bộ, không có khái niệm chỉ tiêu ngoài ngân sách. Những trường tuyển sinh và xác định điểm trúng tuyển theo ngành, nhất thiết phải xác định ngay chỉ tiêu cho từng ngành.

Em hiện đang là học sinh lớp 12. Em muốn hỏi trường ĐH Ngoại Thương có ngành nào nhân đôi hệ số môn tiếng Anh không? Năm ngoái em thấy hệ cao đẳng của trường thông báo điểm chuẩn là 17 điểm. Em muốn hỏi 17 điểm này là lấy từ kì thi đại học hay là của kì thi cao đẳng. Nếu em đăng kí thi vào 1 trường đại học khác và đăng kí cả trường cao đẳng ngoại thương có được không? (meteor_764@yahoo.com)

Các năm trước 2009 thì trường ĐH Ngoại Thương không đào tạo các chuyên ngành ngoại ngữ nên điểm chuẩn vào các ngành đều tính hệ số 1 đối với các môn thi.

Bắt đầu từ năm 2009 thì trường mở thêm một số chuyên ngành ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung và Tiếng Nhật) thì các ngành này tính hệ số 2 đối với môn ngoại ngữ, các ngành khác vẫn tính hệ số 1.

Theo thông tin từ phía Nhà trường thì chủ trương năm nay vẫn không có gì thay đổi so với năm 2009. Nghĩa là, các chuyên ngành ngoài các chuyên ngành ngoại ngữ đều tính hệ số 1, các ngành ngoại ngữ tính hệ số 2.

Hệ CĐ của trường ĐH Ngoại Thương chỉ xét tuyển từ những thí sinh tham dự kì thi ĐH không xét tuyển từ kết quả kì thi CĐ. Do là hệ xét tuyển nên em hoàn toàn có thể dự thi trường khác sau đó nếu không trúng tuyển NV1 thì có thể làm hồ sơ xét tuyển NV2 vào hệ CĐ trường ĐH Ngoại Thương (nếu đáp ứng được điều kiện điểm sàn)

Bằng tốt nghiệp cấp 3 của em không may bị nước rơi vào làm nhòe ảnh trong bằng. Các thông tin trên bằng vẫn còn nhìn được khá rõ. Vậy em xin hỏi em muốn cấp lại bản gốc có được không? Và nếu được cấp thì phải liên hệ ở cơ quan nào? (ntd_ebk@yahoo.com)

Theo quy định thì bằng gốc tốt nghiệp THPT chỉ cấp duy nhất một lần. Nếu người học bị mất bằng hoặc bằng bị hỏng thì liên hệ trực tiếp với Sở GD-ĐT địa phương để đối chiếu kiểm tra và sẽ được cấp lại bản sao.

Để được cấp bản sao, theo qui định của Bộ GD-ĐT, người đứng tên trong bằng tốt nghiệp THCS, THPT phải trực tiếp đến đề nghị hoặc có thể gửi đề nghị đến sở GD-ĐT qua đường bưu điện kèm theo lệ phí qui định và cước phí bưu điện. Người có văn bằng cũng có thể ủy quyền người khác đến xin cấp bản sao. Đối với những trường hợp đề nghị cấp bản sao do mất bản chính, sẽ phải ghi đầy đủ các nội dung đã có trên bản chính của bằng tốt nghiệp, đồng thời phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ hợp lệ khác.

Bộ GD-ĐT qui định rõ: đối với yêu cầu trực tiếp, nếu thấy đủ điều kiện hợp lệ, việc cấp bản sao có thể được thực hiện ngay trong ngày hoặc tùy thuộc điều kiện cụ thể nhưng cũng không quá ba ngày làm việc. Đối với yêu cầu gửi qua bưu điện, việc cấp bản sao bằng tốt nghiệp được thực hiện trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề nghị và lệ phí, nếu thấy đủ điều kiện hợp lệ.

Theo Ban tư vấn thì do phôi bằng gốc của em chỉ hư ảnh thì em có thể liên hệ trực tiếp với Sở GD-ĐT địa phương để làm thủ tục thay ảnh trên văn bằng (trước kia là dán ảnh vào văn bằng còn hiện tại là scan ảnh vào văn bằng)

Ban tư vấn tuyển sinh