Mỹ: Vì dịch Covid-19, giảng dạy âm nhạc cũng buộc phải lên internet
(Dân trí) - Sandra Escribeano chơi violin từ khi tám tuổi và giờ khi đã là sinh viên, đây là lần đầu tiên, cô phải học nhạc qua internet với giáo viên. Nguyên nhân rất đơn giản: Dịch Covid-19 đang hoành hành...
Hàng tuần cô đăng nhập cho các buổi học 1:1 với giáo viên TS. Kyle Szabo của Trường Âm nhạc & Nghệ thuật Bower tại Đại học Florida Gulf Coast (FGCU).
Và Sandra Escribeano cũng chỉ là một trong số những sinh viên trường Âm nhạc & Nghệ thuật được trải nghiệm học và dạy qua internet. Từ giữa tháng 3, TS Kyle Szabo đã tiến hành các lớp học trực tuyến tại FGCU để hạn chế sự lây lan của Covid-19.
“Các sinh viên có thể gửi cho tôi bản ghi âm họ chơi trước 24 giờ để tôi sẽ xem xét. Khi lên lớp online, tôi sẽ đưa ra những nhận xét để họ rút kinh nghiệm và sau đó là những kiến thức, bài tập mới cho các em triển khai”, TS Szabo cho biết.
“Để có được một buổi lên lớp online, với một trường thiên về nghệ thuật trình diễn, chúng tôi phải xử lý các vấn đề về cơ sở hạ tầng, kết nối Internet, thiết bị âm thanh, ánh sáng và camera tốt nhất có thể.
Việc tập luyện của các sinh viên cũng không được ngắt quãng, vì vậy giảng viên, sinh viên phải dạy và học trực tuyến đều đặn hàng tuần,” giảng viên này nói thêm.
Dù vậy, học nhạc trực tuyến cũng không tránh được những khó khăn. “Khác biệt lớn nhất là tôi không thể làm việc trực tiếp với giảng viên. Đơn giản như giảng viên của tôi không thể trực tiếp làm mẫu một đoạn nhạc, hoặc điều chỉnh một vị trí tay khó mà bạn không thể thực hiện”, Teal Vickery - sinh viên biểu diễn viola năm thứ hai, nói.
Sandra Escribeano chia sẻ thêm: “Rất khó cho chúng tôi khi không thể cùng nhau tập chung cho một bản hòa nhạc, chia sẻ, góp ý về bài tập của mỗi người. Mọi thứ đều thu gọn vào máy tính và internet”.
Có hai yếu tố mà việc học nhạc trực tuyến không thể bù đắp được so với những lớp học truyền thống, đó là mất sự liên kết giữa các cá nhân và môi trường âm thanh.
“Những buổi làm việc trực tiếp luôn kỳ diệu theo cách riêng mà bạn không thể tái tạo hay truyền đạt thông qua các bản ghi âm,” TS Szabo nói. “Nhưng lợi thế của các bản ghi âm hoặc bài học trực tuyến là bạn có thể tiếp cận phạm vi đối tượng rộng hơn trên toàn thế giới”.
Đó cũng là một trong những lý do Sandra coi việc học nhạc trực tuyến là một cơ hội để phát triển như một nhạc sĩ. “Tôi nghĩ rằng tình huống cách ly hay đồng cửa này đang dạy chúng ta cách học mới, đồng thời sẽ thay đổi mọi thứ trong tương lai”, cô nói.
Teal cho biết thêm: “Tôi chắc chắn mình sẽ bỏ lỡ sự kết nối mà mọi người chỉ có thể có được khi chơi nhạc cùng nhau, nhưng những cơ hội mới để kết nối với các công cụ ảo đã chứng minh rằng âm nhạc và khả năng chia sẻ nó thực sự không có ranh giới”.
Cả hai sinh viên đều đồng ý rằng họ đã có nhiều thời gian hơn để chơi nhạc trong thời gian cách ly - không chỉ để thực hành cho chương trình của họ mà còn để thử nghiệm và sáng tác.
“Mọi người dường như đã tìm đến nghệ thuật để giữ cho mình được thư thái và kết nối,” tiến sĩ Szabo tỏ ra hào hứng. “Tất cả chúng ta đều đang trải qua một giai đoạn hoàn toàn khác so với trước và đầy căng thẳng.
Vì vậy, chúng tôi, những nghệ sĩ luôn muốn nhanh chóng tìm kiếm sự kết nối và giá trị âm nhạc đối với tâm hồn mỗi người".
Và kết quả là Sandra đã có những buổi biểu diễn nhỏ để gia đình, bạn bè cô thưởng thức, gắn kết thông qua các cuộc gọi video và trò chuyện nhóm. Đó là một cách để họ không chỉ dành thời gian cho nhau mà còn tạm quên mọi thứ đang xảy ra trên thế giới trong một khoảnh khắc.
“Tôi và gia đình, bạn bè ở nhiều nơi đã tạo ra những nhóm online nơi chúng tôi sáng tác, chơi đàn và hát cho nhau nghe. Mặc dù đây là một khoảng thời gian khó khăn song sự sáng tạo của chúng tôi không bao giờ dừng lại”, Sandra khẳng định.
Thái Hằng
(Theo SIN)