Mỹ: Người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ thuật

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Helen Keller là nhà văn, giảng viên, nhà hoạt động xã hội, diễn giả nổi tiếng nước Mỹ. Bà là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ thuật.

Báo Dân trí triển khai tuyến bài về con đường học vấn, giáo dục của các thần đồng, người nổi tiếng trên khắp thế giới. Hy vọng rằng, những câu chuyện thú vị, ít người biết về những nhân vật truyền cảm hứng này sẽ nhận được sự quan tâm của độc giả.

Helen Keller sinh năm 1880, mất năm 1968, là một tác giả người Mỹ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả, người ủng hộ quyền của người khuyết tật.

Sinh ra ở West Tuscumbia, Alabama, Mỹ, Helen Keller bị mất thị lực và thính giác sau một trận ốm khi mới 19 tháng tuổi. Sau đó, bà giao tiếp chủ yếu bằng cách sử dụng các dấu hiệu cho đến năm 7 tuổi, khi bà gặp người thầy đầu tiên và cũng là người bạn đồng hành suốt đời Anne Sullivan.

Cô giáo Anne Sullivan đã dạy Keller ngôn ngữ, bao gồm cả đọc và viết. Sau khi học ở cả trường đặc biệt và trường chính thống, Keller theo học Đại học Radcliffe thuộc Đại học Harvard và trở thành người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên lấy bằng Cử nhân Nghệ thuật. 

Keller làm việc cho tổ chức Người Khiếm thị Mỹ từ năm 1924 đến năm 1968. Trong thời gian này, bà đã đến hàng chục quốc gia trên toàn thế giới để vận động ủng hộ cho những người bị mất thị lực. 

Keller cũng là tác giả của 14 cuốn sách, hàng trăm bài phát biểu và tiểu luận về nhiều chủ đề khác nhau. Bà tham gia vận động cho người khuyết tật, quyền bầu cử của phụ nữ, quyền lao động và hòa bình thế giới. Năm 1909, bà gia nhập Đảng Xã hội chủ nghĩa Mỹ. Bà là thành viên sáng lập của Liên minh Tự do Dân sự Mỹ.

Cuốn tự truyện của Keller, Câu chuyện về cuộc đời tôi (1903), đã kể về quá trình bà được dạy dỗ bởi cô giáo Anne Sullivan. Câu chuyện sau đó đã được chuyển thể thành một vở kịch và một bộ phim.  

Keller được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Phụ nữ Alabama vào năm 1971. Bà là một trong 12 người đầu tiên được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Nhà văn Alabama.

Lúc 19 tháng tuổi, Keller mắc phải một căn bệnh không rõ nguyên nhân. Căn bệnh khiến Keller bị điếc và mù. Bà đã miêu tả trong cuốn tự truyện của mình là bà từng "sống như trong sương mù dày đặc trên biển".

Năm 1886, cha của Keller đã đưa con gái đi gặp bác sĩ và vị bác sĩ này đã giới thiệu bố con Keller với Alexander Graham Bell, người đang làm việc với trẻ em khiếm thính vào thời điểm đó.

Bell khuyên cha của Keller liên hệ với Viện Người mù Perkins và giám đốc của ngôi trường, đã đề nghị Anne Sullivan, một sinh viên 20 tuổi cũng bị khiếm thị, học sinh cũ của trường, trở thành người hướng dẫn của Keller. Đó là khởi đầu của một mối quan hệ kéo dài gần 50 năm: Sullivan trở thành gia sư của Keller và sau đó là bạn đồng hành suốt đời của bà. 

Mỹ: Người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ thuật - 1

Helen Keller và cô giáo Anne Sullivan (Ảnh: Alamy).

Cô giáo Anne Sullivan dạy học cho Keller từ năm 1887. Sullivan đã tận tâm dạy Keller nói, đọc và viết. Bà chạm vào mọi thứ bằng một tay và tay kia, bà viết bằng chính ngón tay của mình. Ví dụ, trong khi Keller để một tay dưới vòi nước chảy, Sullivan đã giúp học sinh đánh vần từ "nước" với tay kia.

Chương trình giảng dạy của Sullivan bao gồm một lịch trình nghiêm ngặt, với việc giới thiệu liên tục các từ vựng mới. Tuy nhiên bà cũng thay đổi phương pháp giảng dạy của mình sau khi thấy nó không phù hợp với Keller.

Anne Sullivan cũng dạy học trò từ vựng dựa trên sở thích của mình, bằng cách đánh vần từng từ vào lòng bàn tay của Keller. Trong vòng sáu tháng, phương pháp này tỏ ra có hiệu quả vì Keller đã học được 575 từ, bảng cửu chương và hệ thống chữ nổi Braille.

Keller đã học đọc từng chút một và để viết, bà có một tấm bảng đặc biệt để bà có thể tạo ra các chữ cái bằng bút chì.

Để dạy học trò của mình nói, cô giáo Sullivan sẽ đặt tay Keller lên cổ họng mình để cảm nhận những rung động và khuyến khích học sinh cố gắng lặp lại chúng.

Đây là bài tập khó nhất và vì không thấy học trò tiến bộ nhiều, Sullivan đã tìm đến sự giúp đỡ của một giáo viên dạy nói để giúp Helen có thể nói rõ ràng hơn và họ đã thành công.

Sullivan cũng khuyến khích cha mẹ của Helen gửi học sinh của mình đến trường Perkins, nơi Helen có thể có một nền giáo dục phù hợp. Khi họ đồng ý, Sullivan đã đưa Keller đến Boston vào năm 1888 và sống tại đó cùng học trò của mình.

Helen Keller từng được coi là người cô lập nhưng thực ra bà rất biết cách kết nối với thế giới bên ngoài. Bà có thể thưởng thức âm nhạc bằng cách cảm nhận nhịp điệu và có thể có mối liên hệ chặt chẽ với động vật thông qua xúc giác. Bà chậm tiếp thu ngôn ngữ, nhưng điều đó không ngăn cản bà có tiếng nói của riêng mình.

Mỹ: Người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ thuật - 2

Helen Keller là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ thuật (Ảnh: Alamy).

Vào năm 1888, Keller bắt đầu học tại Viện Perkins. Năm 1896, Helen Keller và cô giáo quay trở lại Massachusetts và Keller nhập học vào trường Cambridge trước khi được nhận vào Đại học Radcliffe thuộc Đại học Harvard vào năm 1900.

Ở tuổi 24, Keller tốt nghiệp đại học và trở thành người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên lấy bằng Cử nhân Nghệ thuật. Thời điểm đó, bà duy trì trao đổi thư từ với triết gia và nhà sư phạm người Áo Wilhelm Jerusalem, một trong những người đầu tiên phát hiện ra tài năng văn chương của bà. 

Quyết tâm giao tiếp với người khác theo cách thông thường nhất có thể, Keller đã học nói và dành phần lớn cuộc đời để diễn thuyết và thuyết trình về mọi khía cạnh của cuộc sống.

Bà học cách "nghe" lời nói của mọi người bằng phương pháp Tadoma, nghĩa là dùng ngón tay để cảm nhận môi và cổ họng của người nói. Bà rất thành thạo trong việc sử dụng chữ nổi và dùng ngón tay để giao tiếp.

Mỹ: Người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ thuật - 3

Helen Keller đã nỗ lực hết mình để vượt qua khó khăn trong cuộc sống (Ảnh: Alamy).

Nhiều năm sau đó, Keller trở thành diễn giả và tác giả nổi tiếng thế giới. Bà tham gia hàng loạt hoạt động ủng hộ người khuyết tật. Bà đến thăm 25 quốc gia và có những bài phát biểu gây xúc động về người khuyết tật.

Helen Keller là một người theo chủ nghĩa hòa bình, theo chủ nghĩa xã hội cấp tiến. Năm 1915, bà và George A. Kessler thành lập tổ chức Helen Keller International (HKI), tổ chức chuyên nghiên cứu về thị lực, sức khỏe và dinh dưỡng.  

Helen Keller đã cùng cô giáo của mình Sullivan tới thăm hơn 40 quốc gia trong đó có một số chuyến đi đến Nhật Bản. Cặp cô trò người Mỹ đã trở thành nhân vật được yêu thích của người dân xứ hoa anh đào.  

Keller rất ủng hộ người nghèo. Bà từng phát biểu rằng, bà muốn những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình nghèo cũng có cơ hội thành công như bà.

Năm 1909, Keller trở thành thành viên của Đảng xã hội chủ nghĩa Mỹ; bà tích cực vận động và viết bài ủng hộ giai cấp công nhân. Nhiều bài phát biểu và bài viết của bà gây ấn tượng khi nói về quyền bầu cử của phụ nữ và tác động xấu của chiến tranh.

Keller đã viết tổng cộng 14 cuốn sách và rất nhiều bài báo. Một trong những tác phẩm đầu tiên của bà là The Frost King, truyện ngắn ra mắt khi bà mới 11 tuổi.

Ở tuổi 22, Keller xuất bản cuốn tự truyện của mình, Câu chuyện về cuộc đời tôi với sự giúp đỡ của vợ chồng cô giáo Sullivan. Cuốn sách kể lại câu chuyện về cuộc đời của Helen Keller từ bé cho đến năm 21 tuổi và được viết trong thời gian bà học đại học. Cuốn tự truyện của bà đã được dịch ra 50 ngôn ngữ và vẫn còn được tái bản cho đến ngày nay.

Trong một bài báo Keller viết vào năm 1907, bà đã thu hút sự chú ý của công chúng khi viết rằng, có thể ngăn ngừa nhiều trường hợp mù lòa ở trẻ em bằng cách rửa mắt cho mọi trẻ sơ sinh bằng dung dịch khử trùng.

Vào thời điểm đó, chỉ một phần nhỏ bác sĩ và nữ hộ sinh làm việc này. Nhờ sự ủng hộ của Keller, biện pháp hợp lý này đã nhanh chóng được áp dụng rộng rãi.

Ngày 14 tháng 9 năm 1964, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson trao tặng bà Huân chương Tự do Tổng thống, một trong hai huân chương dân sự cao quý nhất của Mỹ. Năm 1965, bà được bầu vào Đại sảnh Danh vọng Phụ nữ Quốc gia tại Hội chợ Thế giới New York, Mỹ.

Keller đã dành phần lớn cuộc đời của mình để gây quỹ cho tổ chức Người Khiếm thị Mỹ. Bà qua đời trong giấc ngủ vào ngày 1 tháng 6 năm 1968 tại nhà riêng ở Connecticut, Mỹ, chỉ vài tuần trước sinh nhật lần thứ 88 của bà.

Là một trong những người khuyết tật nổi tiếng nhất nước Mỹ, Helen Keller từng lọt Top Những nhân vật được ngưỡng mộ nhất của thế kỷ 20 do công ty tư vấn và phân tích của Mỹ Gallup bình chọn.

Tại Alabama, quê hương của Helen Keller có bệnh viện mang tên bà. Đồng xu của bang Alabama là đồng xu duy nhất của Mỹ có chữ nổi. 

Đường phố được đặt theo tên của Helen Keller không chỉ có ở Mỹ mà còn có ở Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Israel, Bồ Đào Nha, Pháp... Một trường mầm non dành cho người khiếm thính ở Mysore, Ấn Độ cũng từng được đặt theo tên của Helen Keller.

Năm 1973, Helen Keller được giới thiệu vào Đại sảnh Vinh danh Phụ nữ Quốc gia của Mỹ. Một con tem đặc biệt được phát hành vào năm 1980 bởi Bưu điện Mỹ để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Keller. Hàng năm, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ đều tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật của bà (27/6).

Năm 2009, tiểu bang Alabama đã tặng một bức tượng Helen Keller bằng đồng cho Bộ sưu tập Tượng đài Quốc gia ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Các bức tượng ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ do các bang tặng để tôn vinh những người nổi tiếng trong lịch sử của bang.

Theo AFB

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm