Muốn vào trường dạy chống xâm hại thì... qua phường xin giấy
(Dân trí) - Một chương trình dạy học sinh phòng chống xâm hại tình dục một cách bài bản, chuyên nghiệp và hoàn toàn miễn phí muốn đưa vào trường học thì hiệu trưởng im lặng, lần lữa... Sau đó hiệu trưởng trả lời: Muốn vào dạy thì lên xin phường xin giấy!
Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM ra văn bản yêu cầu các trường học tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục giới tính (GDGT) trong trường học trên địa bàn để trang bị kiến thức bảo vệ bản thân cho học sinh, nhất là khi vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đang nhức nhối. Tuy nhiên, việc đưa các chuyên đề, nội dung giáo dục phòng chống xâm hại vào trường học có thể nói là vô cùng khó.
Trường né vấn đề "nhạy cảm"
Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang (Trưởng khoa Đại cương - Học viện cán bộ TPHCM), người tổ chức, đứng lớp hàng trăm tiết học miễn phí dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho học sinh tiểu học ở TPHCM cho hay, hoạt động này của mình hiện có 20 người có chuyên môn, là giảng viên tại các trường đại học cùng tham gia. Chương trình đưa đến cho trẻ các kiến thức cơ bản và cần thiết như nắm được vùng riêng tư là gì? Khi ai xâm hại vào vùng riêng tư trẻ phải làm gì? Kẻ xấu có thể là ai? Và thông điệp quan trọng nhất là các em hiểu rằng mình là người quan trọng nhất bảo vệ mình.
Chia sẻ tại tọa đàm "Chống xâm hại tình dục trẻ em" vừa diễn ra tại TPHCM, bà Trang cho biết, bà giới thiệu tận nơi đến ban giám hiệu các trường học ở TPHCM nhưng chỉ một số ít trường thực hiện, sẵn sàng xếp lịch để học sinh được tiếp cận, còn phần lớn ban giám hiệu các trường xem như không hay không biết vì không muốn dạy về điều này cho trẻ.
Bà Trang kể, một giáo viên ở Củ Chi, nghe chương trình hay quá, rủ “Đưa cái này về trường em đi”. Cô về nói lại với ban giám hiệu, bị vặc lại: Con nít con nôi dạy ba thứ tầm bậy tầm bạ.
Ngoài việc nhận thức chưa đúng về vấn đề từ lâu được xem là nhạy cảm, chuyện người lớn, theo bà Trang, nhà trường cũng có rất nhiều việc, nhiều áp lực và còn sợ cấp trên, sợ chịu trách nhiệm.
Có phụ huynh của một trường ở Thủ Đức, là tiến sĩ, và giáo viên của lớp con chị biết về chương trình. Cả hai thấy hay, cần phải đưa vào trường nên lên năn nỉ hiệu trưởng thực hiện. Hiệu trưởng hứa, lần lữa chờ cái này, chờ cái kia... mãi mới trả lời lần cuối “Đi ra phường xin giấy, phường cho thì vào dạy”.
“Biết rằng bị từ chối, cô giáo bức xúc quá cô gọi chúng tôi đến, đi mượn máy chiếu dạy cho các em ngay tại nhà mình”, bà Trang kể.
Theo bà Trang, bà cảm ơn các trường đưa chương trình vào, vì có thể nói ban giám hiệu đã đổi sự an toàn của mình vì sự an toàn của trẻ.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, đang phụ trách phòng tư vấn tâm lý tại một trường học ở TPHCM chỉ ra thực tế việc đưa các hoạt động, kiến thức về GDGT vào trường học hiện rất khó. Chính lãnh đạo nhà trường, giáo viên chưa thấy được tầm quan trọng trong việc GDGT cho học trò. Có hiệu trưởng từ chối thẳng thừng vì cho rằng tại sao lại phải đề cập đến GDGT trong trường học? Có giáo viên thì nói nhỏ: “Thầy ơi, nó chưa cần cho học sinh đâu”.
Nhà trường “mặc cả” từng phút dạy học trò
Số trường tiếp nhận thực hiện các chuyên đề, tiết học GDGT cho học sinh đã ít, chưa kể có trường còn muốn “mượn tay” các chương trình để làm đẹp báo cáo chứ không thật sự vì học trò.
Cũng tại tọa đàm trên, bà Linh Trang kể, có một quản lý trường học ở Tân Bình, biết chương trình thì nhiệt tình: “Cô ơi, về trường em dạy cái này đi”. Bà Trang đang mát lòng mát dạ lắm thì người này nói tiếp “Chứ ba năm nay bọn em không có chương trình gì để báo cáo”.
Rồi gần đây nhất, một đồng nghiệp của bà Trang tiếp nhận trao đổi từ quận đoàn một quận ở TPHCM muốn tổ chức chương trình các trường trên địa bàn. Chương trình liên hệ được với 6 trường và hiệu trưởng các trường nói đưa vào dạy nhưng yêu cầu mỗi trường chỉ thực hiện một lớp thôi.
Dường như nhiều trường làm cho có khi “cơn sốt” về xâm hại tình dục đang nóng, đang được nhiều người quan tâm để tránh mang tiếng “đứng ngoài cuộc” cũng như nhỡ có việc gì thì vẫn có thể “Chúng tôi đã...”.
TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) cũng nhắc đến tình huống hài hước, buồn lòng khi đến các trường thực hiện chuyên đề giúp trẻ bảo vệ bản thân thì trường nói chỉ chèn một chút vào giờ chào cờ; rồi tiết học chỉ 45 phút thì trường vẫn “mặc cả”... dạy 30 phút thôi.
Là người đứng ra kết nối với rất nhiều đơn vị, chuyên gia để thực hiện hoàn toàn miễn phí các chương trình về giáo dục giới tính cho học sinh, bà Nguyễn Thanh Thúy (Hội quán Các Bà Mẹ) ngao ngán nói rằng để vào thực hiện chương trình ở các trường công lập rất khó, gần như không có “cửa”, bị từ chối từ vòng gửi xe.
“Nội dung rất cần cho học sinh, miễn phí, cũng không quảng cáo cho bất cứ nhãn hàng nào nhưng các trường lắc đầu”, bà Thúy nói.
Theo TS Linh Trang, nhiều trường mang tâm lý là phải học, bị học chứ không nghĩ là các em cần học, được học đã tước đi rất nhiều cơ hội của học sinh. Và rồi, không chỉ những kẻ ấu dâm, kẻ có hành vi xâm hại trẻ mà chính sự chủ quan, thờ ơ, bàng quan của người lớn cũng là mối nguy hiểm đối với trẻ.
Hoài Nam