Muôn kiểu kêu gọi học sinh "tự nguyện" học thêm của giáo viên

Quang Trường

(Dân trí) - Bạn đọc của Dân trí cho rằng, giáo viên hiện nay có rất nhiều cách để kêu gọi học sinh "tự nguyện" đi học thêm.

Sau khi đăng tải loạt bài viết về chủ đề dạy thêm, học thêm, Dân trí đã nhận lại những bình luận đa chiều từ hàng trăm bạn đọc. Đa số bạn đọc tỏ ra bức xúc trước những tiêu cực trong việc dạy và học thêm.

Không học thêm thì bỏ lỡ kiến thức, bị điểm kém

Bạn đọc Tri Duc cho biết, trong mỗi bài kiểm tra, giáo viên của con anh đều cho 2 câu hỏi: 1 câu đã được dạy trên lớp và 1 câu hỏi "mở", không được dạy trong chương trình chính khóa.

Với đề bài này, nếu nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ giáo viên ra đề giỏi, buộc học sinh phải tư duy, sáng tạo để giải chứ không máy móc. Tuy nhiên, sự thật là câu hỏi "mở" đã được cô giáo dạy tại lớp học thêm. Những em không đi học thêm thường chỉ đạt điểm trung bình.

Muôn kiểu kêu gọi học sinh tự nguyện học thêm của giáo viên - 1
Nhiều bạn đọc lo ngại nếu không học thêm, học sinh sẽ bỏ lỡ kiến thức, bị điểm kém (Ảnh minh họa: Kiều Phương).

Bạn đọc Phan Trọng Thiệp cho rằng, học thêm là tự nguyện nhưng giáo viên có rất nhiều cách tác động đến học sinh và phụ huynh, buộc họ cho con đi học thêm. Khi việc công và việc tư lẫn lộn thì chất lượng của giờ học chính khóa sẽ bị ảnh hưởng, chưa nói đến việc giáo viên sẽ dạy chương trình, kiến thức trên lớp trong buổi học thêm, còn giờ học chính khóa trở thành buổi ôn tập, chữa bài.

"Vì vậy, phải có một chế tài thật nghiêm để xử lý những giáo viên vi phạm quy định dạy thêm. Không thể để lợi ích riêng của những giáo viên này làm ảnh hưởng đến cả triệu gia đình học sinh", bạn đọc này đề xuất.

Bạn đọc T.T bình luận: "Ai bắt ép đâu. Vẫn có đầy học sinh không học thêm đó. Học thêm thì kiến thức cũng trong chương trình chứ có học trên trời, dưới biển đâu. Nếu con mình ở trên lớp nắm hết bài, làm được các dạng bài thì cho ở nhà. Lúc kiểm tra con cứ làm đúng thì là học sinh giỏi hết".

Trả lời bạn đọc T.T, có 16 bạn đọc khác không đồng tình với ý kiến trên. Trong đó, bạn đọc Nga Thu viết: "Xin lỗi bạn, đừng nói câu không ép. Con tôi học lớp 1, khảo sát vài phụ huynh thì không ai muốn cho con học phụ đạo nhưng giáo viên cứ ra rả bảo cả lớp đã học rồi, mỗi con mình không học. Thỉnh thoảng, ở buổi học chính cô dạy không kịp nên chuyển sang dạy vào buổi phụ đạo".

Bạn đọc Ten Le cho rằng, giáo viên không cần phải ép, chỉ cần gây áp lực bằng cách dạy những dạng bài kiểm tra trong giờ phụ đạo, còn giờ học chính trên lớp thì dạy qua loa. Như vậy, dù học sinh không muốn cũng phải đi học thêm.

Theo bạn đọc Quang Anh Pham, ở một số trường, bài học ở tiết học thêm nối tiếp chương trình chính khóa. Ví dụ, trên lớp học bài 1,2 xong, đến lớp học thêm học bài 3, bài 4,5 học trên lớp và bài 6 lại chỉ được dạy ở lớp học thêm. Nếu không học thêm, học sinh sẽ bỏ lỡ kiến thức.

Bạn đọc Pham Minh Hung cảm thán: "Cũng như nhiều vị phụ huynh khác, tôi đã cho con nghỉ học thêm bên ngoài nhưng đúng là "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa". Tôi hi vọng con có thời gian học các môn kỹ năng sống, chơi thể thao thì lại gặp ngay các lớp học tự nguyện hoặc lớp câu lạc bộ ở trường".

Bạn đọc Ha Nguyen Ngoc tán thành với việc học thêm ở trường nhưng phản đối học thêm ở nhà giáo viên.

"Ở trên lớp, một số thầy cô ở truyền đạt ít kiến thức cho các con, để dành về dạy thêm. Em nào không đi học thêm là y như rằng không làm được bài kiểm tra trên lớp vì có được học, rèn luyện nhiều về dạng bài đó đâu. Không đi học thêm còn bị cô giáo "đì". Như con tôi, mặc dù cháu đang bị cận nhưng từ đầu năm nay phải ngồi bàn cuối, chỉ được chuyển từ góc này sang góc kia", bạn đọc Ha Nguyen Ngoc bình luận.

Bạn đọc Blake Huỳnh cho biết, trong đề thi các môn luôn có câu khó, thường chiếm 2/10 điểm nhưng giáo viên không dạy cách giải mà bảo học sinh không cần quan tâm, lấy 8 điểm là được. Chỉ có các bạn đi học thêm mới được dạy những câu đó.

Theo bạn đọc Giang Lưu ở Thanh Hóa, đầu năm con học lớp 1, cô giáo phát cho 1 tờ đăng ký học ngoài giờ (buổi chiều) và 1 tờ đăng ký học câu lạc bộ vào sáng thứ 7. Không ai có nguyện vọng cho con học nhưng vì cô bảo cả trường đều đã đăng ký nên đành phải cho con đi học thêm. "Chưa biết sẽ phải đóng thêm bao nhiêu tiền nữa đây", bạn đọc này trăn trở.

Muôn kiểu kêu gọi học sinh tự nguyện học thêm của giáo viên - 2
Học sinh mệt mỏi vì học thêm (Ảnh minh họa: Yonhap).

"Nhớ trước đây, con gái học lớp 4 của tôi từng hỏi: "Mẹ ơi, tại sao lúc khai giảng, bác hiệu trưởng nói phải chống nạn dạy thêm, học thêm mà cô giáo lại bảo phải nhắc mẹ viết đơn xin học thêm cho con?". Trước khi dạy trẻ kiến thức, xin hãy dạy chúng về lòng trung thực", bạn đọc Thu To viết.

Bạn đọc S.B tâm sự: "Ngày trước, mình ít đi học thêm, chỉ học khi thấy cần. Đúng là khi không đi học thêm thì điểm số không bằng một số bạn. Nhưng mục đích cuối cùng là kiến thức chứ không phải tấm bằng khen của nhà trường. Các phụ huynh nên chủ động thay đổi, đả thông tư tưởng cho các em, để con tự do lựa chọn môn học thêm và hướng tới kiến thức thực".

"Tiền dạy thêm nhiều hơn lương thì tội gì không làm"

Bạn đọc Lê Xuân Vinh cho rằng, vấn nạn dạy và học thêm là hệ quả của việc lương giáo viên thấp. Mặc dù họ biết dạy thêm là vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhưng vẫn phải tìm đủ mọi cách để kiếm thêm thu nhập.

"Trường công trả lương không đủ sống nên giáo viên phải tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập. Mức lương của giáo viên nên được xem lại, sao cho tương xứng với công sức lao động mà họ bỏ ra", bạn đọc Tien Nguyen bình luận.

Bạn đọc Tuan Nguyen cũng cho rằng, không phải do áp lực điểm số, thi cử mà bởi vì lương giáo viên quá thấp, không dạy thêm thì họ không sống nổi bằng nghề.

"Vấn đề ở đây là lương thấp, để đáp ứng nhu cầu sống, họ phải nghĩ ra đủ mọi cách. Đây cũng là cách làm giàu, kiếm tiền. Mâu thuẫn là cho con vào trường công để tiết kiệm học phí nhưng tiền học thêm cũng "quá tội", lại làm khổ con cái", bạn đọc Ngọc Trịnh viết.

Muôn kiểu kêu gọi học sinh tự nguyện học thêm của giáo viên - 3
Nhiều bạn đọc cho rằng, lương thấp khiến giáo viên phải tìm mọi cách để dạy thêm (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Bạn đọc Quang Anh nhận định, nguyên nhân vẫn là tiền lương và chế độ đãi ngộ cho giáo viên quá kém. Nếu không ép học thêm thì họ lấy đâu ra tiền để trang trải cuộc sống, nhất là ở các đô thị lớn, chi phí sinh hoạt cao.

"Phụ huynh thì muốn con học giỏi để nở mặt với người ta, giáo viên thì muốn kiếm thêm thu nhập. Tiền dạy thêm nhiều hơn lương thì tội gì không làm", bạn đọc Bảo Huỳnh viết.

Bạn đọc Duc Anh Tran đề xuất, giải pháp căn cơ là nâng lương giáo viên lên gấp 3-5 lần. Giáo viên nào gây áp lực cho học sinh học thêm là bị đuổi khỏi ngành. Có thể cho giáo viên dạy thêm nhưng không được dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình.

Tuy nhiên, bạn đọc Vũ Ngọc Anh cho rằng, lương giáo viên hiện nay không hề thấp, vì thời gian đứng bục giảng của họ không nhiều, chưa kể nghỉ hè họ cũng hưởng lương.

Bạn đọc Nguyễn Minh Quân thẳng thắn, ai thấy lương thấp thì nên chọn nghề khác. Đã chọn nghề nhà giáo, ngoài đạo đức nghề nghiệp thì đạo đức giữa con người với con người rất quan trọng.