Muốn du học ngay sau khi lấy bằng cử nhân, chuẩn bị hồ sơ từ khi nào?

(Dân trí) - Có rất nhiều bạn muốn tốt nghiệp đại học rồi đi du học bậc thạc sĩ ngay, nhưng trên thực tế là có hơn rất nhiều bạn sinh viên mới ra trường phải chờ thêm 1-2 năm sau mới có thể đi du học trong khi có thể “bay sớm hơn”. Vậy chuẩn bị hồ sơ từ khi nào và làm sao để có thể nhận thư báo đỗ từ trước khi nhận bằng tốt nghiệp đại học?

Vũ Phương – nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ ở Mỹ với học bổng toàn phần (miễn toàn bộ học phí và được trả phí sinh hoạt 40 triệu đồng/ tháng) chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược về cách bố trí thời gian để chuẩn bị kịp thời, hiệu quả cho một bộ hồ sơ xin học bổng cao học (thạc sĩ, tiến sĩ). Phương đã nhận được thư báo đỗ bậc học Tiến sĩ (PhD) vào tháng 3/2019 khi cô chưa tốt nghiệp đại học.

Tháng 5/2019, Phương nhận bằng tốt nghiệp ở một trường Đại học ở Việt Nam và tháng 8/2019, cô nhập học tại Đại học Purdue (Mỹ) và là nghiên cứu sinh người Việt Nam duy nhất của khoa Thực vật học tại đây.

Bí kíp bạn phải nhớ: Đừng để năm cuối mới chuẩn bị!

Mình đã dành cả 4 năm đại học để lên chiến lược cho quá trình “bay nhanh vượt cấp” này. Lúc đầu mình chỉ định xin học bổng bậc Thạc sĩ thôi, nhưng sau 3 năm học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tự kiểm nghiệm những lời khuyên ấy vào việc apply rất nhiều chương trình, thì vào năm 3 đại học mình quyết tâm ứng tuyển bậc Tiến sĩ. Mình hy vọng những điều mình viết dưới đây sẽ giúp các bạn nhận ra là để apply thành công, cần chuẩn bị sớm đến thế nào. 

Dưới đây là khung lịch trình tương đối hoàn chỉnh để các bạn sớm xây dựng được 1 bộ hồ sơ hoàn chỉnh, toàn diện kể cả về mặt học thuật lẫn hoạt động ngoại khóa. Các bạn đang là sinh viên năm mấy thì xem thiếu phần nào bổ sung luôn phần đó cho kịp nhé!

Chú ý là trong tất cả những năm học đại học, có năm mình ưu tiên cái A, có năm mình ưu tiên cái B, nhưng việc cố gắng hết sức cho điểm GPA cao, luyện tiếng Anh và mở rộng mạng lưới quan hệ là những điều mình luôn luôn làm qua tất cả những năm tháng, đến cả bây giờ và còn mai sau nữa.

I. Năm nhất đại học

Vào năm nhất, các bạn phải tập trung học để có điểm GPA càng cao càng tốt. Đây không phải là thời điểm bạn ưu tiên việc đi làm thêm kiếm tiền, đi học kỹ năng mềm, hay nghĩ rằng những môn bạn đang học không quan trọng. Các môn đại cương (chẳng hạn Triết học Mac-Lenin, Lịch sử Đảng hay Pháp luật đại cương) có thể không phải môn chuyên ngành nhưng tất cả những môn ấy đều tính vào GPA của bạn. Toán học hay Vật lý cũng là những môn khá tốn thời gian học, vậy nên hãy quyết tâm ngay từ đầu.

Hồi mình học mình quyết tâm ra trường được điểm A tất cả các môn như sư phụ của mình - anh Hiếu thủ khoa Học viện Ngân hàng đạt GPA 4.0/4.0. Nhưng thực tế ở năm 3 mình dành thời gian làm đẹp CV bằng các hoạt động ngoại khóa, cụ thể là YSEALI (mình đi Mỹ 5 tuần, không bảo lưu mà đi xong mình về nước thi cuối kì luôn nên điểm bị kéo xuống đáng kể).

Việc quyết tâm tập trung đạt điểm cao ngay từ khi mới nhập học còn giúp các bạn tránh được trường hợp bị tụt điểm vào những năm học sau nếu lỡ bạn phải đi trao đổi ngắn hạn ở nước ngoài nhiều (như mình). Và bạn biết không? Điểm cao ngay từ năm đầu cho bạn một sự tự tin rằng: “Bạn đủ giỏi để đi xa hơn”. Nếu bạn va vấp, có thể năm 2-4 bù lại nhưng quả thực rất nhiều bạn “trượt dài”. Hãy lưu ý bánh đà năm nhất này nhé. Đầu xuôi đuôi lọt!

Muốn du học ngay sau khi lấy bằng cử nhân, chuẩn bị hồ sơ từ khi nào? - 1
Vũ Phương (giữa) – hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Mỹ.

II. Năm hai đại học

Chắc chắn vẫn phải học tốt rồi. Và hãy: 

Mở rộng các mối quan hệ có lợi cho việc săn học bổng.

Đến năm 2, bạn đã quen với môi trường học tập, quen bạn bè thầy cô trên lớp, thì đây chính là lúc bạn cần mở rộng mối quan hệ. Từ việc tham gia câu lạc bộ của trường, tham dự các buổi hội thảo, chia sẻ (mình đi American Center của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội suốt), làm thực tập sinh. Tóm lại mục tiêu của năm này là phát triển kỹ năng mềm của bản thân và mở rộng mối quan hệ (network) bởi vì đây chính là nguồn kinh nghiệm dồi dào mà bạn sẽ không thể có được nếu mạng lưới network của bạn chỉ gói gọn trong lớp, trong trường. Nhưng dù có muốn mở rộng network đến thế nào, bạn vẫn cần duy trì học các môn trên lớp thật tốt, đi học tiếng Anh bài bản (tất cả các mùa hè và tết mình luôn dùng để học tiếng Anh, mỗi ngày mình học khoảng 20 từ mới ngay cả đến bây giờ).

Việc mở rộng network còn giúp bạn quen nhiều người giỏi. Điều này rất quan trọng, nó không chỉ đơn thuần giúp bạn nhận được sự hỗ trợ khi cần, mà còn tạo động lực lớn cho các bạn vô cùng. Bản thân mình luôn nghĩ các anh chị đi trước rất đỉnh, và một ngày sớm thôi mình sẽ được như các anh chị ấy.

Nộp hồ sơ vào nhiều chương trình trao đổi đi nước ngoài, bắt đầu cật lực ôn thi và chứng chỉ (IELTS/ TOEFL/ GMAT/GRE)

Trung bình 1 học kì mình nộp đơn cho 2-3 chương trình trao đổi ở nước ngoài (may mắn là mình đỗ tất nên cũng được khá nhiều kinh nghiệm hoạt động quốc tế cho đầy Sơ yếu lí lịch - CV). Lý do mình không khuyên nộp hồ sơ đi trao đổi ngắn hạn từ năm nhất mà phải đợi tầm năm 2, năm 3 mới apply là bởi vì nếu apply từ năm nhất thì bạn chưa được học nhiều môn, profile chưa đủ cạnh tranh. Sau khi học đại học 1-2 năm thì lúc ấy bạn có thể đã tích lũy được đã có điểm GPA cao với nhiều môn chuyên ngành, điểm chứng chỉ tiếng anh sau vài lần thi cũng đã cao hẳn, cộng với hoạt động ngoại khóa ở trường sẽ giúp chỗ bạn dễ dàng “nộp phát trúng luôn” như mình.

Có 4 nguồn để tìm thông tin học bổng mà apply trên các kênh chuyên chia sẻ về học bổng và thông qua các giáo sư (cái này cho các bạn apply học bổng giáo sư như mình). Cụ thể và đa dạng hơn nữa về cách tìm kiếm thì mình luôn hướng dẫn rất rõ ràng cụ thể từng bước trong các buổi workshop, livestream hay các buổi học với mình.

III. Năm 3 đại học 

Đây cũng là lúc bạn nên đầu tư cả thời gian, sức lực lẫn tiền bạc để đi học ở những nơi ôn luyện thi chuẩn hoá du học chất lượng, đặc biệt là về tiếng Anh. 

Năm 3 cũng là năm vất vả nhất, chuyên sâu nhất trong quá trình học đại học của mình. Có những ngày mình dùng cả ngày để “bám đuôi” hỏi kinh nghiệm của cả chục anh chị đi trước, không chỉ trong ngành học của mình, mà còn ngành học khác để có một cái nhìn tổng quan, mở mang đầu óc.

Và năm 3 này, là chúng ta có thể bắt đầu apply học bổng sau khi đã có một bộ hồ sơ “xịn” cả về GPA, tiếng Anh, và các “giấy khen, giải thưởng”.

Mùa nhập học phổ biến nhất là học kỳ mùa thu – hay còn gọi là Fall Semester, bắt đầu khoảng tháng 8 hàng năm. Dưới đây là 1 lịch trình mà tớ đã áp dụng để nộp thành công trúng tuyển và xin được học bổng của trường cho cả 2 trường bậc sau đại học (grad school).Tháng 2: Bắt đầu tìm hiểu về grad school. Lên danh sách các trường muốn nộp và yêu cầu của từng trường. Đặc biệt chú ý mức điểm GRE/IELTS/ TOEFL mà mỗi trường yêu cầu.Tháng 3: Thi lấy chứng chỉ IELTS/TOEFL.Tháng 4 – tháng 6: Làm quen và thi thử 1 bài “GRE Practice Test” – có rất nhiều bài test miễn phí trên mạng (GRE là một bài thi phổ biến mà hầu như bất kỳ chương trình sau đại học nào tại Mỹ cũng đòi hỏi – cho mọi chuyên ngành, bên cạnh IELTS hay TOEFL). Việc thi thử bài GRE practice test giúp bạn làm quen, định hình được bài thi và ước lượng thời gian mình cần chuẩn bị để ôn tập cho bài thi chính thức (Vì phí thi cũng khá là chát, không ai muốn phải thi vài lần).- Bắt đầu ôn thi GRE. Bản thân mình mất khoảng 3 tháng luyện GRE trước khi xách bút đi thi, một lần duy nhất.

Tháng 7: Đăng ký thi GRE.

Lưu ý siêu quan trọng: Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (Educational Testing Service – ETS) cho phép bạn đăng ký gửi điểm GRE đến 4 trường (không mất phí), nhưng chỉ miễn phí vào đúng ngày bạn đến thi. Vậy nên: vào ngày thi, bạn phải có đủ thông tin của 4 trường bạn muốn (bao gồm cả mã GRE code của từng trường) để điền vào máy tính của ETS trước khi làm bài thi nhé.Nếu sau khi có điểm rồi bạn mới yêu cầu ETS gửi bảng điểm cho trường thì sẽ bị tính phí $27 cho 1 bản điểm. Cứ thêm bản nào trả phí bản đó.

Tháng 8: Chủ động tìm hiểu thông tin, liên lạc trước với các Giáo sư tại trường ở Mỹ nêú bạn đã từng có network với họ, hoặc thậm chí là chưa hề liên lạc lần nào. Việc này giúp bạn trong việc: 1) xin giáo sư nhận hướng dẫn nếu apply vào đúng trường đó. 2) nhờ viết thư giới thiệu (LOR) khi làm hồ sơ. Việc viết thư, chờ hồi âm, và trao đổi ý tưởng cũng mất kha khá thời gian.

Tháng 9: Lập check-list các giấy tờ, tài liệu cần chuẩn bị cho mỗi bộ hồ sơ. Thu gom tất cả bằng cấp/chứng chỉ/bản điểm đi dịch thuật và công chứng theo yêu cầu mỗi trường.

Lưu ý: Một số trường tại Mỹ đòi hỏi bảng điểm và bằng ĐH của bạn phải được xác thực lại (verify) theo chuẩn của Mỹ qua một tổ chức trung gian mà trường đó chỉ định, trong trường hợp này, bạn phải gửi hồ sơ gốc của mình tới 1 tổ chức A, sau khi verify, tổ chức A sẽ gửi trả về 1 bản cho trường và 1 bản cho bạn lưu.

Tháng 10: Bắt tay vào viết bài luận, chuẩn bị đề cương nghiên cứu, thư giới thiệu, sơ yếu lí lịch… Tóm lại, tất tần tật các thể loại liên quan tới động não và viết lách.

Tháng 11-12: Gửi đi hồ sơ nếu cảm thấy đã sẵn sàng. Hạn cho học kỳ mùa thu thường rơi vào tháng 1 hoặc tháng 2.

IV. Năm 4

Thường xuyên liên lạc với giáo sư hoặc bạn bè đã từng apply, hỏi han nghe ngóng tình hình. Chuẩn bị khóa luận tốt nghiệp và làm visa.

Nếu bạn apply từ năm 3 như mình là đến đầu năm 4 biết kết quả luôn. Đó cũng chính là lý do tại sao mình khuyên các bạn nên bắt đầu lên kế hoạch từ hồi năm nhất năm 2 luôn chứ đừng như nhiều các bạn đợi đến năm 4 mới bắt đầu tìm hiểu. Như vậy quá muộn, dẫn đến việc các bạn thường phải ở lại việt năm 2-3 năm để tích lũy thêm kinh nghiệm.

Tóm lại: Nếu có một lịch trình chi tiết và thời khoá biểu ôn tập cũng như chuẩn bị kỹ càng như mình viết  thì cơ hội được nhận vào grad school sẽ khá cao. Hy vọng những chia sẻ của mình giúp các bạn bỏ túi một chút kinh nghiệm để chuẩn bị cho hành trình tìm kiếm học bổng của mình. Chúc các bạn thành công nhé!

Lưu ý: Không bao giờ chờ đến deadline mới nộp bởi vì:

Mỗi bộ hồ sơ gửi đến đều được hội đồng đánh giá và cân nhắc quyết định tuyển chọn ngay khi họ nhận được chứ không phải chờ tới hết hạn nộp (deadlines) trường mới đọc hồ sơ ứng viên.

Bạn sẽ không bị bỏ lỡ các học bổng trường/khoa, các chương trình hỗ trợ tài chính. Bởi đa số các deadlines của “financial aids” (hỗ trợ tài chính) đều là first come first serve – ai tới trước được trước.

Vũ Phương

Nghiên cứu sinh tiến sĩ ĐH Purdue, Mỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm