Mục tiêu 20.000 tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục

Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%. Tỉ lệ này là thấp so với yêu cầu của các cơ sở giáo dục đại học trong nước.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong năm 2013, chỉ tiêu đào tạo tiến sỹ tăng 9,3%. Do đó, trong năm 2014, tỷ lệ đào tạo tiến sỹ sẽ tăng khoảng 7% và chỉ tiêu thạc sỹ tăng 5% so với chỉ tiêu năm 2013. Đề án 911 nhằm mục tiêu đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học.
 
Theo kế hoạch của Đề án, khoảng 10 ngàn giảng viên sẽ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài, 10 ngàn giảng viên sẽ được đào tạo ở trong nước và 3 ngàn giảng viên sẽ được đào tạo theo phương thức phối hợp giữa trong và ngoài nước. Vậy, mục tiêu 20.000 TS để làm gì và khi đạt được rồi thì sẽ thế nào?
 
PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), đã có trao đổi thêm về vấn đề này.
 
Đào tạo 20.000 tiến sĩ để nâng cao chất lượng giáo dục. (Ảnh: minh họa)
Đào tạo 20.000 tiến sĩ để nâng cao chất lượng giáo dục. (Ảnh: minh họa)
 
PV: - Thưa ông, Đề án 911 đưa ra tham vọng phải đào tạo 20.000 tiến sĩ  tới năm 2020 là vì mục tiêu gì và khi đã đạt được mục tiêu này thì sẽ thế nào?
 
PGS-TS Bùi Anh Tuấn: Quy mô, cơ cấu và chất lượng của đội ngũ giảng viên đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới, quyết định nâng cao chất lượng giáo dục đại học.   
 
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT tại Hội nghị Quán triệt Nghị quyết TƯ 8 và Tổng kết năm học 2012-2013 ngày 28/12/2013 vừa qua, so với năm học 2011-2012, năm học 2012-2013 số giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng tăng 6% (từ 85.275 lên 90.617 người); số giảng viên có học hàm Giáo sư tăng 29% (từ 400 lên 517 người); số giảng viên có học hàm Phó Giáo sư tăng 28% (từ 2328 lên 2966 người); số giảng viên có học vị Tiến sĩ tăng 4% (từ 9152 lên 9562 người). 
 
Cũng trong năm học 2012-2013 này, trong tổng số 1262 giảng viên được học tập, bồi dưỡng và nghiên cứu tại nước ngoài theo các Đề án sử dụng ngân sách nhà nước và các chương trình Học bổng diện hiệp định có 430 người theo học ở trình độ tiến sĩ. 
 
Qua số liệu của báo cáo có thể thấy, về cơ bản, quy mô giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học tăng nhưng số giảng viên đạt trình độ tiến sĩ còn thấp (khoảng 10%). Do vậy, việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là cần thiết.
 
Đề án 911 là một trong những đề án của Chính phủ nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua việc hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ trong giai đoạn 2010-2020 bằng nguồn ngân sách nhà nước.
 
Hiện tại, Đề án 911 mới đi được 1/3 chặng đường và kết quả đạt được trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được kế hoạch của giai đoạn này do nguồn tuyển từ các trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong thời gian tới các cơ sở giáo dục đại học cần phải chủ động tích cực hơn nữa để tham gia vào Đề án. Như vậy, mục tiêu đến 2020 của Đề án 911 mới có thể hoàn thành theo đúng kế hoạch. 
 
PV:- Theo đánh giá của các nhà khoa học, hiện nay số lượng tiến sĩ của Việt Nam đang nhiều nhất Đông Nam Á, nhưng số công bố khoa học lại thấp hơn cả một trường của Thái Lan. Bất cứ cái gì cũng đi xin, đi mua, hoặc coppy từ nước khác, vậy khi đặt ra mục tiêu 20.000 tiến sĩ đó Bộ GD-ĐT hướng tới mục đích để làm gì, thưa ông?
 
PGS-TS Bùi Anh Tuấn: Như đã đề cập, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%. Tỉ lệ này là thấp so với yêu cầu của các cơ sở giáo dục đại học trong nước. Mục đích của Đề án 911 là giải quyết vấn đề chất lượng của giảng viên thông qua việc tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học. 
 
Đào tạo tiến sĩ theo Đề án 911 có 3 phương thức triển khai: đào tạo hoàn toàn ở ngoài nước, đào tạo hoàn toàn ở trong nước và đào tạo phối hợp cả trong và ngoài nước. Các trường tham gia đào tạo theo các hình thức ở trong nước và phối hợp phải có đề án trình Bộ và đáp ứng đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng.
 
Mục đích của việc kết hợp triển khai cả 3 phương thức đào tạo là nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước có cơ hội tiếp cận, so sánh, tham khảo và học tập kinh nghiệm trong quy trình đào tạo tiến sĩ của các nước trong khu vực và trên thế giới, giúp tăng hiệu quả của các chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước, tăng tính ứng dụng của nghiên cứu khoa học trong trường đại học.
 
PV:- Tình trạng đạo luận văn, học hộ tiến sĩ đã được ghi nhận, đặt mục tiêu đó có nặng về thành tích khiến những tiêu cực càng nhiều hơn không, thưa ông?
 
PGS-TS Bùi Anh Tuấn: Tình trạng đạo luận văn, học hộ tiến sĩ là có trong thực tế nhưng hiện tượng này là cá biệt. Thời gian qua, việc kiên quyết xử lý những trường hợp đạo văn, học hộ tiến sĩ đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội và là lời cảnh tỉnh cho những cá nhân có ý định tiêu cực.
 
Đề án 911 xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cả hệ thống. Không thể vì những cá nhân vi phạm mà đánh giá không cao tính tích cực và hiệu quả của Đề án. Ngoài ra, việc nâng cao kiến thức chuyên môn cũng là ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của giảng viên. 
 
PV: - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đổi mới giáo dục thì phải đổi mới ngay từ bộ, vậy bộ hiểu chỉ đạo đó của Phó Thủ tướng thế nào?Theo ông, bệnh thành tích có phải là một rào cản lớn cho cái sự đổi mới giáo dục không?
 
PGS-TS Bùi Anh Tuấn: Theo tôi, chỉ đạo của Phó Thủ tướng là đúng đắn.
 
Việc đổi mới phải được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành những cá nhân tham gia làm giáo dục và liên quan đến giáo dục. Trong quá trình này, Bộ GD-ĐT phải là cơ quan đi đầu.
 
Thực tế, trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học, trong đó có việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Trước và sau khi Luật giáo dục đại học có hiệu lực, các trường đại học, cao đẳng được giao quyền tự chủ khá đầy đủ về nhân sự, tài chính và đào tạo. Tuy nhiên tự chủ phải đi liền với tự chịu trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và phải có lộ trình do xuất phát điểm và quá trình phát triển của các trường không như nhau.   
 
Trong báo cáo tại Hội nghị ngày 28/12/2013 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã rất thẳng thắn chỉ rõ những gì đã làm được và những gì chưa làm được trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đại học của Bộ. Bộ GD-ĐT cũng  luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà quản lý, các thầy cô giáo, của người học, của các tầng lớp xã hội giúp cho công tác quản lý và xây dựng chính sách phát triển giáo dục đại học có hiệu quả hơn.
 
PV: -Xin cảm ơn ông!
 
Theo Hiếu Lam
Đất Việt