Mục đích “tối thượng” của giáo dục là phẩm chất, kỹ năng và năng lực
(Dân trí) - Trong thời gian qua câu chuyện dạy học tích hợp được nhiều nhà khoa học trao đổi, thảo luận nhưng với nhiều quan điểm khác nhau. Dưới góc độ là nhà sư phạm, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh đang công tác tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những phân tích sâu để làm rõ hơn về việc dạy học tích hợp.
Trong những ngày qua, có rất nhiều ý kiến về dạy học tích hợp trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới (gọi tắt là Dự thảo). GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Mục đích của chúng ta không phải giữ các môn học. Không có môn học nào là “bắt buộc phải tồn tại cả”. Chúng ta cần con người có phẩm chất năng lực. Để có phẩm chất, kỹ năng phải có kiến thức và cách thức vận dụng kiến thức đó. Chúng ta có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau như tích hợp, liên môn… cái nào đạt được mục đích giáo dục thì chúng ta làm. Nếu dạy độc lập không đạt hiệu quả thì môn học tồn tại độc lập cũng không để làm gì.[1]
Vậy dạy học tích hợp là gì? Vì sao phải dạy học tích hợp? Sau đây là một số trao đổi về các vấn đề này.
Dạy học tích hợp là gì?
Về từ nguyên, Tích hợp (Integration) có nguồn gốc từ tiếng La tinh với nghĩa là xác lập cái chung, cái toàn thể, cái thống nhất trên cơ sở các bộ phận riêng lẻ, tức là kết hợp các phần, các bộ phận với nhau trong một tổng thể. Trong lĩnh vực khoa học giáo dục, khái niệm tích hợp dùng để chỉ tư tưởng giáo dục toàn diện, làm cho con người phát triển hài hòa, cân đối.
Trong dạy học ở bậc phổ thông, tích hợp được hiểu là sự tổ hợp theo một cách thức nào đấy một số nội dung cần thiết cho việc hình thành, phát triển năng lực người học thành một “môn học” mới; hoặc tạo “môn học” mới từ một số nội dung của các “môn học” khác; hay có thể lồng ghép thêm các nội dung cần thiết vào nội dung vốn có của “môn học”… Dạy học tích hợp được hiểu là định hướng dạy học trong đó giáo viên tổ chức, hướng dẫn sao cho học sinh biết huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng đã có thuộc các lĩnh vực khác nhau để giải quyết được nhiệm vụ học tập và qua đó mà hình thành kiến thức, kỹ năng mới.
Vì sao phải dạy học tích hợp?
Cội nguồn của tư tưởng dạy học tích hợp xuất phát từ tính chỉnh thể của khoa học. Dù được phân thành nhiều lĩnh vực khác nhau để phù hợp với năng lực nhận thức của con người, song về bản chất, khoa học vốn dĩ là một chỉnh thể và chỉnh thể đó tồn tại độc lập với sự phân chia của con người. Sự thực là, mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới quanh ta đều có mối liên hệ mật thiết với một số sự vật, hiện tượng khác theo các mức độ khác nhau. Mỗi tình huống mà chúng ta gặp phải hàng ngày đều là những tình huống tích hợp của một số tình huống khác.
Chính vì thế, để nhận biết được một sự vật hiện tượng, cần phải có kỹ năng được hình thành bởi kiến thức và kinh nghiệm tổng hợp từ nhiều lĩnh vực; để giải quyết một nhiệm vụ thực tiễn cần phải sử dụng phối hợp các kiến thức và các kỹ năng khác nhau.
Dạy học tích hợp ở bậc học phổ thông là một trong những cách thức giúp học sinh nhận thức sự vật, hiện tượng khoa học theo đúng bản chất quan hệ của nó với các sự vật, hiện tượng khác. Trong sự kiện lịch sử bắn hạ máy bay ở trên, nếu vận dụng được kiến thức địa lý về Trung Đông, về nhu cầu cảng biển giúp vươn tầm ra thế giới của Nga…, nếu phân tích được quan hệ kinh tế, chính trị của Thổ Nhỹ Kỳ với các nước trong khu vực và với các cường quốc trên thế giới…Tức là xem xét sự kiện lịch trong mối quan hệ hữu cơ của nó với các kiến thức khác, thì sẽ rút ra được nhiều điều thú vị.
Chúng ta đều biết rằng, mục tiêu tối thượng của giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng là phát triển năng lực của con người. Biểu hiện của năng lực là kỹ năng giải quyết một tình huống có ý nghĩa, chứ không phải ở việc tiếp thụ một lượng tri thức rời rạc. Chính vì có khả năng làm cho con người nhận thức được các sự vật, hiện tượng theo đúng mối quan hệ vốn có của chúng với thế giới xung quanh, nên dạy học tích hợp là một cách thức rất hữu hiệu để dạy học phát triển năng lực.
Lợi ích của dạy học tích hợp là gì?
Giáo dục phổ thông là giáo dục con người từ khi còn thơ ấu cho đến hết cấp THPT. Trong giáo dục phổ thông, luôn phải giải quyết sự mâu thuẫn giữa yêu cầu khối lượng kiến thức giúp người học phát triển toàn diện và quỹ thời gian cũng như tâm, sinh lý của người học.
Ngoài lợi ích từ việc làm cho người học hiểu đúng bản chất của sự vật hiện tượng trong chỉnh thể của nó, dạy học tích hợp còn là một cách thức hữu hiệu trong việc tích hợp được nhiều kiến thức mà lại không có quá nhiều đầu “môn học”, phù hợp với xu thế tinh lọc kiến thức trong giáo dục phổ thông hiện đại. Một số kiến thức gần nhau, liên quan với nhau sẽ được tích hợp vào cùng một môn học. Sự tích hợp này sẽ làm rõ được sự gắn kết giữa các kiến thức ấy, đồng thời tránh được sự trùng lặp không cần thiết về nội dung của các “môn học”. Nói cách khác, dạy học tích hợp giúp giảm được kiến thức không thực sự phù hợp với mục đích giáo dục, để có điều kiện tăng kiến thức phù hợp. Tức là dạy học tích hợp góp phần đắc lực vào giáo dục toàn diện. Hơn nữa, khi mỗi sự vật, hiện tượng được nhìn nhận trong mối quan hệ hữu cơ với các sự vật, hiện tượng khác thì sẽ khơi dậy được cảm hứng tìm tòi, khám phá của người học.
Dạy học theo các “môn học” (như hiện nay) có khó khăn gì?
Chỉ cần để ý rằng, hiện nay, mỗi ngày trên toàn thế giới có tới vài nghìn cuốn sách được xuất bản thì thấy ngay rằng, không thể thực hiện giáo dục phổ thông theo chương trình và sách giáo khoa gồm quá nhiều “môn học” riêng rẽ, biệt lập với nhau. Trong nhà trường phổ thông, nếu mỗi “môn học” đều phải là một bộ môn khoa học chính thống, nhận thức về mỗi “môn học” đều phải như nhận thức về một bộ môn khoa học, phải bảo đảm tính hệ thống bộ môn …thì có lẽ không thời gian nào cho đủ, không nền giáo dục (phổ thông) nào làm được! Vả chăng, để giúp con người phát triển toàn diện và hài hòa đức, trí, thể, mỹ thì điều quyết định không phải là khối lượng kiến thức mà là cách cấu trúc kiến thức như thế nào.
Rất nhiều bất cập hiện nay ở nền giáo dục phân khoa học thành các “môn học” có một phần nguyên nhân bắt nguồn từ việc mỗi “môn học” đều chú trọng về tính hàn lâm, ít gắn với thực tiễn và thiếu sự gắn kết hữu cơ với nhau, như tự thân vốn có của khoa học và thực tiễn.
Trong Dự thảo, chương trình giáo dục phổ thông mới được cấu trúc thế nào?
Để giúp người học phát triển một cách cân đối, hài hòa thì nhiều khi phải hy sinh cái logic bộ môn của một môn khoa học. Bởi vì, cái logic cần tôn trọng là cái chỉnh thể của khoa học, mỗi “môn học” mà con người phân ra chỉ là một bộ phận cấu thành của cái chỉnh thể ấy. “Chương trình giáo dục phổ thông phải dựa trên thành tựu của các khoa học chuyên ngành, nhưng phải thiết kế lại thành các “môn học” trong nhà trường để đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất nhằm giúp học sinh có được những năng lực cốt lõi và phẩm chất quan trọng mà hệ thống giáo dục kỳ vọng”[2].
Dự thảo kỳ vọng sẽ hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu sau: Sống yêu thương, Sống tự chủ và Sống trách nhiệm. Các năng lực chung chủ yếu mà Dự thảo kỳ vọng sẽ hình thành và phát triển cho học sinh là: Năng lực tự học; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Năng lực thẩm mỹ; Năng lực thể chất; Năng lực giao tiếp; Năng lực hợp tác; Năng lực tính toán; Năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Dựa vào các phẩm chất và năng lực được kỳ vọng này, Dự thảo đưa ra 8 lĩnh vực giáo dục: Ngôn ngữ và Văn học; Toán học; Đạo đức - Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học Xã hội; Khoa học Tự nhiên; Công nghệ - Tin học.
Nhìn vào các nội dung này, chúng ta sẽ thấy ngay rằng kiến thức nào (chứ không phải “môn học”) giúp đạt được mục đích giáo dục thì dù khó mấy cũng bắt buộc phải đưa vào. Và để phù hợp với thời lượng cũng như tâm, sinh lý của học sinh, thì rất cần phải mạnh dạn đưa những kiến thức chuyên sâu lên các bậc giáo dục cao hơn!
Dự thảo chia giáo dục phổ thông thành 2 giai đoạn: Cơ bản và Định hướng nghề. Hệ thống các môn học được thiết kế theo định hướng bảo đảm cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; thống nhất giữa các lớp học trước với các lớp học sau; tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới.
Trong giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến hết lớp 9, thực hiện tích hợp mạnh. Không còn các “môn học” truyền thống: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Ba “môn học” này được tích hợp thành môn học bắt buộc với tên là Khoa học Tự nhiên. Lịch sử và Địa lý cùng một số nội dung cần thiết khác được tích hợp thành môn học bắt buộc là Khoa học Xã hội. Hơn nữa, do giáo dục lịch sử góp phần không nhỏ vào việc hình thành các phẩm chất mà Tổ quốc cần ở mỗi công dân của mình nên giáo dục lịch sử còn được tích hợp trong môn học bắt buộc là Giáo dục công dân.
Như vậy, ở giai đoạn giáo dục này, không còn các“môn học” riêng rẽ, biệt lập với nhau. Thay vào đó là các nội dung tích hợp kiến thức và kỹ năng nhằm giúp học sinh phát triển hài hòa. Bởi vì, mục đích giáo dục là phẩm chất, kỹ năng, là năng lực, chứ đâu phải là “môn học”!
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, thay vì tích hợp, sự phân hóa được thực hiện mạnh dần. Mục đích là giúp học sinh định hướng nghề phù hợp với khả năng của mỗi cá nhân. Trong giai đoạn này, học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập, phù hợp với năng lực và định hướng nghề sẽ chọn sau này.
PGS.TS Nguyễn Văn Khánh
[1] http://baochinhphu.vn/Gop-y-Hien-ke/GS-Dao-Trong-Thi-noi-ve-viec-tich-hop-mon-Lich-su/241853.vgp
[2] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/can-nhin-toan-dien-ve-vi-tri-cua-mon-lich-su-trong-chuong-trinh-moi-20151120123426178.htm