Bài phát biểu của "người làm rạng danh cộng đồng VN hải ngoại":

Một tấm lòng "thành nhân chi mỹ"

Sống tại Hoa Kỳ từ hơn 30 năm qua, tôi đã tham dự khá nhiều buổi lễ tốt nghiệp của các sinh viên bậc đại học. Theo truyền thống, mỗi buổi lễ như thế có một diễn giả danh dự do trường mời để trình bầy một bài diễn văn gửi đến các tân khoa.

Tháng 5 vừa qua, tôi được mời tham dự buổi lễ tốt nghiệp dành cho các sinh viên phân khoa Thương Mại của viện đại học Houston (C.T. Bauer College of Business). Sau khi vị diễn giả chấm dứt bài diễn văn, tôi nhận thấy đây là bài diễn văn xúc tích nhất và được trình bầy lôi cuốn nhất trong tất cả các bài diễn văn tốt nghiệp tôi từng nghe qua. Đặc biệt, vị diễn giả không cầm giấy trong khi trình bầy hơn 20 phút đồng hồ.

 

Trong thời gian ấy, khoảng 500 tân khoa và 4.000 thân nhân, bằng hữu của họ đã chăm chú theo dõi từng lời trong bài diễn văn. Những chia sẻ của diễn giả, nhất là về những kinh nghiệm đã trải qua, đã khiến cử tọa xúc động.

 

Riêng đối với tôi, và có lẽ với tất cả những người Việt Nam hiện diện trong buổi lễ, bên cạnh nỗi xúc động, chúng tôi còn cảm thấy một niềm hãnh diện.

 

Bởi vị diễn giả ấy là người Việt Nam như chúng ta: kỹ sư Lê Duy Loan, một trong những nhà lãnh đạo của Texas Instrument (TI), công ty điện toán hàng đầu tại Hoa Kỳ.

 

Người làm rạng danh cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại

 

Trong bản tiểu sử diễn giả danh dự đăng trong tập chương trình buổi lễ tốt nghiệp, người tham dự được biết kỹ sư Lê Duy Loan đến Hoa Kỳ khi mới 12 tuổi với hành lý chỉ vài bộ quần áo trong một chiếc túi nhỏ đeo trên lưng. Chỉ bốn năm sau, qua những buổi tối tự học Anh ngữ, chị đã tốt nghiệp trung học với hạng thủ khoa. Năm 1982, khi mới 19 tuổi, chị tốt nghiệp kỹ sư điện tại đại học Texas (University of Texas) ở Austin với hạng danh dự (magna cum laude). Ngay sau đó, kỹ sư Duy Loan phục vụ cho công ty TI trong vai trò một kỹ sư thiết kế bộ nhớ (memory design engineer) cho máy tính. Hiện nay, chị giữ chức vụ giám đốc Digital Signal Processor Advanced Technology Ram, điều hành và quản trị những chương trình kỹ thuật tinh xảo nhất của công ty.

 

 Năm 1989, trong lúc đang phục vụ cho TI, kỹ sư Duy Loan theo học và tốt nghiệp cao học ngành quản trị kinh doanh (MBA) tại đại học Houston.

 

Đến năm 2002, kỹ sư Duy Loan trở thành người gốc Á châu đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử gần 80 năm của công ty TI được giao phó địa vị Senior Fellow, một địa vị tương đương với phó chủ tịch công ty. Đến hôm nay, chị vẫn là người gốc Á châu đầu tiên và phụ nữ duy nhất đảm nhận địa vị tối quan trọng này, cùng với bốn người khác, dĩ nhiên là phái nam.

 

Trong 25 phục vụ cho TI, kỹ sư Duy Loan đạt được 22 bằng sáng chế và hiện có 8 sáng chế đang được cứu xét để cấp bằng. Chị đã nhận lãnh rất nhiều giải thưởng cao quý như “Kỹ thuật gia xuất sắc nhất của Hoa Kỳ trong năm 2002” (National Technologist of the Year), được lưu danh trong danh sách những nữ chuyên gia kỹ thuật xuất sắc trên thế giới (Women in Technology International Hall of Fame), được tuyên dương trên nhiều tờ báo và tạp chí uy tín như tạp chí IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers) SPECTRUM, và thường xuyên được mời diễn thuyết tại các công ty lớn, các tổ chức khoa học và xã hội, cùng các trường đại học tại Hoa Kỳ.

 

Bên cạnh lãnh vực chuyên môn, Duy Loan là một nhà thiện nguyện hoạt động không mỏi mệt suốt nhiều năm trời. Chị từng đảm nhiệm chức vụ giám đốc Mona Foundation, một tổ chức nhân đạo trợ cấp giáo dục và yểm trợ việc phát triển xã hội tại 10 quốc gia nghèo. Năm 2002, chị cùng một số thân hữu thành lập Sunflower Mission, tức hội Hoa Hương Dương, để giúp xây trường tại các địa phương nghèo ở Việt Nam và cấp học bổng cho các sinh viên, học sinh tại Việt Nam. Được biết, trong gần năm năm qua, Hoa Hướng Dương đã xây được hơn 62 lớp học tại các tỉnh Nam phần Việt Nam và cấp hơn 2000 học bổng cho sinh viên, học sinh khắp nước. Vài ngày nữa, tức cuối tháng 5 này, một phái đoàn gồm hơn 20 hội viên Hoa Hướng Dương sẽ từ Hoa Kỳ về Việt Nam để giúp xây một số lớp học tại tỉnh Kiên Giang.

 

Chị Duy Loan lập gia đình với anh Đào Nhật Tuấn năm 1983. Anh chị có hai con trai, Đào Lê Quý Đan, 13 tuổi, và Đào Lê Quý Đôn, 10 tuổi. Anh chị và các con sống tại Houston từ nhiều năm qua.

 

Cũng xin nói thêm, chị Duy Loan là một môn sinh huyền đai đệ nhất đẳng môn Thái Cực Đạo và đã từng đoạt nhiều giải thưởng của môn võ thuật này.

 

Bài diễn văn súc tích

 

Trong bài diễn văn, kỹ sư Duy Loan đã đề cập đến tác động của văn hoá vào đời sống chúng ta. Chị đã nhấn mạnh vào ba khía cạnh văn hoá sau:

 

1) Văn hóa đạo hạnh (moral culture) bao gồm những giá trị truyền lại từ thế hệ cha ông như tính cần cù, tinh thần hiếu học, v.v.

 

2) Văn hóa chủng tộc (ethnic culture) bao gồm những giá trị liên hệ đến chủng tộc như truyền thống, ngôn ngữ, lòng yêu tổ quốc, v.v.

 

3) Văn hóa xã hội (societal culture) bao gồm những ảnh hưởng của xã hội đối với con người sống trong xã hội. Trước những tân khoa với 70 phần trăm không phải là người da trắng bản xứ, chị đã nhấn mạnh sự kiện gia đình là nền của tảng xã hội, và kêu gọi họ cố gắng góp phần trong việc xây dựng một gia đình vững mạnh. Để thực hiện điều này, chị đề nghị họ hãy cố gắng cảm thông với cha mẹ, cảm thông với nền văn hóa của xã hội mà cha mẹ họ đã từng sống.

 

Khi đề cập đến mỗi khía cạnh văn hóa, kỹ sư Duy Loan đã chia sẻ với cử tọa những kinh nghiệm của chính chị. Tỉ dụ như khi nói về văn hóa xã hội, chị kể rằng năm 1975, khi mới 12 tuổi, chị rời Việt Nam với mẹ và đến định cư tại Houston, Texas. Năm chị lên 16, cha chị rời Việt Nam để đến Hoa Kỳ với vợ con. Trong bốn năm xa cách ấy, cô bé 12 tuổi ngày rời quê hương đã trở thành người thiếu nữ 16 tuổi với một số ảnh hưởng của xã hội Hoa Kỳ mà người cha khó lòng chấp nhận.

 

Lúc bấy giờ, khi chuẩn bị tốt nghiệp trung học, chị quyết định theo học tại đại học Texas ở Austin, dù rằng văn hóa Việt Nam không cho phép người con gái chưa lập gia đình rời xa cha mẹ để sống một mình. Vì lý do này, cha chị đã từ chối tham dự lễ tốt nghiệp trung học của chị, dù rằng chị tốt nghiệp thủ khoa khi mới chỉ 16 tuổi. Ba năm sau, một lần nữa, ông lại khước từ lời chị khẩn cầu ông tham dự buổi lễ tốt nghiệp của chị tại đại học Texas. Đến năm 1989, khi hoàn tất chương trình cao học ngành quản trị kinh doanh tại đại học Houston, chị gửi thư mời cha tham dự lễ tốt nghiệp. Phần cuối của thư mời có hàng chữ “Thưa bố, đây là buổi lễ tốt nghiệp cuối cùng trong đời con. Con đã quyết định sẽ không lấy bằng tiến sĩ (PhD)”. Chính lá thư này đã khiến bố chị tham dự buổi lễ tốt nghiệp này.

 

Sau đó chị nói với cử tọa những lời có thể dịch ra Việt ngữ như sau:

 

“Lúc bấy giờ, nếu không hiểu những giá trị văn hóa của xã hội mà bố tôi đã sống hầu hết phần đời của ông, những giá trị khiến bố tôi bất mãn tôi và không tham dự hai lễ tốt nghiệp truớc, tôi đã không gửi ông lá thư mời. Vài năm sau bố tôi đã qua đời. Không có lá thư ấy, bố tôi đã vĩnh viễn ra đi, để lại một đứa con gái bất bình thường vì bị dầy xé bởi những đớn đau và ân hận.

Các bạn của lớp tốt nghiệp 2007 ơi, ngày hôm nay các bạn đóng vai trò của những người con, ngày mai bạn sẽ giữ vai trò người cha, người mẹ. Cả hai vai trò đều vô cùng khó khăn, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nền văn hóa xã hội chúng ta đang sống. Hãy ghi nhớ câu chuyện tôi vừa kể với các bạn. Hãy tỏ thiện chí, nếu nhận thấy cần phải tỏ thiện chí trước để gìn giữ gia đình các bạn, và để gia đình các bạn ngày một vững mạnh hơn”.

 

Trong phần kết luận, diễn giả Duy Loan chúc các tân khoa biết tự hào với các giá trị văn hóa truyền thống, có đủ nghị lực để theo đuổi các giấc mơ, có đủ khôn ngoan để nhận biết sự thành công đích thực là giúp đỡ người khác đạt được thành công như mình, và có được hạnh phúc vì chúng ta chỉ có một đời để sống, Sau đó, chị kết thúc bài diễn văn bằng những lời sau:

 

“Thủ tướng Winston Churchill đã từng nói “you make a living by what you get, but you make a life by what you give" (“nhận” để sống, nhưng “cho” mới thật sống một đời đáng sống). Thưa các bạn tân khoa của năm 2007, tôi chân thành cầu chúc các bạn không những chỉ sống một đời hạnh phúc cho mình, mà còn xây đắp một cuộc đời thật nhiều hạnh phúc cho nguời khác sống”.

 

Ngày tháng sẽ qua đi, những tân khoa của ngày hôm ấy có thể sẽ quên những lời lẽ bài diễn văn họ đã nghe trong lễ tốt nghiệp. Tuy nhiên, tôi tin rằng họ sẽ sẽ mãi mãi nhớ đến điểm cốt lõi của bài. Làm sao họ có thể quên được khi tất cả cùng đứng dậy để cảm ơn chị bằng những tiếng vỗ tay thật to, thật lâu, với những cảm xúc lộ rõ trên khuôn mặt và khoé mắt họ khi bài diễn văn chấm dứt?

 

“You make a life by what you give. Câu nói thật chính xác đối với cuộc đời người diễn giả Lê Duy Loan, một cuộc đời nhiều ý nghĩa và mầu sắc. Đối với cộng đồng người Việt chúng ta, những thành công của chị đã và đang mang lại niềm hứng khởi trong phạm vi nghề nghiệp cho những người bạn trẻ. Tuy nhiên, có thể nói, điều đáng quý ở Lê Duy Loan không phải là thành công về chuyên môn, về sự nghiệp, về danh vọng, mà chính là tấm lòng của chị, một tấm lòng “thành nhân chi mỹ”, bao giờ cũng mong mỏi làm được cái hay, cái tốt cho người, như lời cụ Khổng đã từng giáo hóa.

 

Cuối cùng, danh lợi rồi cũng như phù vân mà trôi đi; chỉ tấm lòng là còn ở lại, với đời, với người.

 

Theo Nguyễn Ngọc Bảo
Báo Ngày Nay