Một học sinh giỏi “chạy trốn” khỏi trường chuyên
Vừa qua dư luận xôn xao vì thông tin một học sinh chuyên Hóa của Trường chuyên Nguyễn Huệ, Hà Tây do xin tạm nghỉ học đội tuyển HSG nên đã bị cô giáo chủ nhiệm “đe dọa” ngay trước lớp, gây ức chế cho phụ huynh và học sinh, dẫn đến việc em này phải chuyển trường.
Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ là một ngôi trường có bề dày thành tích trong dạy và học. Trong đó thành tích thi HSG quốc gia là 1 điểm nhấn quan trọng. Hàng năm, trường có nhiều học sinh tham dự kì thi này và không ít trong số đă đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Em Nguyễn Phương Thảo, lớp trưởng lớp 10 Hoá năm học 2006-2007 và năm nay là lớp 11 Hoá. Suốt năm học lớp 10, Thảo luôn đứng đầu lớp về điểm tổng kết môn Hóa. Xét về khả năng, Thảo được thầy cô đánh giá cao, nằm trong “tầm ngắm” đi thi HSG quốc gia cuối năm (thi chương trình của lớp 12). Nhưng do ý nguyện của bản thân và gia đình là muốn cho Thảo được đi du học, thậm chí là trước khi tốt nghiệp THPT, nên từ hơn một năm nay bố mẹ đã tạo điều kiện cho Thảo đi luyện thi TOEFL.
Chủ nhiệm lớp 10 của em Thảo là cô Nguyễn Thị Hiển đã chọn Thảo vào đội tuyển thi HSG Hóa của trường và yêu cầu Thảo bắt đầu từ tháng 8/2007 phải vào học đội tuyển. Nhưng vì ngày 29/9 là ngày thi TOEFL nên gia đình em Thảo có xin phép cô Hiển cho em Thảo tạm nghỉ học tại lớp bồi dưỡng thi HSG đến hết tháng 9 để tập trung thời gian cho việc luyện thi tiếng Anh.
Lên lớp 11, chủ nhiệm lớp của Thảo là cô Dương Thị Hương, cô Hương là tổ trưởng chuyên môn, nhiề̉u kinh nghiệm về giảng dạy môn Hóa và đã có hơn 30 năm đứng trên bục giảng. Cô Hiển và cô Hương bàn giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp chuyên Hóa vào ngày 31/8/2007.
Đến ngày 8/9/2007, cô Hương có hỏi cả lớp là hôm trước (tức ngày 7/9) em nào nghỉ học đội tuyển thì em Thảo có đứng lên nhận và nói lý do nghỉ để ôn thi tiếng Anh. Lỗi của em Thảo là đã xin phép cô Hiển nhưng chưa kịp xin phép cô chủ nhiệm mới.
Ngay khi cô Hương hỏi, em Thảo cũng đã xin phép cô nghỉ với lý do nêu trên thì cô Hương nói: “Lý do của cô không chính đáng, cô không học đội tuyển thì cô sang lớp khác mà học. Cuối năm tôi sẽ nhận xét xấu vào học bạ của cô. Nếu bây giờ cô xin được giấy phép đi du học luôn thì tôi sẽ cho cô nghỉ tháng 9 để cô học và thi tiếng Anh. Đã thế này thì tôi chẳng hy vọng gì vào cô đâu”.
Thảo bị sốc nặng khi bị mắng giữa lớp điều chưa từng bao giờ xảy ra với một lớp trưởng luôn chăm ngoan và học giỏi như em.
Ngày 10/9, bố mẹ em Thảo có đến nhà cô Hương xin phép cho em tạm nghỉ học đội tuyển đến hết tháng 9, vì phụ huynh em Thảo cũng không muốn sức ép quá nặng cho con về việc phân bổ thời gian vừa học tiếng Anh vừa học đội tuyển. Nhưng cô Hương vẫn không chấp nhận và còn nói phụ huynh em Thảo “a dua với em Thảo trong việc toan tính cá nhân”.
Ông Nguyễn Đình Bảng, bố của em Thảo cho biết, sau ngày thi TOEFL vào 29/9 tới đây, anh sẽ đôn đốc con dành nhiều thời gian ôn luyện môn Hóa để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của một học sinh đội tuyển. Điều này khẳng định gia đình không dạy Thảo chỉ biết vì lợi ích cá nhân.
Thấy tình hình con nếu ở lại lớp sẽ căng thẳng nên phụ huynh em Thảo có làm đơn đến gặp thầy Hiệu trưởng để xin cho con chuyển sang lớp thường nhưng bị thầy từ chối với lý do nếu muốn chuyển lớp thường thì “phải” là hạnh kiểm yếu, học lực yếu và điểm tổng kết môn chuyên dưới 5,0.
Quá ức chế, ngày 12/9/2007, Thảo với sự ủng hộ của gia đình đã từ bỏ trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - ngôi trường mơ ước một thời của Thảo và của rất nhiề̉u học sinh khác, chuyển về trường THPT Hoài Đức B.
Khi phóng viên đến tìm hiểu sự việc, ông Thái Văn Bình, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Huệ khẳng định: “Cô Hương có nói em Thảo những lời như thế. Nhưng chỉ là do trách nhiệm được giao nên cô quá lo lắng cho thành công của đội tuyển. Nhân việc em Thảo thì cô cũng căn dặn chung cả lớp, chứ không hề có ý gì ghét bỏ em Thảo cả”.
Về việc xin tạm nghỉ học đội tuyển của em Thảo, thầy Bình bày tỏ quan điểm: “Nhiệm vụ quan trọng của một học sinh lớp chuyên là vào đội tuyển. Vì tháng 12 đã thi HSG toàn tỉnh Hà Tây và sau đó tập trung đội tuyển thi quốc gia luôn nên nếu em Thảo cứ xin nghỉ thế này thì không thể kịp tiến độ và cơ hội giành giải quốc gia là thấp.
Mà học sinh chuyên thì phải tạm hy sinh các lợi ích cá nhân trước mắt để làm nhiệm vụ với trường, với tỉnh. Nhà trường buộc phải có đội tuyển Hóa để đi thi, nếu em Thảo - vốn được chúng tôi mệnh danh là “chim đầu đàn” mà không tham gia thì tâm lý các em trong tuyển sẽ thế nào. Có lẽ sẽ tan rã hết. Chắc gia đình em Thảo nghe tin đạt giải quốc gia sẽ không được vào thẳng ĐH nữa nên nản chăng?”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bệnh thành tích tại các trường chuyên là khá nặng. Rất nhiều thầy cô hay lấy miếng bánh vào thẳng đại học để khuyên học sinh cố gắng luyện gà nòi ở lớp bồi dưỡng, làm mất đi ý nghĩa thi HSG là một sân chơi khuyến khích việc dạy và học, đồng thời để học sinh tài năng thể hiện mình. Tạo một suy nghĩ không hay trong đầu học sinh là thi HSG để tránh thi vào ĐH nếu đạt giải.
Theo Tuyết Mai
Pháp Luật và Xã Hội