Một giờ ngày đầu xuân với Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm
(Dân trí) - ''Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, tôi xin gửi tới tất cả thầy cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, các em học sinh, sinh viên và những người làm khuyến học trong cả nước lời chúc mừng năm mới".
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm là người luôn bận rộn. Có thể nói tính đến nay, quãng đường tròn 70 năm theo cách mạng của ông là những năm tháng lao động không ngừng nghỉ. Luôn mong muốn mọi việc phải hoàn thiện, hoàn mỹ cộng với bản tính hay lam, hay làm, chịu thương, chịu khó của người xứ Nghệ nên cái điệp khúc công việc và công việc luôn là nỗi ám ảnh với ông.
Vì thế, dù đã từng làm việc với ông từ gần 20 năm nay, nhất là từ khi ông về làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, mỗi năm ít nhất tôi cũng có hai, ba lần gặp ông để phỏng vấn cho những dịp trọng đại như Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam hay dịp đầu năm mới. Thế nhưng gần như lần nào cũng vậy, cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài 30 - 40 phút.
Mỗi lần tôi đến, đều thấy ông đã chờ sẵn trong phòng khách cùng một ấm nước chè tươi nóng. Giản dị, ấm áp, lịch sự là phong cách tiếp khách của nhà ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm kể cả lúc ở công sở hay ở nhà.
- Năm nay mình đã 86 tuổi rồi. Ở tuổi này, quỹ thời gian còn ít lắm mà vẫn còn đầy ắp những công việc phải làm. Cũng mừng là những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đảng bộ, chính quyền các cấp cùng với sự tâm huyết của các cán bộ khuyến học cơ sở, Hội Khuyến học Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn.
Cách đây 5 năm (2010), Hội Khuyến học Việt Nam được công nhận là hội đặc thù. Đây không chỉ là niềm vui, niềm vinh dự đối với những người làm khuyến học cả nước mà còn là sự nhìn nhận, đánh giá đối với sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển mà trước mắt là phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông say mê kể về những hoạt động đã trở thành tâm điểm của Hội như xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng ở từng xã, phường - một thiết chế giáo dục thực sự của dân và vì dân; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học; dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học. Giọng ông rất vui khi nhắc đến việc Quỹ Khuyến học Việt Nam hàng năm đã chi hàng trăm tỉ đồng cấp học bổng cho các học sinh nghèo được đi học, khen thưởng những học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi và hiếu học, đồng thời giúp các giáo viên dạy tốt, những gia đình có khó khăn. Rồi việc tổ chức hàng năm Giải thưởng Nhân tài Đất Việt vừa qua là tròn 10 năm hay việc phát động Chương trình Một triệu cuốn vở đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa; chương trình xây cầu cho các em đến trường, hoạt động nhân ái của báo Dân trí được nhân dân và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao.
- Con đường nào đưa bác từ một nhà ngoại giao chuyên nghiệp trở thành nhà giáo dục, khuyến học? (Tôi vẫn thường gọi ông là bác, xưng cháu trong các cuộc trò chuyện với ông).
- Cái này thì người ta bảo là duyên phận (cười). Nhưng thực ra là bởi sự gợi ý của một số vị là cán bộ lão thành, sự đồng lòng ủng hộ của anh em làm khuyến học. Khi rời khỏi ngành ngoại giao, tôi còn có rất nhiều việc phải làm như ghi lại những thành tựu của một giai đoạn ngoại giao thực hiện đổi mới và hội nhập mà tôi trực tiếp làm Bộ trưởng 10 năm (1991 - 2001). Đây là giai đoạn đặt nền tảng cho việc hội nhập quốc tế hiện nay và sau này. Đặc biệt là việc gia nhập ASEAN, quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu; tham gia Diễn đàn hợp tác Á-Âu..., rồi duy trì và phát triển các mối quan hệ đối với các nhà ngoại giao khu vực và thế giới.
- Phải chăng vì có rất nhiều việc phải làm nên khi được tín nhiệm làm công tác khuyến học, bác đã băn khoăn? Tôi hỏi.
- Tuy có băn khoăn đôi chút nhưng tôi nhớ ngay từ những ngày đầu tiên giành độc lập dân tộc trong Sắc lệnh số 01, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành trong đó có ba nhiệm vụ chính là ''diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm'' - Ông Cầm chợt chùng giọng bởi sự xúc động thường thấy mỗi khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn có một trăn trở rất lớn, đó là đưa Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái bởi theo Người ''Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu''. Người còn trăn trở: ''Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành''. Vì thế với tôi, làm khuyến học không chỉ là niềm vui mà còn là hạnh phúc bởi được trực tiếp thực hiện ''ham muốn tột bậc'' của Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh.
Thay mặt Ban Chấp hành T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam, tôi xin gửi tới tất cả thầy cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, các em học sinh, sinh viên và những người làm khuyến học trong cả nước lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, tiến bộ và thành đạt, góp phần đưa đất nước ngày một phồn vinh như Bác Hồ mong muốn. Chúc độc giả Dân trí một năm mới an khang, thịnh vượng, sức khỏe và thành công.
Tôi cám ơn ông về cuộc trao đổi này khi những tia nắng cuối cùng của Hà Nội ngày cuối đông vừa tắt. Chợt giật mình vì thời gian đã trôi qua hơn một giờ.