Môn văn thi lớp 10 Hà Nội: Kỹ năng chưa tốt khó làm câu nghị luận xã hội

Hoàng Hồng Mỹ Hà

(Dân trí) - Giáo viên nhận xét đề thi môn ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội năm 2024 có tính phân hóa rõ rệt.

Đề thi lớp 10 môn ngữ văn của Hà Nội năm nay được nhiều giáo viên đánh giá có độ phân hóa nhưng vẫn bám sát định dạng đề thi minh họa đã công bố trước đó.

Cô Chu Vĩnh Hà - giáo viên ngữ văn Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn - nhận định đề: "Đề thi vào 10 môn ngữ văn năm nay nhìn chung đảm bảo tính vừa sức với học sinh và thực tế ôn tập của các con. 

Đề giữ nguyên định dạng, cấu trúc như những năm trước. Các câu hỏi đọc hiểu đảm bảo ở các mức độ nhận biết, thông hiểu và có tính phân loại khá rõ. Ở phần I, câu 2,3 ý hỏi về hiệu quả nghệ thuật và giá trị biểu đạt, chỉ có những học sinh học tốt mới hy vọng có điểm tối đa".

Môn văn thi lớp 10 Hà Nội: Kỹ năng chưa tốt khó làm câu nghị luận xã hội - 1

Học sinh vui vẻ trước giờ thi môn ngữ văn sáng 7/6 (Ảnh: Thành Đông).

Cô Hà cũng cho biết, hai câu hỏi vận dụng (viết đoạn văn) cũng nằm trong phạm vi học sinh đã được rèn kĩ năng làm bài. 

Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội cách ra đề có thể khá mới mẻ với một số học sinh nhưng về bản chất vẫn là nêu ý kiến và bàn luận vấn đề. Học sinh có kỹ năng tốt sẽ làm được bài.

Tuy nhiên, đối tượng học sinh trung bình, học sinh khá, kỹ năng chưa tốt, chưa có sự linh hoạt khi làm bài thì sẽ khó viết.

Cô Nguyễn Ngọc Mai - giáo viên ngữ văn Trường THCS&THPT Newton - nêu ý kiến: "Đề thi mang tính thời sự, tuy nhiên nằm ngoài dự đoán của nhiều phụ huynh và học sinh vì văn bản Đồng chí mới thi năm 2021.

Tuy vậy,  hệ thống câu hỏi không đánh đố học sinh, có câu hỏi phân hóa rõ rệt.

Câu hỏi viết đoạn phần nghị luận văn học, học sinh cần có tư duy tổng hợp để khái quát được luận điểm".

Môn văn thi lớp 10 Hà Nội: Kỹ năng chưa tốt khó làm câu nghị luận xã hội - 2

Học sinh tạm biệt mẹ trước giờ vào phòng thi môn ngữ văn (Ảnh: Thành Đông).

Về phía học sinh, tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, nhiều em cho biết gặp khó với câu nghị luận xã hội. 

"Câu nghị luận xã hội hay và nêu trúng vấn đề khá nhức nhối trong mối quan hệ giữa người trẻ hôm nay với cha mẹ. Kỳ thi lớp 10 này, việc chọn trường như thế nào, theo sở thích của bạn thân hay theo mong muốn của bố mẹ cũng là một ví dụ tiêu biểu cho vấn đề mà đề bài đưa ra.  

Em viết phần này khá nhanh nhưng không tự tin lắm vào cách diễn đạt cũng như khái quát được vấn đề", một học sinh xin giấu tên cho biết.

Em Đỗ Hải Nam, học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên, cho biết, nhờ ôn thi kỹ, không "tủ" nên em làm được bài, dự đoán khoảng 8,5 điểm.

Đánh giá đề thi văn năm nay, Hải Nam cho biết, em thấy đề nghị luận xã hội hơi khó, phải suy nghĩ nhiều, còn lại các câu khác vừa sức. 

Hoàng Khánh Chi, học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân, kết thúc bài thi môn văn với tâm trạng thoải mái. Hân cho biết, tùy vào lực học của mỗi học sinh để đánh giá khó hay dễ. Cá nhân Hân thấy phần nghị luận xã hội hơi khó. Mặc dù vậy, do ôn thi khá kĩ nên em tự tin làm được trên 8 điểm. 

Môn văn thi lớp 10 Hà Nội: Kỹ năng chưa tốt khó làm câu nghị luận xã hội - 3

Học sinh sau giờ thi môn ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (Ảnh: Mạnh Quân).

Chi cho hay, mình và nhiều bạn đều khá bất ngờ với đề thi văn năm nay. Mặc dù vậy, em đặc biệt thích câu nghị luận xã hội, trong đó nói về cách ứng xử với người thân. 

"Với xã hội hiện nay, nhiều đứa trẻ rất vô cảm với người lớn. Em nghĩ, nếu mình đạt được mong đợi của người khác thì rất tốt nhưng nếu mong muốn ấy quá sức thì khá áp lực với những đứa trẻ", Chi chia sẻ.

Trần Quang Minh, học sinh Trường THCS Trưng Nhị, cho biết, mặc dù có nhiều trào lưu đồn đoán đề thi nhưng em học tất cả, không "tủ". Minh Cho biết, đề thi phân loại được học sinh. Minh dự đoán điểm trung bình môn ngữ văn sẽ khoảng 7,5 điểm. 

"Đề thi năm nay có đảo vị trí câu 4 (phần liên hệ) và câu 1, không hỏi tác giả và hoàn cảnh sáng tác. 

Em thấy đề thi năm nay lắt léo hơn, có liên quan đến thực tế và cuộc sống, không chỉ có trong sách vở", Minh nói.

Môn văn thi lớp 10 Hà Nội: Kỹ năng chưa tốt khó làm câu nghị luận xã hội - 4

Đề thi môn ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội năm 2024 (Ảnh: H.N).

Em N.T.L thi tại điểm thi trường Trần Phú chia sẻ về quan điểm của mình về việc nên ứng xử như thế nào trước mong đợi của người thân: "Em nghĩ bố mẹ luôn mong đợi điều tốt đẹp cho mình. 

Nhưng có những người biến mong đợi tốt đẹp thành áp lực, khiến con cái cảm thấy không hạnh phúc, thường lo lắng, không dám hành động theo mong muốn của bản thân vì sợ làm bố mẹ thất vọng. Nếu mong đợi tốt đẹp của bố mẹ vượt quá khả năng của em thì em sẽ từ chối. 

Em nghĩ bố mẹ và con cái nên cởi mở chia sẻ về điều mong muốn để điều chỉnh mong muốn ấy trở nên phù hợp hơn với con".