Môi trường sư phạm chưa tạo động lực cho giáo viên tự học

Đó là ý kiến của nhiều giáo viên tham dự tại hội thảo “Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức sáng 29/11.

Lương không đủ sống, thời gian đâu tự học 

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn đổi mới giáo dục, nâng chất lượng đào tạo đòi hỏi giáo viên phải không ngừng học tập, nắm bắt thông tin và làm chủ công nghệ để ứng dụng vào giảng dạy.

Nhưng với đồng lương ít ỏi hiện nay và môi trường sư phạm chưa tạo động lực cho họ tự học, nên đa phần họ bằng lòng với những gì mình đang có, một phần nào đó đã gây cản trở không nhỏ cho công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông.

“Đến thời điểm này giáo viên chúng tôi vẫn chưa sống được bằng tiền lương, rất nhiều giáo viên phải bươn chải làm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Ở nông thôn như Vĩnh Long sẽ ít có chuyện giáo viên chạy xe ôm, hay làm phục vụ để tăng thu nhập. Giáo viên làm thêm chủ yếu là bán bảo hiểm nhân thọ… thì thời gian đâu để họ tự học”, thầy Huỳnh Văn Thể, giáo viên Trường THPT Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long lý giải.

Bên cạnh đó, điều đáng buồn hơn là những giáo viên, gia đình có điều kiện kinh tế khá thì họ coi việc dạy học chỉ là trò tiêu khiển?! Thời gian rảnh, họ về nhà vui chơi, đối với họ tiền lương nghề giáo không quan trọng nên cũng không cần “sống chết” với nghề.

Môi trường sư phạm chưa tạo động lực cho giáo viên tự học
Giáo viên trẻ rất nhạy trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin và sáng tạo trong áo án điện tử, cần khen thưởng bằng vật chất để tạo động lực họ tự học, nâng cao kỹ năng sư phạm.

Chia sẻ góc nhìn này, TS Nguyễn Thị Thọ, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng chính cuộc sống còn nhiều khó khăn, ngoài giờ lên lớp giáo viên tất bật với cơm áo gạo tiền, nên việc tự học, bồi dưỡng thêm kiến thức cho mình họ không quan tâm. Lâu dần hình thành sức ỳ lớn, khó thay đổi…

Ngoài ra những “vướng mắc” về cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ…làm ảnh hưởng sâu sắc đến tâm tư, lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm giảng dạy, ý thức tự học, tự nghiên cứu… làm giàu trình độ chuyên môn cho mình.

Giải pháp nào để giáo viên tự học

“Có thực mới vực được đạo”, nỗ lực của giáo viên sau quá trình làm mới mình, BGH nhà trường phải có cái nhìn thấu đáo, công bằng, tránh tình trạng “cá mè một lứa” sẽ làm nản lòng người tự học.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi giáo viên có tinh thần tự học, hoàn thiện năng lực sư phạm cho mình. Họ bỏ ra công sức nghiên cứu, học tập để đổi mới phương pháp sư phạm thì phải khen thưởng, nâng lương tương xứng, đừng khen thưởng kiểu khích lệ 100-200 ngàn đồng làm họ thất vọng.

Cạnh đó, phía lãnh đạo cũng cần “đào thải” những giáo viên yếu kém, ngại học hỏi để nâng chất lượng đồng đều. Đặc biệt, khi làm việc trong môi trường sư phạm tốt, giáo viên nào cũng muốn hoàn thiện mình hơn, năng lực và phương pháp sư phạm giỏi hơn để nâng chất lượng đào tạo.

Giáo viên có tuổi cũng phải không ngừng học tập để không lạc hậu so với học trò.
Giáo viên có tuổi cũng phải không ngừng học tập để không lạc hậu so với học trò.

Th.S Phạm Quang Huân, ĐH Sư phạm Hà Nội, chỉ thẳng vấn đề: BGH nhà trường cần khơi dậy ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, danh dự cá nhân, thương hiệu ngôi trường mình. Nhưng để làm được thì phải đánh giá, thưởng - phạt công bằng, chính xác, kịp thời để xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, dân chủ.

Không gian sư phạm lành mạnh là môi trường trực tiếp chi phối tới phương hướng của mỗi cá thể giáo viên. Nó sẽ kích thích mọi sự tìm tòi, nỗ lực cá nhân. Thậm chí là cạnh tranh lành mạnh. Do đó, người lãnh đạo cầm trịch môi trường tuyệt vời này đừng quên khen thưởng giáo viên bằng vật chất…

Theo Quốc Việt
Một Thế Giới