Mời nhà báo dạy kỹ năng cho học sinh phổ thông để tư vấn nghề
(Dân trí) - Để học sinh học tốt kỹ năng xử lý văn bản thông tin và văn bản báo chí, trường mời nhà báo lâu năm về cho học sinh trực tiếp phỏng vấn những điều các em quan tâm.
Ý tưởng trên được giáo viên bộ môn Văn ở trường THPT Phú Nhuận (TPHCM) triển khai nhằm giúp các em học sinh được học tập một cách trực quan, đồng thời kết hợp chương trình hướng nghiệp trong trường học. Chương trình này được lồng ghép vào một tiết học Ngữ văn về thể loại văn bản thông tin.
Theo ban giám hiệu nhà trường, nhà báo chuyên xử lý văn bản thông tin sẽ có cái nhìn toàn diện, sinh động về thể loại này. Các chia sẻ của nhà báo sẽ giúp học sinh có một cái nhìn toàn diện, sinh động về văn bản thông tin, văn bản báo chí và cả nghề báo.
Tại tiết học Ngữ văn của lớp 11A5 trường THPT Phú Nhuận, nhà báo Trần Việt Hoa (Báo Giáo dục và Thời đại) được mời đến nói chuyện. Các em học sinh đặt câu hỏi xung quanh những phương pháp xử lý thể loại văn bản này khi áp dụng vào công việc thực tế, cụ thể là nghề báo.
Nhiều em đặt những câu hỏi vượt ra khuôn khổ lý thuyết của thể tài văn bản thông tin như: Kỹ thuật để xử lý một văn bản thông tin không bị quá tải vì có quá nhiều thông tin; cách triển khai một văn bản thông tin phù hợp cho mọi lứa tuổi; xác định nguồn tin chính xác và khách quan như thế nào?...
Trong buổi giao lưu, nhà báo Việt Hoa chia sẻ cho các em những kinh nghiệm làm báo nhiều năm của mình, những kỹ năng "săn tin", xác thực thông tin, kỹ năng viết một văn bản thông tin đúng, đủ, hấp dẫn và thuyết phục bạn đọc.
Nhà báo Việt Hoa cũng thông tin đến các bạn học sinh quy trình xử lý một văn bản báo chí trọn vẹn của nhà báo, cách chọn lọc hình ảnh để đưa vào bài viết một cách hợp lý và không bị phản cảm…
Sau buổi học, nhiều học sinh đã nắm rõ hơn kiến thức lý thuyết của thể tài văn học này và tác dụng của nó khi ứng dụng trong công việc thực tế. Các em còn được học thêm những phương pháp xử lý văn bản thông tin đang được sử dụng phổ biến và dễ tiếp cận bạn đọc, cách làm việc của một nhà báo…
Em Anh Thư, học sinh lớp 11A5, chia sẻ: "Em được mở mang thêm kiến thức về văn bản thông tin và giới báo chí. Trước đây, em cảm thấy hơi mơ hồ về thể loại văn bản này, nhưng sau khi được nghe cô giải thích cặn kẽ trong buổi phỏng vấn thì đây không còn là thứ khó hiểu mà rất thú vị!".
Em Mai Khôi cho biết: "Phương pháp học tập bằng cách trực tiếp trao đổi, trò chuyện với chuyên gia như thế này vô cùng bổ ích cho học sinh, giúp chúng em có sự cọ xát chân thực nhất với những cô chú làm nghề báo, từ đó có định hướng nghề nghiệp tốt hơn".
Cô Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng trường THPT Phú Nhuận, cho biết: "Tiết học đã mang đến một làn gió mới, một góc nhìn sinh động về văn bản thông tin và báo chí, giúp các em hiểu sâu hơn về những kiến thức đã học trên lớp. Việc được trực tiếp giao lưu, đặt câu hỏi cho một nhà báo chuyên nghiệp đã giúp các em tự tin hơn trong việc khám phá và tìm hiểu về thế giới thông tin rộng lớn".
Theo ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, để tăng cường hiệu quả công tác phân luồng, tháng 6/2023, Sở LĐ-TB&XH đã ký kết Chương trình phối hợp về định hướng phân luồng với Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thời điểm đó, chương trình phối hợp giữa 2 sở có 4 nội dung trọng tâm gồm: Tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vào học GDNN; trao đổi thông tin của đôi bên định kỳ 3 tháng/lần; tăng cường giám sát việc tổ chức đào tạo kiến thức văn hóa trung học phổ thông tại các cơ sở GDNN; phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hướng nghiệp và GDNN.
Sau 1 năm triển khai có hiệu quả, ngày 19/9, Sở LĐ-TB&XH TPHCM tiếp tục ký kết quy chế phối hợp với Sở GD&ĐT, đưa công tác phối hợp giữa 2 sở từ 4 lên thành 24 nội dung.
Uyên Vũ