Hội Khuyến học Bạc Liêu đại hội biểu dương các mô hình học tập:
Mỗi gia đình học tập tiêu biểu là "bông hoa tươi thắm trong vườn hoa khuyến học"
(Dân trí) - Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức Đại hội biểu dương Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập tiêu biểu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2019.
Tham dự Đại hội có bà Trương Thị Hiền - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, bà Đồng Thị Bạch Tuyết - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang (Cụm phó Cụm khuyến học ĐBSCL), lãnh đạo Hội Khuyến học các cấp tỉnh Bạc Liêu, cùng một số sở, ban, ngành tỉnh Bạc Liêu và đại diện các mô hình học tập tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Bạc Liêu có hơn 171.600 Gia đình học tập
Tại Đại hội, bà Nguyễn Thị Quế Phượng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình học tập (GĐHT), dòng họ học tập (DHHT), cộng đồng học tập (CĐHT), đơn vị học tập (ĐVHT) do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát động đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.
Tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh Bạc Liêu có 171.607 gia đình được công nhận GĐHT (đạt tỷ lệ 83,60% so với số hộ ở địa phương); có 2.048 DHHT, 509 CĐHT và 599 ĐVHT thuộc xã quản lý. Việc vận động đăng ký và bình xét công nhận các mô hình học tập được các cấp Hội duy trì số lượng và ngày càng nâng cao chất lượng.
Cùng với việc xây dựng các mô hình học tập, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã vận động quỹ, xã hội hóa giáo dục và nuôi heo đất tiết kiệm gần 291 tỷ đồng, để có điều kiện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên, giáo viên và chăm lo sự nghiệp giáo dục,…
Với những gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập được biểu dương tại Đại hội, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, rất nhiều gia đình với cuộc sống nghèo khó nhưng vẫn quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, tạo điều kiện cho con cháu học hành thành đạt. Họ là những người làm cha, làm mẹ đang âm thầm nuôi dạy con ăn học đến nơi đến chốn và sự hy sinh ấy đã được đền bù xứng đáng.
“Đây là những tấm gương sáng, là những bông hoa tươi thắm tiêu biểu trong vườn hoa khuyến học, đã góp phần làm đẹp xã hội, xứng đáng để mọi người học tập, noi theo”, bà Nguyễn Thị Quế Phượng nhấn mạnh.
Tại Đại hội, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu đã tặng 192 giấy khen cho các mô hình học tập tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2017 - 2019; trong đó, có 78 GĐHT, 53 DHHT, 25 CĐHT và 36 ĐVHT.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu khẳng định, xây dựng các mô hình học tập là một sáng kiến lớn của Hội Khuyến học Việt Nam. Sáng kiến này đã góp phần phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc trong điều kiện đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.
Bà Trương Thị Hiền - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, đã biểu dương phong trào xây dựng các mô hình học tập của Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu.
Hãy cùng chung tay vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài
Qua báo cáo của Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, bà Trương Thị Hiền - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá, hầu hết các chỉ tiêu xây dựng các mô hình học tập của tỉnh đều đạt và vượt trước thời hạn một năm so với quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, qua so sánh số liệu GĐHT 3 năm qua của cụm 8 (cụm ĐBSCL), số gia đình được công nhận GĐHT là 60,51%, trong khi tỉnh Bạc Liêu là 83,60%, như vậy tỉnh này đã vượt hơn khoảng 20%; còn nếu so với chỉ tiêu Hội Khuyến học Việt Nam đề ra thì Bạc Liêu vượt 13,6%. Các tỷ lệ của 3 mô hình còn lại của tỉnh Bạc Liêu cũng đều cao hơn quy định, điều đó rất đáng biểu dương.
Bà Trương Thị Hiền cho rằng, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu đạt được kết quả như trên cho thấy tổ chức Hội Khuyến học các cấp đã được củng cố kiện toàn đến tận cơ sở. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong những năm qua đã được quán triệt sâu sát đến từng hộ gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội; trong phong trào đó nổi bật là đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học hết sức đoàn kết, tâm huyết, nhiệt tình, năng nổ và sáng tạo.
Nhiều gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã được công nhận trong giai đoạn 2017- 2019.
Để phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng phát triển hơn nữa trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - bà Trương Thị Hiền lưu ý Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu cần tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc xây dựng xã hội học tập, đây là yếu tố quyết định thắng lợi trong công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh nhà.
Các cấp hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các mô hình học tập, đặc biệt là phát huy vai trò cộng đồng và xây dựng lực lượng nòng cốt ở cơ sở, chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội để hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới đạt hiệu quả cao hơn.
Bà Trương Thị Hiền - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (giữa), bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (thứ 2 từ phải qua), bà Đồng Thị Bạch Tuyết - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang (Cụm phó cụm ĐBSCL, ngoài cùng bên phải) cùng chứng kiến Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu nhận ủng hộ Quỹ Khuyến học năm 2019 từ Công ty Xổ số kiến thiết Bạc Liêu với số tiền 1 tỷ đồng.
“Trong việc vận động gây quỹ, xã hội hóa giáo dục, tôi cũng mong rằng các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân,… sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu vì sự nghiệp trồng người, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.
Mong rằng các em học sinh, sinh viên cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện để không phụ tấm lòng ưu ái của các bậc cha mẹ, các mạnh thường quân, Hội Khuyến học và toàn xã hội đối với các em”, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - bà Lâm Thị Sang mong muốn các sở, ngành, địa phương, mạnh thường quân,... hãy cùng chung tay vì sự nghiệp trồng người, vì các em học sinh nghèo, vì những mảnh đời còn nhiều thiếu thốn, bất hạnh,...
Chỉ đạo Hội Khuyến học tỉnh nhà, bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề nghị Hội Khuyến học tỉnh cần nghiên cứu, tiếp thu, quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trong suốt quá trình thực hiện và đặc biệt trong Đại hội biểu dương lần này để cập nhật, đưa vào kế hoạch, nghị quyết hoạt động còn lại của Hội từ đây cho đến hết nhiệm kỳ.
Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, để thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho là khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu mong lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm,... cùng trách nhiệm chung với sự nghiệp trồng người, vì các em học sinh nghèo, vì những mảnh đời còn nhiều thiếu thốn đang cố gắng mưu sinh và cùng tìm kiếm các kiến thức, kỹ năng cho con em mình, chúng ta hãy đồng hành với Hội Khuyến học, ngành Giáo dục của tỉnh chung tay góp sức để các em có thêm điều kiện hoàn thành nhiệm vụ, ước mơ của mình.
"Thực hiện được điều đó là chúng ta đang góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để xây dựng một Bạc Liêu ngày càng giàu mạnh, văn minh và phát triển toàn diện", bà Lâm Thị Sang nhấn mạnh.
Huỳnh Hải