Mỗi đổi mới đều hướng đến quyền lợi của người học
Chia sẻ nhận định về dự thảo quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng: Trên thực tế cũng như trong tư tưởng, Bộ GD-ĐT luôn luôn quan tâm đến quyền lợi của người học.
Theo ông Trịnh Ngọc Thạch, quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT là cụ thể hóa của Quyết định số 3538 QĐ-BGDĐT, phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2015. Trên tinh thần này, dự thảo quy chế Bộ GD&ĐT vừa đưa ra là phù hợp với phương án tại Quyết định 3538.
“Về cơ bản, tôi đồng thuận với nhiều nội dung trong dự thảo.” - ông Trinh Ngọc Thạch khẳng định.
Trước hết, về thời gian tổ chức thi lùi lại đã tạo điều kiện học sinh có thêm thời gian để chuẩn bị kiến thức và tâm lý tốt nhất trước kỳ thi THPT quốc gia theo phương thức mới. Sự thay đổi này thể hiện sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đối với nguyện vọng của đông đảo học sinh và các nhà trường.Cũng với dự thảo này, thời gian thi được rút ngắn, quãng đường đi đến điểm thi của học sinh chắc chắn giảm, như vậy cũng đồng nghĩa gia đình học sinh, xã hội giảm nhiều gánh nặng kinh phí.
Ông Trịnh Ngọc Thạch cũng đồng tình với quy định miễn thi ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên, trong quy chế cần ghi cụ thể mức điểm tối đa là bao nhiêu.
Một trong những điểm mới tại dự thảo là sử dụng thang điểm 20. Ủng hộ sự thay đổi này, ông Trịnh Ngọc Thạch cho rằng rõ ràng việc chia nhỏ điểm sẽ tính được những ý rất nhỏ của học sinh, kết quả thi sẽ chính xác hơn, cũng có nghĩa là học sinh có lợi hơn.
Nên làm rõ một số vấn đề
Tuy nhiên, ông Trịnh Ngọc Thạch cũng cho biết còn đôi chút băn khoăn về một số nội dung như cho phép tỉnh tổ chức cụm thi nếu có khó khăn – cần làm rõ khó khăn là gì?
Năm nay theo thông báo của Bộ GD&ĐT, hầu hết các trường ĐH, CĐ đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển, nhưng việc này có thể thay đổi nếu sang các năm sau, các trường không muốn sử dụng kết quả này nữa mà sẽ tổ chức thi hoặc xét tuyển riêng đúng như Điều 34 Luật GDĐH cho phép.
Đặt ra vấn đề này để nói rằng, cần phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thật nghiêm túc để các trường ĐH, CĐ luôn tin tưởng và sử dụng kết quả từ kỳ thi này, không phát sinh thêm một kỳ thi riêng từ các trường ĐH, CĐ nữa.
“Cuối cùng, tôi đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT luôn quan tâm, đầu tư nhiều công sức, trí tuệ nhằm tìm giải pháp tốt nhất để đổi mới các kì thi. Mỗi lần đổi mới đều nhằm hướng tới quyền lợi của người học. Đó là điều rất đáng trân trọng.
Việc xây dựng quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy lần này thể hiện tinh thần đó.
Bản dự thảo quy chế thi được công bố rộng rãi để xin ý kiến toàn xã hội là thể hiện tinh thần cầu thị.
Mong rằng, Bộ GD&ĐT tiếp tục đầu tư hơn nữa để các bản quy chế thực sự là chỗ dựa cho các cơ sở giáo dục, các địa phương tổ chức tốt nhất kì thi sắp tới, đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn”. - ông Trịnh Ngọc Thạch chia sẻ.