“Mổ xẻ” hiện tượng học sinh đánh nhau

(Dân trí)- Ngày 28/7, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo về "Giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau". Đây là một hội thảo lớn nhất từ trước tới nay về tình trạng học sinh đánh nhau này.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chủ trì. Đến dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đại diện các ban ngành.

Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thống kê từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.598 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài trường học. Các nhà trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh và buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) tới 735 học sinh. Tính bình quân, cứ 11.111 học sinh thì có 1 em bị buộc kỷ luật thôi học có thời hạn vì đánh nhau.
 
Các vụ việc học sinh đánh nhau xảy ra nhiều hơn cả là các khu vực đông dân cư, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. Đồng thời hiện tượng này thường thấy ở các học sinh cuối cấp THCS và các lớp của cấp THPT.
 
Hội thảo đã đưa ra những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh đánh nhau là xuất phát từ chính bản thân các HS, các em thiếu kỹ năng sống, do hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội, môi trường giáo dục trong nhà trường...
 
“Mổ xẻ” hiện tượng học sinh đánh nhau - 1
Học sinh đánh nhau, nỗi đau đầu của các nhà quản lý giáo dục
 

Tại hội thảo các đại biểu cho rằng, để giảm thiểu hiện tượng này, cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho các em bằng các hoạt động tập thể sinh động, bổ ích; Tăng cường vai trò của giáo viên chủ nhiệm; Góp ý, nhắc nhở các bậc phụ huynh có những suy nghĩ lệch lạc trong cách quan tâm, giáo dục con cái trong gia đình.

Bên cạnh đó, thắt chặt quản lý internet và các trò chơi điện tử. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục kỹ năng, nhân cách và văn hóa cho các em sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn được hiện tượng này...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết, điều kiện kinh tế xã hội trong những năm gần đây đã có những thay đổi mạnh mẽ đã tác động đến môi trường sinh hoạt và học tập của học sinh. Hiện tượng học sinh đánh nhau gần đây xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều đã để lại hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần không chỉ riêng đối với các em mà cho cả gia đình và cộng đồng. Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài sự nỗ lực của ngành Giáo dục, cần có sự tham gia đồng bộ của các Ban, ngành, đoàn thể và gia đình nhằm tạo ra các hoạt động vui chơi lành mạnh và môi trường trường học tập tích cực thu hút các em học sinh vì điều này chỉ mỗi Bộ GD-ĐT không làm được. Phó Thủ tướng cũng gợi ý Bộ GD-ĐT và các cơ quan hữu quan cần tham mưu cho Thủ tướng để ban hành một chỉ thị về vấn đề này.

Phó thủ tướng yêu cầu, việc cần làm ngay là đầu năm học tới, ngành giáo dục cần mở ra sinh hoạt chuyên đề về: "Nói không với hiện tượng học sinh đánh nhau", trong đó phải thu hút được sự tham gia tích cực của gia đình, các ban, ngành, đoàn thể. Phía nhà trường phải thống kê được các đối tượng và tìm hiểu nguyên nhân tại sao dẫn đến hiện tượng học sinh đánh nhau để cùng đưa vào chuyên đề tìm hiểu các biện pháp giảm thiểu.
 
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, đang gấp rút hoàn thành bộ tài liệu giáo dục kỹ năng sống, đồng thời đang tập huấn cho trên 300 giáo viên nòng cốt dạy kỹ năng sống cho các địa phương trong cả nước. Những sáng kiến, các mô hình tiên tiến về giáo dục kỹ năng của các địa phương, các trường sẽ được Bộ nghiên cứu, để nhân rộng trong cả nước.

Hồng Hạnh