Mô hình ĐH vùng: Vừa đội nón vừa che ô?

(Dân trí)- Mô hình đại học vùng có nhiều ưu điểm như tập hợp các trường ĐH thành viên lại với nhau nên đã sử dụng chung đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất... Tuy nhiên sự kiện ĐH Nghệ thuật Huế xin ra khỏi ĐH Huế như một lời cảnh báo đối với mô hình này.

Cuối những năm 80, quy mô các trường ĐH ở nước ta rất nhỏ (trên dưới 1.000 SV) hầu hết là đào tạo đơn ngành, theo mô hình của Liên Xô cũ. Một số nhà quản lý giáo cho rằng mô hình ấy không phù hợp với nền kinh tế đang có những thay đổi cơ bản, vì thế cần phải chuyển sang đa ngành, đa lĩnh vực. Muốn vậy, cần hợp nhất, sáp nhập các trường ĐH lại thành đa ngành. Đây là lý do chính để hình thành 2 ĐH Quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM) và 3 ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế và Đà Nẵng).
 
Đây là mô hình tập hợp nhiều trường ĐH, với mục đích sử dụng chung đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất trường lớp, phòng nghiên cứu... Khi sáp nhập, kinh phí nhà nước tập trung vào một đầu mối, tạo điều kiện cho quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại không như ý muốn.

Sự "kìm kẹp" cũng như cơ chế hà khắc đối với mô hình này lâu ngày khiến trước ĐH Nghệ thuật Huế - thuộc ĐH Huế đành phải nói thẳng những bức bối và nêu ước nguyện của mình.

Mô hình ĐH vùng: Vừa đội nón vừa che ô?  - 1

Sự kiện ĐH Nghệ thuật Huế xin ra khỏi ĐH Huế là lời "cảnh báo" cho mô hình ĐH vùng?

Giải thích về việc trường ĐH Nghệ thuật Huế xin ra khỏi ĐH Huế, tiến sĩ Phan Thanh Bình - hiệu trưởng nhà trường bức xúc chia sẻ với báo chí: “Là trường ĐH Nghệ thuật nhưng rất “đắng cay” bởi không gian chật hẹp, nhà cửa xuống cấp điêu tàn như vậy. Thú thật, hình ảnh trường nghệ thuật mà xấu như thế này tài nào “nở lòng” cho đúng với một trường ĐH nghệ thuật.

Ngoài ra, ĐH Huế đặt cho mình nhiều quyền quá, thiếu minh bạch, xử lý thiếu trách nhiệm với các trường thành viên. Thêm nữa, lương để trả cho giảng viên, năm nào trường cũng thiếu, phải đi vay mượn, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Trong nhiều năm qua, ĐH Huế đã không đầu tư nhiều về cơ sở vật chất khiến các trường gặp khó khăn”.

Theo đánh giá của giới chuyên môn thì việc tồn tại này là do cơ chế đại học vùng hai cấp, ĐH Huế là nạn nhân của cơ chế này. Cái lỗi không phải của ĐH Huế mà do cơ chế tạo ra nó, do đó mỗi trường thành viên thuộc ĐH Huế đang mất dấu vết.

Mô hình vừa che ô, vừa đội nón?

Nếu như thời điểm đề xuất ý tưởng thành lập ĐH Quốc gia (ĐHQG) và ĐH vùng, số SV các trường còn ít, thì ngay sau khi thành lập, số SV đã tăng vọt gây quá tải cho một cấp quản lý còn non nớt, dẫn đến trục trặc, rắc rối phát sinh.

Trong khi đó công tác tổ chức, thiết kế, xây dựng bộ khung quản lý cho ĐHQG, ĐH vùng cũng chưa khoa học thì các vị trí quản lý không giảm xuống mà còn tăng lên.

ĐHQG, ĐH vùng có ban gì thì ở trường thành viên có phòng nấy. Gần đây, nhiều trường thành viên còn tái lập hàng loạt phòng chức năng như trước khi sáp nhập. Điều này dẫn đến ban giám đốc ĐHQG và ĐH vùng trở thành cấp trung gian. Mục đích ban đầu của ĐHQG và ĐH vùng không thực hiện được khiến nó trở thành một mô hình cồng kềnh, tốn kém, ít hiệu quả.

Người nước ngoài rất khó hiểu hệ thống giáo dục Việt Nam. Nếu như ĐHQG, ĐH vùng là University thì các trường thành viên cũng là University, nghĩa là trường ĐH trong ĐH. Con dấu của 2 ĐHQG cũng mang hình quốc huy như Bộ GD-ĐT. Thủ tướng trực tiếp điều hành cả Bộ GD-ĐT và 2 ĐHQG.

Có người nói, ở Việt Nam có ba Bộ GD-ĐT cũng có cái lý của nó. Với mô hình này, nhà nước phải chi thêm một khoản kinh phí quản lý cho ĐHQG và ĐH vùng (hoặc cân đối trong tổng số kinh phí được cấp). Đây là khoản tiền rất lớn mà các trường thành viên thấy phi lý và chưa công bằng. Trong quá trình hoạt động cũng nảy sinh nhiều rối rắm, chẳng hạn như có nhiều nội dung các trường phải báo cả ĐH vùng, ĐHQG và Bộ GD-ĐT; nhiều cuộc họp ban giám hiệu trường thành viên và lãnh đạo của ĐHQG, ĐH vùng đều tham dự…

Năm 2006, nguyên Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng có nói: “Cuối năm 2006, Bộ sẽ rà soát lại nhiều vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ để đi đến quyết định về mô hình chuẩn của ĐH vùng”.

Cách đây không lâu, phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lại tiếp tục làm việc với ĐH Huế và lại cho rằng, phải xây dựng được cơ chế phối hợp để quyền lợi và trách nhiệm của từng trường thành viên mất đi ít nhất; được liên kết, hỗ trợ nhiều nhất, để có sự phát triển và hiệu quả đào tạo cao hơn so với đứng ngoài ĐH vùng.

Tuy nhiên, theo ý kiến của không ít chuyên gia thì sinh ra trung gian để làm gì khi sự phát triển cần đến các nỗ lực tự thân của mỗi trường ĐH. Chính vì thế, có lẽ đến lúc giải tán các ĐH vùng để cho các trường ĐH thành viên tự thân vận động.

Đưa ra một quyết định nào đó lúc này thật khó khăn nhất là với một mô hình mà tên gọi của nó trong Luật giáo dục cũng không thấy nhắc đến. Còn những người đang chấp bút cho dự thảo Luật ĐH cũng thấy lúng túng với ĐHQG và ĐH vùng.

Nguyễn Hùng - Thiệu Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm