Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc với ĐH Huế:
Các trường ĐH thành viên cần có chiến lược riêng
(Dân trí)- Trong 2 ngày 9-10/12, đoàn làm việc của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã làm việc với ĐH Huế và các trường thành viên trong khối để bàn về công tác quản lý trường ĐH 2 cấp (ĐH vùng) và đầu tư cơ sở vật chất trong thời gian tới.
Đi cùng Phó Thủ tướng còn có Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cùng nhiều vụ trưởng, cục trưởng Bộ GD-ĐT.
Mục đích chung trong chuyến công tác là khảo sát, lắng nghe và đánh giá nhằm tổng kết mô hình của 2 đại học quốc gia (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM), 3 đại học vùng (ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên), sớm hoàn thiện chính sách quản lý đối với mô hình đại học 2 cấp, chuẩn bị cho hội nghị đánh giá mô hình đại học sắp tới.
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, giám đốc ĐH Huế, đã trình bày tình hình hoạt động trong 15 năm qua. Những khó khăn được nêu ra cụ thể như: Mâu thuẫn giữa các trường ĐH thành viên và ĐH Huế về quyền hạn, trách nhiệm, quyền lợi trong tương quan với các trường ĐH đơn ngành trực thuộc Bộ; tình trạng chồng chéo trong quản lý; kinh phí của Nhà nước đầu tư cho ĐH Huế còn thấp, chưa tạo điều kiện cho Huế sớm hoàn thành khu quy hoạch mới ở Trường Bia và xây dựng cơ sở vật chất ngang tầm 1 ĐH trọng điểm quốc gia.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã lắng nghe ý kiến của hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Khoa học, ĐH Ngoại ngữ về nhiều sự bất cập trong phía quản lý từ ĐH Huế và việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất của trường.
Cụ thể, Trường ĐH Nghệ thuật đã 5 năm qua không được xây dựng 1 công trình nào, quá nhiều phòng chật chội không đáp ứng nhu cầu học sinh, ngân sách cấp chỉ bằng 50% các trường ĐH Nghệ thuật tại TPHCM, Hà Nội; Trường ĐH Ngoại ngữ mỗi khi có xây dựng công trình cơ bản phải bỏ vốn vào để đối ứng; ĐH Khoa học còn nhiều phòng học cấp 4 xập xệ; vị thế Trường ĐH Sư phạm Huế so với các trường ĐH Sư phạm khác là không bằng lúc xưa… Thậm chí có trường còn có ý xin ra khỏi khối ĐH Huế.
Giám đốc ĐH Huế đã kiến nghị Bộ GD-ĐT tổng kết mô hình ĐH vùng theo hướng xây dựng mô hình 2 cấp trên cơ sở tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của ĐH và cơ chế đặc thù về tài chính đồng thời có cơ chế về tài chính cho 1 số ngành năng khiếu đặc thù như Nghệ thuật, Nông lâm ngư và khối ngành cơ bản; ban hành các quy định phân cấp trách nhiệm cho hệ thống cán bộ quản lý ĐH vùng phù hợp với cơ cấu tổ chức quản lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao hiệu quả hoạt động của ĐH Huế trong thời gian qua; đồng thời lưu ý một số vấn đề như: liên kết trong khối ĐH Huế phải chặt chẽ hơn; ĐH vùng hay ĐH Huế cần phân biệt rõ chức năng đào tạo hay quản lý nhà nước về mặt giáo dục; các trường ĐH thành viên cần có chiến lược riêng của mình; phân bổ kinh phí cho các trường ĐH thành viên cũng như việc phân bổ tài chính của Bộ GD-ĐT đối với các ĐH vùng phải quy về một mối là ĐH Huế; điều tiết nguồn lực tài chính trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm; quy hoạch nguồn nhân lực, quản lý nghiên cứu khoa học của các trường thành viên phải tốt hơn nữa…
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết sắp tới ĐH Huế sẽ nhận 1 gói đầu tư chủ yếu là xây dựng cơ bản có thể theo chương trình riêng bằng trái phiếu hay từ nguồn vốn ODA. “Trong 5 năm tới, việc đầu tư từ Bộ GD-ĐT về Huế sẽ tốt hơn để hoàn thành khu quy hoạch ĐH Huế ở Trường Bia nhằm thúc đẩy một ĐH vùng có truyền thống đào tạo như ĐH Huế được phát triển”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng thông báo các trường ĐH thành viên sắp tới sẽ được có cơ chế đánh giá ĐH Huế nhằm bộ máy quản lý trường ĐH 2 cấp sẽ rõ ràng, tốt hơn. Đồng thời Phó Thủ tướng mong muốn các GS, PGS, các giảng viên của các trường ĐH thành viên của ĐH Huế tiếp tục gắn bó với sự phát triển của đơn vị mình đang công tác, cống hiến nhiều hơn nữa trong sự nghiệp trồng người vẻ vang của người thầy để trong 10 năm tới phải đào tạo được 1 lớp giảng viên mới đủ chất lượng cho các trường ĐH thành viên.
Đại Dương