Miễn học phí Sư phạm và câu chuyện về tâm lý “mua bán”
(Dân trí) - Với góc nhìn kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, các học giả Việt đồng tình cho rằng nên bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên Sư phạm, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp thực tiễn để giải “nút thắt” cho ngành Sư phạm.
Đề xuất bỏ chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành Sư phạm đang nhận được nhiều quan tâm và tranh luận trái chiều. Dân trí ghi nhận quan điểm của các học giả Việt tại nước ngoài về vấn đề này:
Mấu chốt nằm ở môi trường học và khả năng tìm việc sau tốt nghiệp
TS. Ngô Anh Văn (nghiên cứu sau tiến sĩ Đại học Calgary, Canada) thẳng thắn cho rằng, mô hình ở Việt Nam cho ngành Sư phạm sai lầm ở nhiều chỗ.
Ông Văn nêu quan điểm: “Tôi tốt nghiệp từ ĐH Sư phạm Hà Nội, rồi hơn 10 năm làm việc trong môi trường ở Bắc Mỹ, nên cái này vừa là quan điểm cá nhân, vừa mang tính chất vĩ mô đối với ngành Sư phạm. Nếu cho rằng miễn học phí để thu hút sinh viên giỏi chưa chắc là đúng. Nếu để học phí cao, điểm vào cao, với chính sách hợp lý vẫn thu hút được sinh viên xuất sắc nhất. Chuyện này xuất phát phát từ tâm lý "mua bán" của người học. Cái này có thể phải giải thích hơi dài, nhưng mấu chốt của việc thu hút sinh viên, không phải là chuyện miễn học phí mà là môi trường học tốt nhất và khả năng tìm kiếm công việc tốt.
Thứ hai nữa, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường chuyên môn khác như Tự nhiên hay Xã hội lại vẫn muốn có cơ hội làm giáo viên. Nhưng người tốt nghiệp trường này nhiều khi có khiếu sư phạm hơn chính những trường Sư phạm dạy. Điều này nói lên tầm quan trọng của môi trường học để tạo ra những giáo viên tâm huyết và xuất sắc nhất. Nhưng chính vần để lương bổng lại làm cho bất cứ ai theo Sư phạm đôi khi cũng phải nản lòng”.
Theo tiến sĩ Ngô Anh Văn, thay vì việc miễn phí Sư phạm thì nên dùng số tiền trang trải cho việc miễn phí đó để tăng lương giáo viên. Việc này tự nhiên sẽ thu hút được sinh viên giỏi. Hơn nữa, Sư phạm không nên là nơi duy nhất đạo tạo giáo viên, mà nên giống với các trường khác trong hệ thống học thuật để tạo sự cạnh tranh công bằng, để người giáo viên tốt nhất được khẳng định là tốt nhất.
“Ví dụ như các trường bên Bắc Mỹ luôn có một số chương trình riêng biệt bên trong trường để tạo điều kiên cho những sinh viên hay tiến sĩ thích giảng dạy học trò ở nhiều cấp. Họ có hẳn một Sở - những nơi luôn tạo điều kiện học cho bất cứ ai muốn theo đuổi nghề giáo. Đồng nghiệp của tôi chẳng hạn, cô tốt nghiệp tiến sĩ ngành hoá rất xuất sắc, mặc dù rất thích thú nghiên cứu, nhưng cũng muốn lấy một cái bằng trong 2 năm khi vẫn đang làm sau tiến sĩ để dạy cấp ba, nếu như không xin được vị trí giáo sư. Theo quan điểm cá nhân của tôi, nên bỏ chính sách miễn học phí, thay vào đó là phải làm chính sách giáo dục tốt như môi trường học thuật hiện đại, đầu ra với lương bổng và đại ngộ tốt thì tự nhiên sẽ thu hút và đạo tạo ra những giáo viên xuất sắc nhất”, TS. Ngô Anh Văn đề xuất.
Bà Nguyễn Phương Thúy (một học giả Việt tại Phần Lan) chia sẻ: “Ở Phần Lan và các nước Nordic, công dân của nước đó (và công dân châu Âu) được miễn học phí từ giáo dục tiểu học cho đến hết thạc sĩ, không phân biệt ngành nào. Theo tôi, thì miễn học phí cũng là một biện pháp khích lệ cần thiết, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là nâng cao chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm”.
Bà Đào Diệu Nhật (Tốt nghiệp thạc sĩ Đại học New South Wales, Úc) cũng cho hay: Ở Úc không có chế độ miễn học phí cho Sư phạm. Tuy nhiên, chất lượng của ngành Sư phạm nói riêng và hệ giáo dục nói chung ở quốc gia này được bồi đắp liên tục.
“Sinh viên Sư phạm, cũng như các ngành khác, ở bậc cử nhân, được truyền dạy kiến thức, kỹ năng ở mức căn bản thôi. Khi vào nghề thì trường/Sở Giáo dục tạo điều kiện và cũng yêu cầu giáo viên thường xuyên dự những khóa tu nghiệp, nâng cao trình độ. Bên cạnh đó môi trường làm việc, chế độ lương bổng của ngành Sư phạm ở tầm trung so với mặt bằng chung nên Sư phạm vẫn là lựa chọn của nhiều sinh viên tha thiết với nghề”, bà Diệu Nhật chia sẻ.
Lập quỹ đào tạo nhân tài, ràng buộc cống hiến sau tốt nghiệp
Ông Đỗ Hoàng Sơn (tốt nghiệp Đại học Moscow State Automobile & Road Technical University - Liên bang Nga) cho rằng: Nên để các tỉnh lập quỹ đào tạo nhân tài sư phạm, tức là tỉnh phải bỏ tiền ra trả cho trường Sư phạm để đào tạo sinh viên Sư phạm cho địa phương của mình. Sau khi học xong, sinh viên phải về tỉnh công tác và tỉnh phải phân công nhiệm vụ cho sinh viên. Như vậy một học sinh nghèo vẫn có tiền để học, trường Sư phạm vẫn có tiền để trả lương cho các thầy cô giáo, tạo điều kiện để thầy cô chuyên tâm công tác đào tạo những cử nhân sư pham chất lượng. Các địa phương trả tiền cho đúng “người của mình”, góp phần điều tiết cơ chế thị trường trong ngành Sư phạm.
Theo TS. Trần Việt Dũng (nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐH Grenoble, Pháp), Việt Nam cũng có thể tham khảo chính sách đầu tư viên chức dự bị và ràng buộc cống hiến như Pháp: “Theo mình biết ở Pháp, sinh viên các trường sư phạm (ENS) được xem như viên chức dự bị và được hưởng lương bình quân 1.300 euro/ tháng + các ưu đãi khác (các bạn tiến sĩ cũng chỉ nhận được tầm đó thôi). Đổi lại thì viên chức dự bị sau khi ra trường phải làm việc cho nhà nước ít nhất 10 năm. Tất nhiên số trường sư phạm ở Pháp rất ít và đầu vào rất cao”.
Xây thang học bổng, lương bổng hướng tới sự xuất sắc
Ông Thông Lê (Tốt nghiệp trường ĐH Volgograd State Pedagogical University - Nga, một cựu giảng viên Đại học Sư phạm) cho rằng, nên bỏ chế độ miễn học phí cho sinh viên Sư phạm; mặt khác, xây dựng một thang học bổng hướng tới sự xuất sắc (không cào bằng). Đặc biệt có chế độ học bổng cho các bạn nghèo mà học giỏi để các bạn có thể theo đuổi việc học.
“Nên nhớ, trường Sư phạm là nơi dạy người, là cái máy cái cho ngành Giáo dục cả nước. Vì vậy, ở đó phải thể hiện đậm đặc tính nhân văn, nhân đạo. Ngoài ra, tôi hoàn toàn nhất trí phải nâng cao đầu tư cho giáo dục, vì đầu tư cho giáo dục là một sự đầu tư thông minh, sinh lãi nhiều nhất và bền vững nhất. Còn tiền? Cắt giảm những dự án không cần thiết làm nghèo đất nước, thu hồi tiền từ tham nhũng…
Có một kinh nghiệm về tuyển dụng giáo viên mà tôi nghĩ là hay của miền Nam trước đây - sinh viên sau khi ra trường được sắp thứ tự theo thành tích từ cao xuống thấp. Các bạn ở tốp trên được ưu tiên chọn nhiệm sở trên cơ sở nhu cầu giáo viên trên toàn quốc. Tất nhiên, sau đó vẫn có sự hoán đổi cho nhau, nhưng trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Tôi nghĩ mô hình này có nhiều ưu điểm là tạo sự công bằng, phấn đấu học tập và rèn luyện cho sinh viên Sư phạm”, ông Thông Lê chia sẻ.
Lệ Thu