Mẹ tính kế chuyển con từ Hà Nội về quê để được học trường chuyên
(Dân trí) - Từng học cấp 3 tại một trường chuyên tỉnh nổi tiếng, chị P.T.L.H. tính phương án chuyển con về quê để thi chuyên do mức độ cạnh tranh thấp hơn ở Hà Nội.
Nuôi ba người con học trường chuyên, bà ngoại không nỡ để cháu học trường thường ở Hà Nội
Chị P.T.L.H. là một luật sư tại Hà Nội. Chị từng học chuyên văn tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Em trai chị H. cũng học chuyên hóa tại trường này trong khi em gái chị học chuyên văn Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm.
Chị H. có hai con đang học lớp 3 và lớp 1. Mong muốn của chị là cả hai con sẽ thi đỗ vào trường điểm cấp 2, làm tiền đề để thi chuyên cấp 3.
Tuy nhiên, theo dõi các kỳ tuyển sinh vào lớp 6 và 10, chị H. lo lắng cho tương lai của con vì cuộc đua chuyên chọn ở Hà Nội căng thẳng hơn so với ở tỉnh.
"Bà ngoại của bọn trẻ còn lo lắng hơn tôi. Bà nuôi ba người con học chuyên nên không muốn để các cháu học trường thường ở Hà Nội.
Trước mức độ cạnh tranh khốc liệt của các kỳ thi chuyên ở Thủ đô, gia đình tôi đã tính phương án chuyển con về quê học trường trọng điểm cấp 2, sau đó sẽ thi vào trường chuyên tỉnh như con đường mà tôi đã đi hơn 20 năm trước", chị H. cho hay.
Theo lời chị H., ba chị em chị "nên người" nhờ học trường chuyên. Chị H. liệt kê 5 ưu điểm của trường chuyên gồm: môi trường bạn bè tốt, thầy cô tốt, chương trình học tốt, cơ hội được cọ xát với nhiều kỳ thi chất lượng và học phí rẻ.
"Học sinh trường chuyên đa phần có xuất thân tốt, tính cách hài hòa, có ý chí vươn lên do quen với những thử thách khó trong học tập từ nhỏ.
Thầy cô trường chuyên có năng lực chuyên môn cao, phương pháp giảng dạy luôn cập nhật, tiên tiến, tác phong sư phạm chuẩn mực, chăm lo cho học sinh.
Chương trình học của trường chuyên cao hơn một một bậc so với trường thường, chú trọng kỹ năng nghiên cứu, phân tích, tự học.
Cơ sở vật chất của trường chuyên được ưu tiên đầu tư vì là trường điểm, cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước, song học phí lại rẻ hơn nhiều so với trường tư.
Đây là những yếu tố lý tưởng của một môi trường giáo dục mà phần lớn phụ huynh đều mong muốn cho con mình", chị H. chia sẻ.
Trường chuyên không phải "thánh đường", có ưu có khuyết
Chị C.K.T, một bác sĩ tại Hà Nội, cho rằng không nên xem trường chuyên là một môi trường "thần thánh".
"Môi trường học nào cũng có ưu, có khuyết, phù hợp với học sinh này và không phù hợp với học sinh khác", chị T. nêu quan điểm.
Chị T. từng học chuyên toán. Con chị T. đang học Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Từ trải nghiệm học chuyên của bản thân và con, chị T. đồng quan điểm với chị P.T.L.H. về mặt ưu của trường chuyên. Song chị T. cũng nhìn ra những mặt khuyết của môi trường này.
"Như mọi người vẫn nói, trường chuyên là nơi đào tạo gà nòi đồng thời cũng là gà công nghiệp. Học sinh trường chuyên tuy mạnh về hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, năng động, sáng tạo, tự tin nhưng lại kém ở một số kỹ năng đời sống và kỹ năng xã hội khác.
Đôi khi, bạn sẽ bắt gặp sự ích kỷ ở các con học trường chuyên khi thường viện cớ sự bận rộn trong học tập và hoạt động xã hội để né tránh học hỏi các kỹ năng khác. Ví dụ như không giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà chẳng hạn.
Tuy nhiên, tùy vào mong muốn, mục tiêu giáo dục của từng gia đình mà điều này có quan trọng hay không", chị T. bày tỏ.
Chị P.T.L.H. thừa nhận những nhược điểm của trường chuyên như điểm số không thực chất, có tình trạng học sinh học lệch nhưng thầy cô vẫn cho học bạ xuất sắc, áp lực học tập, áp lực ganh đua lớn khiến các con luôn trong tình trạng phải nỗ lực và dễ rơi vào căng thẳng…
Tuy nhiên, chị H. cho rằng mặt khuyết của trường chuyên vẫn ít hơn trường thường thuộc nhóm công lập.
"Các trường thường cũng có tình trạng "cho điểm", "nâng điểm". Áp lực học tập với nhóm dẫn đầu cũng có. Cơ sở vật chất không được đầu tư. Học sinh không được cộng điểm ưu tiên khi vào đại học.
Chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều. Học sinh phải học thêm nhiều. Học sinh không được ưu tiên phát triển môn học thế mạnh. Với trường có điểm đầu vào thấp, môi trường học đường phức tạp, luôn phải đối mặt với nỗi lo bạo lực học đường…
Tất nhiên, một học sinh có tư chất tốt, có năng lực học tập thì học ở đâu cũng giỏi. Nhưng nếu học sinh đó được đặt trong một cộng đồng toàn những người giỏi sẽ có cơ hội để trở nên hoàn thiện hơn.
Đó là điều tôi rút ra từ chính mình và những người trong gia đình", chị H. nêu ý kiến.