Mẹ liệt sĩ ủng hộ gạo chống dịch Covid-19 vào đề thi Năng khiếu báo chí
(Dân trí) - Hình ảnh mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ba (87 tuổi) tại Hà Tĩnh đi bộ mang bao gạo 5kg và rau vườn tự hái ủng hộ dịch Covid-19 tạo nhiều "đất" cho thí sinh thể hiện trong bài thi Năng khiếu báo chí 2020.
Chiều 15/8, gần 1.500 thí sinh đăng kí xét tuyển chuyên ngành Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã bước vào bài thi Năng khiếu báo chí với 2 nội dung thi trắc nghiệm và tự luận.
Năm 2020 là năm thứ 6 Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ thi Năng khiếu báo chí nhằm tìm kiếm những học sinh có tiềm năng, tố chất làm báo.
Đây là kỳ thi bắt buộc dành cho các thí sinh đăng ký vào ngành báo chí với các chuyên ngành Báo in, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử và Quay phim truyền hình.
Phần thi trắc nghiệm đối với tất cả thí sinh, gồm 30 câu hỏi trong thời gian làm bài 30 phút nhằm kiểm tra kiến thức hiểu biết chung về các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân chủ yếu của chương trình lớp 12.
Phần thi tự luận riêng gồm 2 câu hỏi, chiếm 7/10 điểm, thời gian làm bài là 120 phút.
Phần tự luận được các sĩ tử đánh giá hay, mang tính thời sự và thực tế cao khi gắn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Câu 1 trong đề trích lại bài viết “Tháng 8 gọi Thu về” trên báo Nhân dân, đã được thay đổi một số phần, tạo ra lỗi để yêu cầu thí sinh thực hiện thao tác biên tập, sửa lỗi. Các lỗi bắt gặp trong bài được thí sinh chỉ ra chủ yếu nằm ở vấn đề chính tả, diễn đạt và logic.
Câu 2 kiểm tra năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân về một sự kiện, vấn đề bằng một bài luận tối đa 500 từ.
Cụ thể, đề bài đề cập đến hình ảnh mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ba (87 tuổi), trú tại thôn Kỳ Phong, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đi bộ từ nhà mang theo 5kg gạo và 1 túi rau hái trong vườn đến ủng hộ khu cách ly dịch Covid-19 tại trường mầm non của xã, nơi có 51 công dân của huyện Thạch Hà từ nước ngoài trở về đang thực hiện cách ly (được báo Nhân dân đưa tin ngày 31/3/2020) và yêu cầu thí sinh bày tỏ suy nghĩ về sự việc với không quá 500 từ.
Em Đỗ Trần Duy Phúc – Học sinh lớp 12D2, trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội chia sẻ: “Theo em, đề thi Năng khiếu báo chí năm nay có tính phân loại cao.
Đặc biệt, phần thi tự luận câu 2 bám sát vào đại dịch Covid-19 diễn ra hiện nay do đó có rất nhiều “đất” để thí sinh có thể mở rộng vấn đề và đạt điểm cao nhất có thể”.
Em Đặng Hà Kiên (Học sinh trường THPT FPT) nhận định: “Em cảm nhận đề năm nay rất sát sao và mang tính thực tế. Chúng em phải vận dụng những kiến thức bên ngoài và trên báo chí để có thể viết bài luận hoàn chỉnh. Đề bài đề cập đến ý thức của người dân tham gia chống dịch.
Hình ảnh bà mẹ liệt sĩ vẫn mang gạo và rau tự hái đến góp cho khu cách ly chống dịch khiến bản thân em có nhiều suy nghĩ, cảm xúc nhân văn.
Từ hình ảnh đó, em liên hệ đến bản thân mình là một người trẻ, càng phải có lòng biết ơn và ý thức chống dịch để góp sức cùng đất nước vượt qua giai đoạn dịch bệnh căng thẳng này”.
Khá vừa sức, mang tính thời sự cao là nhận định của em Lê Đào Ngọc Linh, Học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội. “Phần tự luận rất sát và nhân văn.
Đặt vấn đề liên quan đến Covid-19 và đề cập đến dịch bệnh Covid-19 mà chúng ta đang trải qua nên em cảm thấy đề rất gần gũi, có tính liên hệ thực tiễn”, nữ thí sinh nói.
Trong ngày 16/8, các thí sinh đăng ký chuyên ngành Ảnh Báo chí và Quay phim truyền hình tiếp tục tham gia dự thi. Các thí sinh được xem phần tư liệu hình ảnh (ảnh hoặc đoạn phim ngắn) sau đó viết bình luận 500 từ về hình thức, kĩ thuật, nội dung của phần tư liệu đó trong 30 phút.
Bài luận chiếm 3/10 điểm. Với 4 điểm còn lại, thí sinh sẽ trả lời phỏng vấn trực tiếp với ban giám khảo về những hiểu biết xoay quanh lĩnh vực ảnh báo chí và quay phim truyền hình (lý thuyết về hình ảnh, góc quay, bố cục, màu sắc).