Đắk Nông:
Mẹ 68 tuổi đi học xóa mù chữ cùng hai con gái
(Dân trí) - Lớp học xóa mù chữ của xã Đắk Ha hiện là lớp xóa mù chữ đông nhất tỉnh Đắk Nông. Dù lớp cách trung tâm xã cả chục km, tất cả học sinh đều lớn tuổi nhưng không khí luôn náo nhiệt mỗi buổi tối.
Người mẹ 68 tuổi là học viên lớn tuổi nhất
Gần 3 tháng nay, bà Triệu Thị Mai (dân tộc Dao, thôn 4, xã Đắk Ha) theo các con đi học tại lớp xóa mù chữ. Người mẹ 68 tuổi này trở thành học viên lớn tuổi nhất của lớp xóa mù chữ do Trường Tiểu học-THCS Trần Quốc Toản (xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long) mở tại xã.
Chia sẻ về con đường đi học chữ của nữ học viên đặc biệt, cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên Trường Tiểu học-THCS Trần Quốc Toản kể rằng, tháng 5/2020, trường phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Đắk G’Long mở lớp xóa mù chữ cho người dân trên địa bàn xã Đắk Ha. Ban đầu, lớp học có sự tham gia của hai người con gái bà Mai, năm nay cũng hơn 30 tuổi.
Sau buổi học thứ hai, cô Thủy và nhiều học viên khác cũng bất ngờ vì sự xuất hiện của bà Mai. Bà lão đến lớp với trang phục truyền thống của đồng bào Dao, từ tốn và lễ phép xin cô giáo vào lớp học xóa mù chữ cùng hai cô con gái.
Chị Đặng Thị Hiền (SN 1984, con gái bà Mai) cho biết, gia đình chị từ Quảng Ninh vào Đắk Nông đầu năm 2000. Khi xưa ở ngoài Bắc do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên phụ nữ trong nhà phần lớn là không biết chữ. Vào Tây Nguyên lập nghiệp, hai chị em chị Mai được học lớp xóa mù… 5 buổi nhưng đến nay, ngoài tên khai sinh, không ai nhớ thêm được thêm từ nào khác.
“Mẹ mình còn không biết chữ nào, nếu cần gì thì điểm chỉ chứ không biết cầm bút. Thấy hai chị em mình đi học, mẹ thích quá nên xin đi theo. Hôm nào bà cũng ăn cơm thật sớm rồi chờ mình qua đón đưa đi học lớp xóa mù chữ. Có hôm bà còn tự soi đèn đi bộ 3-4 km đến trường”, chị Hiền kể.
Đồng hồ điểm 19h, bà Mai đã chuẩn bị sẵn sách vở, rọi đèn pin thong thả đi đến trường trước hai cô con gái. Học viên 68 tuổi hào hứng rằng, đi học vui vì có thêm bạn bè, lại biết đọc chữ nên từ buổi đầu tiên đến giờ, bà chưa nghỉ một buổi học nào.
“Ngày trước ở nhà, ăn cơm xong là sang nhà con gái xem tivi đến 7h tối rồi đi ngủ. Bây giờ được đi học, hôm nào cũng thức đến 9h tối mới về ngủ. Bây giờ đọc được cả quyển sách rồi”, bà Mai khoe.
Xóa mù chữ để “không bị bắt nạt”
Đúng 7h30, 5 lớp học xóa mù chữ của Trường Tiểu học-THCS Trần Quốc Toản đã ổn định, trật tự. Tiếng học viên ê a, tiếng giáo viên giảng bài, ánh đèn điện xóa tan vẻ âm u, tĩnh lặng của không gian của vùng đồi núi.
Trong lớp học xóa mù chữ do cô Nguyễn Thị Thu Thủy đứng lớp, đôi vợ chồng người Mông chọn cho mình một góc lớp để ngồi học. Phía trước mặt là hai đứa con nhỏ, trong đó đứa lớn năm nay đã lên lớp 2.
Cô Thủy cho biết, đây là gia đình học viên Hầu Thị Giàng - Giàng Sâu Sính (dân tộc Mông, trú thôn 4). Chị Giàng cùng chồng tham gia lớp xóa mù chữ được khoảng 13 tuần, ngày mới đến lớp, cả hai vợ chồng đều không biết chữ và thậm chí còn không biết cầm bút. Đến nay, vợ chồng Giàng đã tự viết, tự đọc được sách giáo khoa trong quá trình trên lớp.
Cô Thủy ấn tượng nhất vì không chỉ có hai vợ chồng đi học mà mỗi tối đến lớp, Giàng đều đưa theo hai đứa con. Có hôm, vừa học bài, Giàng vừa ôm con ngủ nên bản thân chị và các giáo viên rất cảm phục tinh thần học tập của hai vợ chồng Giàng.
Nữ học viên Hầu Thị Giàng kể, hàng ngày chỉ đi làm rẫy, cứ đi từ sáng đến tối mới về nhà. Từ ngày đi học xóa mù chữ, vợ chồng Giàng tranh thủ về nhà sớm, ăn cơm rồi đúng 7h tối đưa cả hai con đến lớp học. Biết chữ, Giàng và chồng tự tin hơn nên sắm cho mình một chiếc điện thoại cảm ứng, vừa để nghe nhạc, vừa để gọi điện cho người thân, bạn bè.
“Cô giáo bảo, nếu chịu khó học thì mình sẽ biết hết chữ, không sợ người khác “bắt nạt” nữa. Bây giờ ra xã làm giấy tờ không phải điểm chỉ nữa rồi”, anh Giàng vui vẻ cho biết.
Theo cô Nguyễn Thị Thủy, phần lớn học viên tham gia lớp xóa mù chữ chỉ quen cầm cuốc, cầm dao nên tay rất cứng, không cầm được vật nhỏ như cây bút. Để khắc phục, những ngày đầu, giáo viên phải hướng dẫn học viên quấn thêm giẻ hoặc giấy để bút to hơn.
“Có học viên mắt mờ, tai yếu, đặc biệt là hạn chế giao tiếp bằng tiếng phổ thông nên dạy xóa mù chữ không khác nào dạy học sinh lớp 1. Có khi giáo viên dạy mệt quá, chính học viên lại phải động viên các thầy cô đứng lớp. Đặc biệt, trong quá trình dạy, thầy cô không được nặng lời với học viên vì có trường học, học viên “dỗi” không đến lớp nữa”, cô Thủy chia sẻ kỷ niệm đứng lớp xóa mù chữ.
Cô Đinh Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS Trần Quốc Toản cho biết, hiện tại trường có 146 học viên tham gia lớp học xóa mù chữ và là khóa xóa mù chữ có đông học viên nhất từ trước đến nay. Để việc xóa mù chữ đạt hiệu quả, nhà trường và chính quyền địa phương đã trực tiếp đi vận động người dân đi học đồng thời biên soạn giáo án riêng, phù hợp với đặc thù của địa phương.
“Bà con rất hào hứng tham gia lớp xóa mù chữ. Nhà trường hy vọng, sau khi kết thúc khóa học, bà con sẽ thành thạo các kỹ năng đọc, viết qua đó góp phần vào công tác phổ cập giáo dục, xóa đói giảm nghèo cho địa phương”, cô Hằng nói.