Bạn đọc viết:
Mặt tích cực của bản kiểm điểm học sinh cấp 1
(Dân trí) - Con tôi đang học lớp 5. Suốt mấy năm đi học, con luôn được các cô chủ nhiệm lớp nhớ mặt, nhớ tên. Ngay từ lớp 1, cô giáo mỗi tháng gửi sổ liên lạc về thông báo tình hình học tập của con, tôi đều buồn rầu vì cô phê bình con rất nghịch, hay nói chuyện gây mất trật tự trong giờ học.
Bắt đầu vào lớp 2, con tôi hầu như tháng nào cũng phải viết bản kiểm điểm, vẫn là tật nói chuyện quá nhiều trong lớp, nói leo. Tôi không giữ được bình tĩnh mà gầm lên "Giá mà có băng dính dán vào mồm cho con khỏi nói, chắc là cô giáo ghét con lắm đấy". Con tôi khóc tỉ tê rồi hứa lên hứa xuống, rằng con sẽ ngoan, con sẽ không phạm lỗi nữa đâu, mẹ tha cho con... Nhưng chỉ dăm bữa, nửa tháng lại thấy con lấm lét, sợ sệt đợi lúc bố đi làm thì nhờ mẹ ký bản kiểm điểm. Tôi lúc ấy cũng nghĩ trong đầu, không biết con có bị cô giáo phân biệt đối xử gì không? Liệu cô có công bằng với con tôi không? Tôi hỏi chuyện cô bé lớp trưởng cạnh nhà, hỏi một vài bạn của con thì bạn nào cũng khẳng định con tôi rất nghịch ngợm, nói luôn mồm trong lớp.
Hóa ra mọi chuyện không tiêu cực như tôi suy diễn. Cô giáo áp dụng nhiều biện pháp để sửa tật xấu cho con tôi như việc cô thường xuyên đổi chỗ ngồi của con, có lúc cô cho ngồi cùng bàn với bạn lớp trưởng ngoan ngoãn, học giỏi nhất lớp để con học hỏi bạn. Bạn lớp trưởng tất nhiên là không "hợp cạ" nói chuyện với con tôi rồi, con tôi quay ngang, quay dọc, với lên bàn trên, nhoài xuống bàn dưới để nói chuyện với các bạn khác.
Cô giáo dạy lớp 2 của con, gần 30 năm đứng lớp phải thừa nhận bó tay với ca khó này và chỉ lắc đầu khi trao đổi với tôi buổi họp phụ huynh "Con em nghịch quá, nghịch nhất lớp, bố mẹ xem có cách nào bảo ban con giúp cô với".
Tôi biết con mình bị cô trách mắng không oan ức gì. Ở nhà, tôi cũng thường đau đầu với các trò nghịch tai quái của con mình, thường phải dẫn con sang nhà cô bác xung quanh xin lỗi vì con lỡ làm đổ vỡ đồ đạc, sạt lở tường rào, leo trèo chỗ công trình xây dựng dở dang rất nguy hiểm. Thế là tôi đọc mẫu bản kiểm điểm cho con viết, một năm học con viết hàng chục lần đến thuộc lòng, không cần nhờ mẹ hướng dẫn nữa, chỉ cần mẹ ký, mẹ xác nhận này kia, lại thấy con nước mắt ngắn dài xin lỗi...
Tôi stress đâu chừng 1 năm thì quá quen với việc ký bản điểm của con mình. Con tôi liên tục phạm lỗi nói chuyện như pháo rang trong lớp. Khi con tôi học lớp 3, lớp 4, tôi vẫn thường xuyên ký bản điểm cho con. Tôi có lúc chán quá chỉ biết than thở tuyệt vọng rằng "Mẹ chẳng mong gì con học giỏi nhất lớp, chỉ mong con học hành có ý thức, biết tôn trọng và yêu quý cô giáo bằng cách con đừng nói chuyện riêng trong giờ cô dạy là mẹ mừng lắm rồi". Tôi thậm chí còn treo giải thưởng, cứ trong tháng không phải viết kiểm điểm thì được mẹ tặng món quà nhỏ mà con yêu thích.
Tôi vẫn nhớ có lần con về nhà, mặt tái nhợt đi, mẹ thấy lạ nên hỏi chuyện. Con òa lên khóc nức nở rằng "Mẹ ơi, mẹ xin cô giúp con, cô không cho con đi thăm quan cùng lớp vì con hay nói chuyện". Tôi gọi điện, trao đổi ngắn gọn với cô chủ nhiệm, mong cô bỏ qua lỗi của con, tôi sẽ cố gắng bảo ban uốn nắn con. Đúng là để sửa tật xấu nói chuyện của con, các cô giáo dạy con tôi đã áp dụng nhiều phương pháp mà vẫn cứ thất bại. Tôi cũng chán nản mà ký nhận vào sổ liên lạc gửi cô giáo rằng "Mong cô giúp đỡ, quan tâm tới con vì con cũng hơi bị tăng động". Thôi thì đành cứ nhận liều, nhận bừa về con mình như thế để cô giáo bớt áp lực, để cô cảm thấy quen thuộc với chuyện cậu học trò nhỏ ham “buôn chuyện” trong lớp.
Nói thật là cảm xúc ký bản điểm cho con cũng nặng nề lắm, nó làm tôi hết sức tức giận và thất vọng về con mình. Nhưng thử nghĩ kỹ xem, các cô lúc nào cũng phải chứng kiến cảnh con tôi lơ đảng, không chịu ngồi yên nghe cô giảng suốt nhiều ngày tháng thì đúng là khổ sở thật. Con nói chuyện con không học được đã đành, còn làm ảnh hưởng tới các bạn trong lớp, khiến cô cáu giận, tức tối. Lớp học tận 50 học sinh, chỉ vài bạn như con thì đúng là cô giáo quá mệt mỏi.
Suốt 4 năm học tiểu học của con, tôi chưa từng tới gặp riêng cô để trao đổi mà chỉ thỉnh thoảng nói chuyện điện thoại. Tôi thường chọn thời điểm thích hợp nhất trong ngày, lúc tôi bình tĩnh nhất để trò chuyện với cô giáo chủ nhiệm của con. Dường như việc thường xuyên đau đầu tìm cách uốn nắn cậu con trai bướng bỉnh, nghịch ngợm đã giúp tôi có cái nhìn cảm thông và thấu hiểu nỗi lòng của các cô giáo cấp 1. Khi hỏi chuyện thẳng thắn và chân tình, tôi thấy các cô giáo dạy con đều quan tâm và yêu mến học sinh, mong các con tiến bộ.
Sẽ có nhiều người hoài nghi về chuyện tôi kể, liệu rằng con tôi bướng và nghịch như thế, viết kiểm điểm nhiều như thế thì học hành ra sao? Tôi vẫn sát sao học cùng con, hướng dẫn con bài khó, động viên con sửa tật xấu. Cuối năm, con tôi đạt giấy khen và được cô đánh giá, nhận xét tích cực.
Những bản kiểm điểm mà con từng viết không hề bị cô quy kết vào việc rèn luyện đạo đức trong bản nhận xét tổng hợp cuối năm học. Đây chỉ là cách để cô giáo thông báo kịp thời tới phụ huynh về việc học hàng ngày của con để bố mẹ kịp thời chấn chỉnh con sửa sai.
Có lẽ để hiểu ra mặt tích cực của bản kiểm điểm học sinh cấp 1 thì rất cần phụ huynh bình tĩnh, không vội vàng phán xét thầy cô dạy con. Một cô quản tận 40-50 học sinh nếu không có những biện pháp nhắc nhở, phạt lỗi, răn đe uốn nắn học sinh thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.
Một số cô giáo nói, đâu phải ai cũng nghĩ sâu xa như chị, cứ động vào con họ mà xem, họ chả làm ầm lên...
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!