TPHCM:

Lý thú tiết học Sử dưới sân trường

(Dân trí) - Gần một tuần nay, các học sinh khối lớp 9 trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TPHCM) có tiết học môn Sử không “gò bó” trong lớp như bình thường. Thay vào đó, các em có 45 phút thoải mái ở sân trường để tìm hiểu lịch sử thông qua các tấm băng rôn, áp phích

Với mong muốn tạo sự hứng khởi cho học sinh trong tiết học Lịch sử địa phương, Tổ bộ môn Lịch sử của Trường THCS Trần Văn Ơn đưa ra cách học khá “lạ” này. Nhờ Bảo tàng TPHCM hỗ trợ các tấm áp phích, băng rôn với các nội dung, hình ảnh lịch sử đặt ở sân trường nên tiết học không hề nhàm chán, khô khan.


Học sinh lớp 9A9 trong tiết học sử đặc biệt dưới sân trường

Học sinh lớp 9A9 trong tiết học sử đặc biệt dưới sân trường

Đến trường vào đầu giờ ra chơi, tại những dãy áp phích treo dọc sân trường có nhiều học sinh đến xem. Các nội dung trên đó liên quan đến bài học Lịch sử địa phương về Phong trào học sinh, sinh viên Thành phố và chủ đề “Hoàng Sa-Trường Sa-Biển đảo Việt Nam”. Bên cạnh các anh chị lớp 9A9 đang hoàn thành nốt bài thu hoạch thì cũng có đông học sinh các khối khác cũng đến tìm hiểu thông tin.

Cô Trương Thị Thanh Vân, giáo viên phụ trách môn Lịch sử khối 8, 9 của trường cho biết, trong tiết học, các em học sinh sẽ được giáo viên bộ môn hướng dẫn chung về nội dung bài học, sau đó các cho các em lựa chọn một trong hai chủ đề nói trên mà các em quan tâm, thích thú. Trong vòng 45 phút của tiết học, các em cùng nhau tìm hiểu, trao đổi và sẽ làm một bài thu hoạch nhỏ nộp cho giáo viên bộ môn.


Sau khi đọc nội dung trên áp phích, các học sinh ghi lại cho bài thu hoạch

Sau khi đọc nội dung trên áp phích, các học sinh ghi lại cho bài thu hoạch

Theo cô Thanh Vân, bài thu hoạch sẽ được giáo viên xem xét chấm điểm như hình thức kiểm tra miệng hoặc kiểm tra 15 phút. Đánh giá sơ qua các bài thu hoạch của một số học sinh đã nộp, cô Vân cho biết hầu hết các em đều nói lên những tình cảm tự nhiên, tình cảm, cảm xúc của em với biển đảo quê hương, với các tấm gương học sinh, sinh viên tiêu biểu của thành phố. Từ đó, các em ý thức được tinh thần dân tộc, ý thức được gìn giữ bảo vệ Tổ quốc của quê hương, để tự hứa với mình sẽ cố gắng chăm ngoan học giỏi hơn.

Chia sẻ thêm về cách học này, cô Vân cho rằng việc học tập dưới sân trường thoát ra khỏi khuôn khổ lớp học khiến các em rất thích thú. Tại đây các em tự do trao đổi bài với bạn, có thể tự do di chuyển, đứng ngồi không bị gò bó và quan trọng các em được học được xem, được tìm hiểu những thông tin một cách trực quan sinh động. Từ đó các em tiếp thu bài nhanh hơn. Giáo viên cũng không cần chuẩn bị nhiều về hình ảnh, clip như ở trên lớp học mà chỉ đóng vai trò là người quan sát và hướng dẫn các em học tập.


Các em học sinh thấy hào hứng vì được thoải mái trao đổi thông tin

Các em học sinh thấy hào hứng vì được thoải mái trao đổi thông tin

Các năm trước, tổ Sử của nhà trường cũng đã tổ chức nhiều tiết học sinh động bằng việc đến tại các di tích lịch sử để dạy cho các em như đến địa điểm Rạch Gầm-Xoài Mút ở Tiền Giang, đến Bến Nhà Rồng, đến các Bảo tang trong thành phố….

Em Tuấn Anh, học sinh lớp 9A9 chia sẻ: Em quan tâm đến chủ đề biển đảo quê hương. Qua đó em thấy được ý nghĩa của câu đảo là nhà, biển cả là quê hương, em ý thức được việc phải gìn giữ chủ quyền của đất nước, biết trân trọng những anh bộ đội đang ngày đêm canh giữ biển đảo thiêng liêng. Vì còn ngồi trên ghế nhà trường, nên chúng em sẽ cố gắng học tập tốt để sau này đêm sức nhỏ của mình góp phần xây dựng đất nước.


Một nội dung về sử để học sinh tìm hiểu

Một nội dung về sử để học sinh tìm hiểu

Tương tự, em Huỳnh Nguyễn Thủy Tiên, học sinh lớp 9A7 cho biết cung hào hứng với tiết học kiểu này. “Thông qua đó, em được cung cấp thêm nhiều thông tin một cách trực quan hơn về sử. Ngoài ra, việc học tập với hình thức mới này khiến chúng em rất thoải mái và thích thú. Các bạn rất hào hứng cùng nhau trao đổi thông tin. Em thấy đây là tiết học rất bổ ích và hiệu quả”.

Điều đáng mừng là nội dung lịch sử được trình bày thông qua các áp phích treo sẵn không chỉ phục vụ các tiết học của học sinh khối 9 mà tất cả học sinh của những khối còn lại cũng có thể tìm hiểu thông tin qua những tấm băng rôn lớn được dựng ở sân trường trong giờ ra chơi. Dự kiến, nhà trường sẽ áp dụng cho toàn trường đến hết tuần sau.


Giờ ra chơi có nhiều học sinh các khối lớp khác đến tìm hiểu

Giờ ra chơi có nhiều học sinh các khối lớp khác đến tìm hiểu

Lê Phương