Lý do con không thích đi học

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Thông thường, khi nghe câu than phiền "Con ghét đi học", mọi lời khuyên về giải pháp tiếp theo sẽ có khuynh hướng tập trung vào đứa trẻ. Ba mẹ có thể lo lắng con mình không đủ tố chất, chưa đủ kỹ năng học tập, quá nhút nhát, quá ham chơi.

Và tiếp sau đó sẽ là chuỗi cảm xúc bất an, sốt ruột của ba mẹ: giải thích vì sao con phải đi học, kèm cặp sát sao để đảm bảo con theo kịp bài… Những cảm xúc lo lắng này sẽ chiếm sóng, áp đảo tinh thần, tâm trí, và khiến ba mẹ bỏ qua một cân nhắc quan trọng, đó chính là, vấn đề nhiều khi không phải nằm ở con, mà là ở môi trường học.

Chọn sai môi trường học - nguy cơ cho con

Chuyện gì sẽ xảy ra khi ba mẹ chọn sai trường, lớp cho con? Điều đầu tiên có thể xảy đến, và có lẽ cũng dễ nhận thấy nhất, chính là con ghét đến lớp.

Một em bé vui vẻ, năng động hoàn toàn có thể bỗng chốc trở nên buồn bã, căng thẳng, lo lắng, thậm chí sợ hãi mỗi khi nghĩ đến việc phải bước vào lớp. Thể chất của con cũng có thể bị ảnh hưởng: tinh thần không vui có thể khiến con chán ăn, nhịp sinh học thay đổi - luôn thèm ngủ hoặc thường xuyên gặp ác mộng, ngủ mơ, tỉnh dậy giữa đêm… Con có thể không còn là chính mình, không thể kết giao với bạn bè trong lớp, con lạc lõng và cô đơn.

Những dấu hiệu này có thể xuất hiện khá nhanh, và hầu như đều có thể quan sát và dễ dàng nhận thấy bởi ba mẹ.

Không may là, tác hại không chỉ dừng ở đó, còn có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác mà thậm chí, trong trường hợp con không thể hiện mạnh mẽ những dấu hiệu trên, ba mẹ có thể hoàn toàn không hay biết cho đến khi đã quá trễ.

Bỏ lỡ độ tuổi vàng để phát triển nền tảng tư duy kiến thức: Trong 8 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội, 3 tuổi đến 5 tuổi là giai đoạn xây dựng tính mục đích trong tính cách của trẻ, yếu tố giúp con trở thành một người trưởng thành luôn tiếp tục cố gắng thay vì dễ dàng bỏ cuộc khi gặp thất bại.

Đặc biệt, với việc học ngoại ngữ, 5 tuổi đến 12 tuổi là giai đoạn chìa khóa cho trẻ cảm nhận về năng lực của chính mình. Những hoạt động học tập con được tham gia, những tương tác con nhận được từ giáo viên và bạn cùng lớp trong giai đoạn này đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự tự tin hay lòng ngờ vực, hoang mang của con về năng lực của bản thân mình.

Mất đi cơ hội khám phá bản thân: Những năm tháng trẻ thơ cũng là giai đoạn con như miếng bọt biển, sẵn sàng lĩnh hội mọi điều từ thế giới, sẵn sàng tìm tòi, háo hức với cơ hội học hỏi. Tất cả những kiến thức con được trao dạy, những kỹ năng con rèn luyện sẽ đều được con tiếp nhận và ghi nhớ. Được khuyến khích trải nghiệm càng nhiều, con càng có cơ hội tìm ra thế mạnh và đam mê của chính mình.

Lý do con không thích đi học - 1
Con bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển nếu bố mẹ chọn sai môi trường học (Ảnh: Shutterstock).

Bỏ qua niềm yêu thích học hỏi: Những kiến thức học được trong lớp sẽ không bao giờ là điều quan trọng nhất với các công dân toàn cầu, khả năng tự tìm hiểu thông tin, tinh thần không ngừng học hỏi mới là yếu tố quyết định thành công.

Điều này sẽ không thể có được ở những môi trường khiến con chán ghét và e sợ việc học. Tình yêu với việc học hỏi cần được ươm mầm ngay khi con còn bé xíu và nuôi dưỡng ở những môi trường học tập phù hợp với con, nơi con không chỉ nhận được thông tin, kiến thức, mà còn cả sự khích lệ, cổ vũ con tìm tòi, khám phá.

Làm sao để biết đã chọn đúng?

Vậy làm sao ba mẹ biết mình đã chọn cho con một môi trường học sai hay đúng? Tất nhiên, câu trả lời cốt lõi sẽ luôn là việc ba mẹ giữ được sự kết nối với con, trao đổi và quan sát để có thể kịp thời nhận biết sự phù hợp hay không của môi trường con đang theo học.

Bên cạnh đó, cũng có một vài câu hỏi mà ba mẹ có thể tham khảo để hỏi con hoặc tự suy ngẫm để có thể xác định dễ dàng hơn trường/lớp con đang theo học liệu có ổn không:

Chương trình có đa dạng trải nghiệm không?

Bởi vì mỗi đứa trẻ đều có trí thông minh học tập khác nhau. Có bạn sẽ học tốt hơn nếu học trực tiếp, có bạn lại học trực tuyến, có bạn thích không gian độc lập nghiên cứu, hoặc có bạn thích học qua hình ảnh, có bạn lại học tốt hơn với âm thanh.

Nhưng điều tất yếu là khi con học đến những cấp bậc cao hơn như đại học, chương trình học quốc tế, con sẽ buộc phải sẵn sàng cho những môi trường học đa dạng trên các nền tảng khác nhau.

Vì vậy, thay vì cố định con vào một phương pháp học, đa dạng trải nghiệm sẽ giúp con được nuôi dưỡng tình yêu học tập và có được môi trường học toàn diện.

Thầy cô có những hỗ trợ công nghệ để cá nhân hóa và hỗ trợ kịp thời cho con không?

Công nghệ ngày nay đã trở thành một phần của đời sống. Với sự hỗ trợ của công nghệ, giáo viên có thể đo lường được mọi tương tác của con với bài học (ví dụ như: con làm đúng bao nhiêu bài, con giơ tay phát biểu mấy lần, con tích cực tham gia hoạt động nào trong lớp). Từ đó giáo viên dễ dàng bao quát trong lớp bạn nào đang cần ghi nhận và bạn nào đang cần hỗ trợ cá nhân hóa.

Công nghệ còn giúp người thầy sớm nhận biết đam mê, sở thích của con để có thể cổ vũ và đồng hành cùng con. Cha mẹ nhờ các kết quả học tập minh bạch có thể nắm bắt việc học của con hiệu quả hơn. Đôi khi chúng ta vì chỉ để tâm đến kết quả mà quên mất trên hành trình học tập, con đã nỗ lực ra sao và con cũng cần được bố mẹ thấu hiểu, động viên như thế nào.

Chương trình có tạo niềm yêu thích học hỏi và tạo điều kiện để con học mọi lúc mọi nơi không?

Trẻ yêu thích học hỏi sẽ luôn chủ động tìm tòi, khám phá thế giới quanh con và tiềm năng của bản thân. Thay vì dùng áp lực để ép con học, bố mẹ hãy giúp con có một môi trường học tập coi trọng việc khơi sáng tình yêu học tập của con. Chỉ có tinh thần học hỏi trọn đời, con mới có thể thích nghi và làm chủ những thay đổi sẽ đến với con trong tương lai.

Chương trình có đến từ một tổ chức giáo dục uy tín có thể đảm bảo kết quả đầu ra của học sinh không?

Xác định rõ ràng mục tiêu học tập trước khi bắt đầu sẽ giúp nhà trường, bố mẹ và các con cùng hướng về một đích chung và nỗ lực thực hiện các cam kết này. Vậy nên nếu môi trường học tốt phải là môi trường có đủ tự tin để đưa ra các cam kết đảm bảo kết quả này.

Những tiêu chí này cũng đang được theo đuổi và áp dụng bởi những tổ chức giáo dục hàng đầu luôn tiên phong cải tiến trải nghiệm học tập. Bố mẹ tự đặt những câu hỏi như trên để có cái nhìn toàn diện nhất khi chọn trường cho con hoặc đơn giản là lựa chọn một trung tâm ngoại ngữ, trung tâm học thêm cho con. Bố mẹ cũng có thể tìm hiểu chương trình học Apollo Active của Apollo English để có những góc nhìn rõ hơn về các tiêu chí chọn trường, chọn lớp này.

Tô Hồng Vân

Tô Hồng Vân là tác giả sách/diễn giả; Parental Burnout Professional Practitioner - nhà thực hành chuyên nghiệp trong chẩn đoán và trị liệu cho những cha mẹ kiệt sức; nhà thực hành tham vấn cặp đôi, theo tiếp cận của PREP - Chương trình giáo dục phòng ngừa và nâng cao mối quan hệ cặp đôi - Prevention and Relationship Enhancement Program; chuyên viên tham vấn hôn nhân và gia đình. Bà có gần 15 năm hoạt động trong mảng giáo dục và tâm lý, đặc biệt chuyên sâu trong lĩnh vực phát triển kỹ năng sống cho trẻ em.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm