Luật sư phân tích vụ 2 Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TPHCM bị rút QĐ bổ nhiệm
(Dân trí) - Vụ 2 Phó Hiệu trưởng đại học Y Dược TPHCM vừa bị Bộ Y tế đề nghị nhà trường thu hồi quyết định bổ nhiệm. Đây là vấn đề mới, "nóng" trong vấn đề tự chủ đại học nên được dư luận quan tâm.
Ngày 29/4, Bộ Y tế đã có cuộc họp với Trường ĐH Y Dược TPHCM về việc bổ nhiệm 2 Phó Hiệu trưởng. Biên bản cuộc họp được ban hành ngày 11/5, trong đó, đề nghị Trường ĐH Y Dược TP.HCM chủ động thu hồi quyết định bổ nhiệm ông Ngô Quốc Đạt và ông Hà Mạnh Tuấn.
Được biết, trường ĐH Y Dược TPHCM là trường hoạt động theo cơ chế tự chủ. Để nhìn khách quan hơn về vấn đề này theo khía cạnh thực hiện tự chủ mà các trường đại học đang hướng tới, phóng viên đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng (Văn phòng Luật sư Kim Phụng và cộng sự) chuyên tư vấn các vấn đề giáo dục về vấn đề này.
Phóng viên: Bà nhận định như thế nào về sự việc Bộ Y tế yêu cầu thu hồi quyết định bổ nhiệm 2 Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM vừa qua?
Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng: Tôi được biết Bộ Y tế chỉ đạo Trường ĐH Y Dược TP HCM chủ động thu hồi quyết định bổ nhiệm 2 Phó hiệu trưởng (PHT) và kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo Bộ Y tế.
Tôi thực sự tiếc cho Trường ĐH Y Dược TPHCM về việc này vì tôi biết đây là cơ sở đào tạo y dược tốt, có uy tín, có đội ngũ cán bộ lãnh đạo và giảng viên chất lượng, tâm huyết trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nhà trường… Sự việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến trường, và đến cả hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) trong thời gian đầu thực hiện tự chủ.
Để nhận định chính xác các quyết định bổ nhiệm các PHT của Trường ĐH Y Dược TP HCM và yêu cầu thu hồi quyết định bổ nhiệm của Bộ Y tế có đúng hay sai thì cần phải có rất nhiều điều kiện như: cần phải có hồ sơ thực tế để phân tích các khía cạnh pháp lý chi tiết từ tiêu chuẩn, quy trình thực hiện, thành phần tham gia, việc sử dụng kết quả của các bước trong thực hiện quy trình và thẩm quyền ký các quyết định…
Phải đối chiếu hồ sơ với các quy định của nhiều lĩnh vực pháp luật như: hệ thống Luật GDĐH (trực tiếp là Luật GDĐH Nghị định số 99/2019/NĐ-CP), hệ thống Luật Viên chức (trực tiếp là Nghị định số 115/2020/NĐ-CP), các quy định có liên quan của Đảng và Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà trường.
Từ đó, mới có thể đánh giá được chỗ nào đúng, chỗ nào sai trong quá trình tiến hành bổ nhiệm các PHT của Trường. Nếu sai về bản chất, làm thay đổi kết quả của từng quy trình và dẫn đến thay đổi kết quả sự việc thì việc giải quyết hậu quả sẽ khác với việc sai những chi tiết không làm thay đổi bản chất và kết quả sự việc, nếu làm lại thì chỉ có ý nghĩa trong hoàn thiện hồ sơ chứ không thay đổi kết quả sự việc.
Vì không có hồ sơ thực tế nên các nhận định của chúng tôi chỉ trên cơ sở thông tin từ các phương tiện truyền thông và các quy định hiện hành và chỉ có thể giả thiết nếu các thông tin đó là chính xác và đầy đủ.
Cơ sở pháp lý để nhà trường bổ nhiệm?
Phóng viên: Vậy đứng theo khía cạnh về Luật giáo dục đại học và tự chủ đại học, theo Luật sư sự việc như thế này nhìn nhận như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng: Nếu chỉ căn cứ vào các quy định của pháp luật và đối chiếu với tình hình thực tế của nhà trường thì có thể thấy ở thời điểm trước khi bổ nhiệm hai PHT này, lãnh đạo Trường ĐH Y Dược TPHCM có Hội đồng trường và chỉ một PHT phụ trách.
Vì vậy, đúng nhất là HĐT phải ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động, căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan và Quy chế tổ chức và hoạt động để thực hiện quy trình quyết định nhân sự hiệu trưởng, sau đó sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm các PHT.
Tuy nhiên, việc nhà trường thực hiện quy trình bổ nhiệm PHT trước cũng vẫn có cơ sở pháp lý.
Điều 5 của Nghị định 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ quy định: Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước ... cũng phải thực hiện chế độ trách nhiệm như người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước.
Chắc Bộ Y tế cũng đã tính đến những quy định này nên khi nhận được thông tin về bổ nhiệm PHT, Bộ Y tế đã chỉ đạo Trường rà soát toàn bộ điều kiện, quy trình bổ nhiệm PHT trước khi ký quyết định và công bố chứ không chỉ đạo dừng bổ nhiệm PHT để quyết định nhân sự hiệu trưởng trước.
Các phương tiện truyền thông cũng thông tin về việc Bộ Y tế phân tích, chỉ đạo, kết luận về các vấn đề từ tiêu chuẩn đến quy trình, người tham gia quy trình bổ nhiệm PHT… chứ không chỉ căn cứ vào Luật GDĐH để chỉ đạo phải quyết định nhân sự Hiệu trưởng trước.
Vì vậy, vận dụng quy định của nghị định 157/2007 nêu trên và kết hợp với các quy định hiện hành, nếu thực hiện đúng các việc:
- PHT đang được giao phụ trách trường thực hiện quyền của hiệu trưởng đã được Luật GDĐH và Nghị định số 157 nêu trên quy định để đề nghị bổ nhiệm các PHT khác để giúp việc cho mình;
- Nhà trường đã quán triệt việc bổ nhiệm PHT là để nhanh chóng có người giúp việc cho một PHT phụ trách duy nhất; sau này, khi đã bổ nhiệm Hiệu trưởng theo đúng quy định của Luật GDĐH thì Hiệu trưởng đó vẫn có quyền giới thiệu PHT để HĐT bổ nhiệm trong nhiệm kỳ của mình.
- Các PHT được bổ nhiệm đủ tiêu chuẩn và đúng quy trình thì cách làm của Trường vẫn có cơ sở pháp lý và chấp nhận được.
Như vậy, trong điều kiện hệ thống pháp luật còn nhiều quy định đan xen, vẫn đồng thời có hiệu lực pháp luật... thì việc bổ nhiệm PHT trước khi thực hiện quy trình quyết định nhân sự hiệu trưởng là việc Trường đã không dựa vào văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất là Luật GDĐH để chọn con đường thẳng nhất mà có thể đã dựa vào văn bản có hiệu lực pháp lý thấp hơn (nhưng vẫn đang còn hiệu lực và không mâu thuẫn với các văn bản khác) để chọn con đường vòng, chứ không phải là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Luật giáo dục đại học không quy định cụ thể về tiêu chuẩn phó hiệu trưởng?
Phóng viên: Các Phó hiệu trưởng được bổ nhiệm đủ tiêu chuẩn và đúng quy trình thì cách làm của Trường vẫn có cơ sở pháp lý và chấp nhận được, luật sư phân tích kỹ hơn về vấn đề này?
Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng: Về giả thiết (1) PHT phụ trách đề xuất bổ sung các PHT, qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết việc bổ nhiệm hai PHT mới không được PHT phụ trách trường đề nghị trực tiếp với HĐT. Điều đó chưa đúng với quy định của Luật GDĐH và Nghị định số 157/2007.
Tuy nhiên, quy trình thực tế được nhà trường thực hiện đã thể hiện ý chí của PHT phụ trách này với tư cách là một thường vụ Đảng ủy: đồng ý bổ sung hai PHT.
Với tình tiết này, nếu thực hiện lại mà PHT phụ trách vẫn giữ nguyên quan điểm như với tư cách là một thường vụ Đảng ủy, tiếp tục đề xuất bổ nhiệm 2 PHT… thì việc sai về quy trình của nhà trường không làm thay đổi bản chất vụ việc.
Về giả thiết (2) lý do bổ nhiệm PHT là để nhanh chóng có người giúp việc cho một PHT phụ trách duy nhất; sau này, khi đã bổ nhiệm Hiệu trưởng theo đúng quy định của Luật GDĐH thì Hiệu trưởng đó vẫn có quyền giới thiệu PHT để HĐT bổ nhiệm trong nhiệm kỳ của mình: qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết nội dung này đã được thể hiện trong cuộc họp Hội đồng trường, khi Chủ tịch HĐT giải trình ý kiến của đại diện của Bộ chủ quản nêu việc phải thực hiện quy trình đối với hiệu trưởng trước. Đó cũng là lý do thuyết phục đại diện cơ quan chủ quản trong HĐT để vị đại diện này chấp nhận việc bổ nhiệm 2 PHT trước.
Về giả thiết (3) các PHT được bổ nhiệm đủ tiêu chuẩn và đúng quy trình: qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết có 1 PHT được cho rằng không đủ tiêu chuẩn về kinh nghiệm quản lý do Quy chế tổ chức hoạt động của Trường quy định. Nếu các tiêu chuẩn khác (chính trị, trình độ TS, ngành đào tạo, tuổi…) đã đáp ứng thì có thể bàn về tiêu chuẩn kinh nghiệm quản lý của PHT như sau:
Luật GDĐH không quy định cụ thể về tiêu chuẩn PHT mà trao quyền tự chủ cho các trường được quy định trong Quy chế của Trường.
Quy chế của Trường ĐH Y Dược TPHCM quy định về cụ thể về kinh nghiệm quản lý của PHT là "Đã tham gia quản lý cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên ở cơ sở giáo dục đại học hoặc tương đương ít nhất 05 năm".
Như vậy, Quy chế của Trường không quy định về thời gian có "kinh nghiệm quản lý GDĐH" mà quy định về thời gian tham gia quản lý từ cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên ở trường ĐH và cả ở loại cơ quan tương đương với cơ sở GDĐH.
Vấn đề đặt ra là cơ sở nào tương đương với cơ sở GDĐH? Cấp nào tương đương với cấp bộ môn? Do quy chế không quy định rõ nên những câu hỏi này cần phải bàn và thống nhất khi thực hiện tại các bước 1 (tập thể lãnh đạo) và bước 2 (tập thể lãnh đạo mở rộng) của quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý.
Theo quy định tại Nghị định 115/2020 thì các bước 1 và 2 trong quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý đều phải thảo luận về "tiêu chuẩn, điều kiện" nhân sự bổ nhiệm.
Trong trường hợp này, có thể ví dụ về cách giải thích: cơ sở tương đương với cơ sở GDĐH là các đơn vị thuộc Bộ hoặc cơ quan sự nghiệp trực thuộc cấp Bộ; cấp tương đương với cấp bộ môn là cấp nằm trong cấp phòng/khoa hoặc tương đương trong các cơ quan, đơn vị trên… Nếu cộng lại, đủ 5 năm thì vẫn đủ tiêu chuẩn mà nhà trường đã đề ra.
Trường ĐH Y Dược TP HCM thực hiện không đúng quy định
Phóng viên: Theo như trả lời trên truyền thông, Bộ chủ quản có ý kiến về việc Trường thực hiện sai các quy trình: Đảng ủy đề xuất Hội đồng trường (HĐT), không phải là PHT phụ trách đề xuất HĐT về việc bổ nhiệm 2 PHT; Phó chủ tịch HĐT không thuộc thành phần tham dự hội nghị tập thể lãnh đạo; Đảng ủy định hướng nhân sự trong bước 1 và bước 2 của quy trình. Luật sư nghĩ như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng: Vấn đề không thực hiện việc PHT phụ trách đề xuất bổ nhiệm hai PHT khác đã được phân tích ở trên.
Vấn đề Phó chủ tịch HĐT không thuộc thành phần tham dự hội nghị/cuộc họp của tập thể lãnh đạo trong quy trình bổ nhiệm thì chúng tôi không cho là sai phạm; thể hiện ở các lý do sau:
Nghị định số 115/2020 quy định thành phần của tập thể lãnh đạo gồm: "Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ" và quy định "căn cứ vào… điều kiện cụ thể của đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức quy định cụ thể thành phần tham dự các bước trong quy trình bổ nhiệm các chức danh viên chức quản lý thuộc phạm vi phụ trách".
Đối chiếu với vị trí PHT: PHT do Hiệu trưởng đề xuất và đánh giá hoạt động, do Hội đồng trường (HĐT) bổ nhiệm, bãi nhiệm… nên Trường là cơ quan có thẩm quyền quản lý PHT. Theo quy định trên thì Nhà trường có quyền quy định cụ thể về thành phần tham dự các bước trong quy trình bổ nhiệm PHT.
Nếu Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường quy định thành phần bước này có Phó Chủ tịch HĐT thì việc tham gia của Phó chủ tịch HĐT là đúng thành phần và phù hợp với pháp luật.
Ngoài ra, Luật GDĐH quy định Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan; Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 của Đảng quy định "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học"… thì việc quy định Phó chủ tịch HĐT tham gia cuộc họp/hội nghị của tập thể lãnh đạo nhà trường, cùng với Hiệu trưởng, các PHT và trưởng phòng Tổ chức nhân sự là phù hợp với quyền tự chủ của trường ĐH, đúng vị thế của HĐT và cần thiết.
Vấn đề đảng ủy định hướng nhân sự trong bước 1 và bước 2 là lỗi sai không phải là hiếm gặp trên thực tế; khi giải quyết, khắc phục hậu quả cần chia thành các mức độ: Nếu chỉ thông tin về danh sách nhân sự trong trường đủ tiêu chuẩn, danh sách quy hoạch… thì đó là việc cần làm và không gọi là định hướng nhân sự. Nếu phát biểu tại Hội nghị thể hiện quan điểm về nhân sự của đảng ủy là lỗi định hướng thường gặp và không quá nghiêm trọng.
Nếu thể hiện trong phiếu giới thiệu nhân sự và trong đó không có chỗ và không hướng dẫn cho người giới thiệu được tự do giới thiệu người khác đủ tiêu chuẩn là rất nghiêm trọng… Vì vậy, tùy theo tình hình thực tế mà đánh giá lỗi này ở mức độ khác nhau, nếu thấy sai phạm đó tác động đến kết quả thì có thể là lý do yêu cầu thu hồi quyết định bổ nhiệm.
Tự phân tích trên, chúng tôi không phủ nhận và rất tiếc về những việc quan trọng nhưng Trường ĐH Y Dược TP HCM thực hiện không đúng quy định nhưng nếu Bộ chủ quản (trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình trong HĐT) chỉ đạo sớm việc HĐT thực hiện quy trình quyết định nhân sự hiệu trưởng trước, bổ nhiệm PHT sau; giám sát ngay khi nhận được quy định nội bộ, báo cáo của nhà trường và có chỉ đạo kịp thời, quyết liệt về những nội dung chưa chuẩn xác trong quy định và việc thực hiện các quy định của Trường… thì hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, khi giải quyết hậu quả của một sự việc đã rồi thì lại phải căn cứ vào tất cả các quy định có liên quan, vào hiện trạng… để cân nhắc kỹ và đánh giá tác động nhiều chiều để chỉ đạo nhà trường, quan trọng là để khắc phục hậu quả và giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị của những viên chức có liên quan.
Có thể thực hiện lại quy trình
Phóng viên: Trường ĐH Y Dược TP HCM là trường được tự chủ tại sao không được quyền bổ nhiệm? Bộ Y tế làm như vậy có đúng vai trò của mình không? Theo luật sư, với những trường hợp như thế này thì giải pháp nào là hợp lý nhất.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng: Chỉ đạo của Bộ Y tế không phải dẫn đến tình trạng "trường tự chủ không được quyền bổ nhiệm" mà Trường vẫn được quyền bổ nhiệm PHT nhưng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và quy định của chính nhà trường.
Các phương tiện truyền thông đưa tin Bộ Y tế yêu cầu Trường chủ động thu hồi quyết định bổ nhiệm các PHT, có biên bản kiểm điểm, báo cáo Ban cán sự Đảng của Bộ cũng là đúng vai trò của cơ quan chủ quản đối với trường công lập tự chủ trực thuộc; là phù hợp nếu vi phạm của Trường bị đánh giá ở mức độ nghiêm trọng, có động cơ mục đích không tốt, dẫn đến thay đổi kết quả sự việc.
Chúng tôi cho rằng việc tìm ra giải pháp xử lý hậu quả vi phạm của Trường một cách hợp lý chỉ thực hiện được khi có hồ sơ vụ việc và nắm bắt các tình tiết đầy đủ. Việc nhận định qua "nghe nói" có thể sẽ không đủ tin cậy.
Tuy nhiên, là Công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật về giáo dục, với mong muốn đẩy mạnh tự chủ đại học trong điều kiện pháp luật phải được các bên hiểu đúng và tôn trọng, chúng tôi hy vọng cơ quan chủ quản cân nhắc kỹ dưới nhiều góc độ, chủ yếu là các quy định của pháp luật, quy định nội bộ thuộc quyền tự chủ của trường; xác định thẩm quyền xử lý, đánh giá mức độ vi phạm, các giải pháp có thể áp dụng và tác động của từng giải pháp…
Tùy theo mức độ vi phạm thể hiện trên hồ sơ và thực tế, cân nhắc động cơ vi phạm… để nếu nặng thì yêu cầu Trường thu hồi quyết định hoặc hủy quyết định đã ban hành; nếu chỉ là nhận thức pháp luật chưa đúng trong thời gian đầu tự chủ, không có động cơ mục đích không tốt hay lợi ích nhóm… thì yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm, có thể để Trường tạm dừng thực hiện quyết định để thực hiện quy trình ban hành quyết định khác thay thế các quyết định được ban hành chưa đúng…
Nếu lựa chọn được mức độ xử lý phù hợp, có sức thuyết phục, có tình, có lý… thì vừa xử lý, khắc phục được hậu quả vi phạm vừa giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến nhà trường, đến quá trình tự chủ ĐH và sinh mạng chính trị của những người không vi phạm; quan trọng nhất là tạo điều kiện cho Trường nhận thức và thực hiện đúng quy định của pháp luật, chuẩn chỉnh lại các quy định nội bộ, đoàn kết và phát triển.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn luật sư!