Lửa ấm phương xa, thắp cùng miền bão

(Dân trí) - “Chúng tôi, những người con xa quê, vẫn đều đặn hằng ngày dõi theo tin tức nơi đất mẹ. Qua các thông tin báo chí, các thước phim mới quay còn nóng hổi về hai cơn bão Wutip và Nari đi qua khúc ruột miền Trung, mà lòng ai cũng chùng xuống…”.

Sáng sớm ngày 26/10/2013, bốn cô gái nhỏ kéo theo valy hành lý đồ thủ công tiến vào trung tâm thành phố Bonn. 7 giờ sáng thứ Bảy, màn đêm vẫn nhập nhèm phủ lên bầu trời và con đường lác đác bóng người. Cơn mưa từ đêm hôm trước khiến cho khí trời hơi lạnh và ẩm. Tìm kiếm được một chỗ đứng thoáng và rộng rãi, mấy chị em bắt đầu sửa soạn, bày biện đồ đạc.

 

Gian hàng được dọn ra từ tờ mờ sáng - Ảnh: Ngọc Hưng
Gian hàng được dọn ra từ tờ mờ sáng - Ảnh: Ngọc Hưng



9 giờ, trời sáng dần và bắt đầu có người qua lại. Mở hàng cho chúng tôi là một bác trung niên người Đức. Bác đã từng ở Việt Nam, và cũng nghe nhiều câu chuyện về dải đất miền Trung lam lũ. Tuy chưa từng trực tiếp chứng kiến và trải qua sự việc, nhưng hiện rõ trên gương mặt bác ấy là lòng trắc ẩn và cảm thông với khúc ruột miền Trung.

 

Khởi đầu từ ý tưởng bán chuồn chuồn tre do một nghiên cứu sinh ở Soest mang sang, những bàn tay vốn quen với bút, với máy tính của những cô gái trẻ thành Bonn lại thử sức mình với những tấm thiệp tự làm, những chiếc bookmark nhỏ xinh. Lòng nhiệt tình ấy còn được mang theo trong hành lý đầy ắp thiệp, móc khóa, búp bê từ thành phố Stuttgart xa xôi.
 
Từ Leipzig, Freiburg, những thùng rổ, rá, đồ len móc, đồ trưng bày cũng được gửi về Bonn, bạn bè từ khắp các thành phố trong tiểu bang Nordrhein-Westfalen, Đức như Dortmund, Duisburg, Düsseldorf, Wuppertal, Soest, Essen…, cũng tập hợp tại đây để cùng nhau góp sức.

 
Mặt đất vẫn ẩm ướt, trời gió to và nhiều mây. Chúng tôi chỉ hy vọng hôm nay đừng mưa để việc bán hàng diễn ra suôn sẻ. Các chị trong nhóm còn nghĩ ra sáng kiến, đó là mặc áo dài đứng quầy hàng để thu hút sự chú ý của người đi đường. Hai tiếng đầu mới chỉ lác đác vài khách hỏi thăm, phần lớn vẫn là anh chị em, bạn bè người Việt ở Bonn đến ủng hộ…

 

Gian hàng được dọn ra từ tờ mờ sáng - Ảnh: Ngọc Hưng

Những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo của Việt Nam làm hài lòng cả những vị khách Đức khó tính nhất. Thậm chí có người mua đồ buổi sáng, đầu giờ chiều còn vội vã đạp xe quay lại để mua thêm. Ảnh: Ngọc Hưng



Quyết không chịu đứng im một chỗ đợi khách tới, các anh bắt đầu đứng thổi sáo từ chú chim sứ nhỏ, các chị em trên tay đủ sắc chuồn chuồn tre, để thu hút khách. Các món hàng nhờ đó cứ dần dần vơi đi.

 

Không chỉ là khách mua hàng, các anh chị, cô chú người Việt đang sinh sống và làm việc tại đây cũng đến hỗ trợ chúng tôi. Những chiếc bánh còn nóng hổi vội trao, nhưng vì đông khách mà mãi quá chiều mới được bỏ vào bụng, cũng đủ làm cả nhóm thêm ấm lòng.

“Các cháu làm công việc này ý nghĩa đấy, nhưng tiền bán được các cháu chuyển cho miền Trung bằng cách nào? Qua các đoàn hội trung gian liệu có đến được tận tay người dân không?”, một chú ở Bonn đã gần 30 năm nay thắc mắc với chúng tôi.

 

Kể cho khách những câu chuyện miền Trung. Ảnh: Ngọc Hưng

Kể cho khách những câu chuyện miền Trung. Ảnh: Ngọc Hưng



 "Tiền bán được hàng và quyên góp bọn cháu có người ở Việt Nam sẽ mua đồ mang tới tận tay người dân chú ạ”. "Nếu được thế thì tốt quá, chú ủng hộ các cháu nhiệt tình”, không ngần ngại, chú nhét vội số tiền khá lớn vào hộp "nhận yêu thương” ấy.

 

Ngay cả những người khách trên đất nước lạ lẫm xa xôi này, có những người đã từng đặt chân tới Việt Nam, có người mới chỉ nghe tên, nhưng khi đọc thông tin về chương trình, cũng như xem đoạn phim chúng tôi trình chiếu, họ cũng nán lại.

 

Gửi nắng về miền mưa bão. Ảnh: Ngọc Hưng
Gửi nắng về miền mưa bão. Ảnh: Ngọc Hưng


Càng về chiều, những tia nắng kéo về càng nhiều, xua tan hết những đám mây nặng trĩu của buổi sáng sớm, như một chị trong nhóm vẫn giới thiệu với những vị khách Đức tới với gian hàng chuồn chuồn của chúng tôi: “Ở Việt Nam có câu: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.  Hôm nay, với những con chuồn chuồn này, chúng tôi hy vọng sẽ chỉ mang nắng ấm về với miền Trung thân yêu, để phần nào xoa dịu được những mất mát từ hai cơn bão tàn khốc vừa đi qua!”.
 

Tại gian hàng của chúng tôi không có món đồ nào được bán, hay được mua bằng những đồng tiền vô tri vô giác cả, tất cả đều là cho và nhận từ những trái tim đầy tình thương. Ở xứ sở lạnh giá của phương Tây xa xôi này, hay dưới làn nước lũ giá băng mà hai cơn lũ tàn khốc kia để lại, thì trái tim con người vẫn đủ hơi ấm để truyền nhiệt và sức sống cho nhau.

 

Kim Phượng

Từ Bonn, Đức