Nhân tài Đất Việt 2005:
“Lớp trẻ Việt Nam đầy tiềm năng và triển vọng”
(Dân trí) - Ông Phạm Huy Hoàn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2005 đã nói về giới trẻ Việt Nam như vậy vì trí tuệ và vì những gì họ đã thể hiện trong sản phẩm tham gia cuộc thi.
Thưa ông, vốn từng là Trưởng ban tổ chức cuộc thi Trí tuệ Việt Nam và nay lại là Trưởng ban tổ chức cuộc thi Nhân tài Đất Việt. Vậy, hai cuộc thi có phải là “anh em”?
Ông Phạm Huy Hoàn: Mặc dù hai cuộc thi đều thuộc về lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông nhưng Nhân tài Đất Việt có nhiều điểm khác cơ bản so với Trí tuệ Việt Nam. Nhân tài Đất Việt có nhiều nét “mở” hơn so với Trí Tuệ Việt Nam.
Điểm khác biệt giữa Nhân tài Đất Việt và các cuộc thi cùng lĩnh vực là tính chất mở rộng. Các thí sinh của Nhân tài đất Việt không bị hạn chế bởi tuổi tác, ngành nghề. Sản phẩm dự thi không chỉ có phần mềm mà còn cả phần cứng, giải pháp mạng... và phải được hoàn thiện. Ngoài ra, sản phẩm phải có khả năng ứng dụng trong thực tế cao.
Được biết, BGK đã chọn ra 14 sản phẩm trong tổng số 174 sản phẩm dự thi. Vậy, BGK dựa vào tiêu chí nào để đánh giá chính xác từng sản phẩm?
Hội đồng Giám khảo đã tiến hành đánh giá sản phẩm trên thang điểm tối đa 100 cho 4 tiêu chí: Tính hiệu quả, Tính ứng dụng và phổ biến, Tính sáng tạo khoa học, Tính hoàn thiện. Đây sẽ là những tiêu chí công bằng cho tất cả các sản phẩm của tập thể cũng như các cá nhân.
BTC cuộc thi đã có những biện pháp nào để tránh việc vi phạm bản quyền trong các sản phẩm, thưa ông?
Tất nhiên, để tránh xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền, BTC đã yêu cầu các thí sinh phải có bản cam kết bằng văn bản là không vi phạm bản quyền. Chúng tôi đã công khai đưa lên mạng những sản phẩm dự thi để mọi người cùng tham gia giám sát tính hợp pháp của sản phẩm. Mọi người quan tâm có thể tham khảo tại địa chỉ: Nhantaidatviet.com.vn.
Trong vòng Chung khảo, công tác chấm thi của Hội đồng Giám khảo sẽ được tổ chức theo phương pháp chấm tập trung, chấm chéo, lấy ý kiến phản biện từ các chuyên gia ngoài hội đồng. Điểm đặc biệt là trong vòng chung khảo các thí sinh sẽ về Hà Nội để thuyết trình về sản phẩm dự thi của mình trực tiếp trước Hội đồng giám khảo, bảo vệ những vấn đề do phản biện nêu ra, trình bày về quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm...
Theo ông, 14 sản phẩm đã lọt vào vòng chung khảo có tính thực tiễn như thế nào?
BGK chịu trách nhiệm về việc đánh giá sản phẩm. Còn tôi hy vọng các sản phẩm đoạt giải sẽ đạt được 4 tiêu chí của cuộc thi, đặc biệt là tính ứng dụng và tiềm năng ứng dụng rộng rãi.
Ông đánh giá như thế nào về trí tuệ con người Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ trên con đường hội nhập và phát triển?
Qua hai cuộc thi Nhân tài Đất Việt và Trí tuệ Việt Nam, tôi cho rằng, lớp trẻ của chúng ta có rất nhiều tiềm năng và triển vọng. Điều này được chứng tỏ qua các sản phẩm tham gia dự thi. Cả hai cuộc thi đều nhận được sự quan tâm của các thí sinh ở những nước có nền CNTT phát triển, như Mỹ, Pháp, Singapore… nhưng rất ít sản phẩm lọt vào vòng chung khảo. Rõ ràng, thí sinh của chúng ta đã biết sáng tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao để dễ dàng vận dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện tượng “chảy máu chất xám” đang diễn ra khá phức tạp. Điều này có phải do chúng ta chỉ chú trọng đến việc phát hiện nhân tài chứ không sử dụng nhân tài?
Đúng như vậy, hiện tượng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài hoặc từ cơ quan Nhà nước sang các công ty nước ngoài đang làm nhà nước “đau đầu”. Tuy nhiên, việc sử dụng nhân tài là vấn đề lớn, nó liên quan đến chế độ, chính sách và quan niệm, thái độ của các cấp, các ngành.
Xin báo một tin vui rằng, cuộc thi Nhân tài Đất Việt đã được các doanh nghiệp CNTT đặc biệt quan tâm. Công ty VDC, IDG Ventures, Vườn ươm ý tưởng FPT, Công ty công nghệ thông tin Big Link (TPHCM) đã gửi thư tới Ban tổ chức và sẵn sàng hỗ trợ số tiền tương đối lớn cho các sản phẩm có tính ứng dụng cao và phát triển được.
P.V