Quảng Ngãi:

Lớp học miễn phí của những thầy giáo làng

(Dân trí) - Suốt gần 4 tháng nay, một lớp học miễn phí tại thôn Thọ Trung (xã Tịnh Thọ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) do Hội Cựu giáo chức xã lập nên đã và đang chắp cánh cho ước mơ được học chữ của những học trò thiệt thòi nơi đây.

Đó là một lớp học với 10 em học sinh với độ tuổi từ 7 đến 22, mỗi em mang những khiếm khuyết khác nhau. Trước khi đến lớp học, các em đều không biết đọc, biết viết và đa phần bị suy giảm trí nhớ. Các thầy cô giáo về hưu ở đây đã tình nguyện dạy chữ với mong muốn giúp các em vơi đi những thiệt thòi bất hạnh và hòa nhập với cộng đồng.
 
“Lớp học đặc biệt” của những thầy giáo làng
"Lớp học đặc biệt" do các thầy, cô giáo đã về hưu mở dạy miễn phí cho học trò khuyết tật ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.

Chương trình mà các em được học là Toán, Văn, kỹ năng giao tiếp, hòa nhập cộng đồng... Việc giảng dạy cho các em gặp nhiều khó khăn vì trí nhớ của các em kém, có em không nghe được, không nói được... Thế nhưng các thầy, cô giáo vẫn nhiệt tình giảng dạy để các em hiểu và nhớ lâu.

Thầy Bùi Tấn My đang hướng dẫn em Phạm Xuân Tiên làm toán
Thầy Bùi Tấn My đang hướng dẫn em Phạm Xuân Tiên làm toán.

Thời gian đầu mở lớp, các thầy, cô giáo phải đến từng gia đình vận động thì phụ huynh mới chịu đưa con của mình đi học. Nhưng đến nay nhiều em đã có sự tiến bộ rõ rệt. Các em đã biết đọc, viết làm toán... Hơn nữa đến trường các em cũng được làm quen với bạn bè, tiếp xúc với thế giới bên ngoài và vơi đi mặc cảm, tủi thân. Vì vậy, phụ huynh cũng đã an tâm hơn khi đưa con mình đến lớp.

Thầy Bùi Tấn My đang hướng dẫn em Phạm Xuân Tiên làm toán
Thầy Nguyễn Duy Thành (năm nay 63 tuổi) đang kèm cặp học sinh và có cả phụ huynh bên cạnh cùng hướng dẫn.

Ông Phạm Đình Rân (ở thôn Thọ Bắc, Tịnh Thọ, Sơn Tịnh), phụ huynh của em Phạm Xuân Tiến (12 tuổi, bị bệnh động kinh) tâm sự: "Cháu cũng đã đến trường học nhưng do bị bệnh nên không theo kịp bạn bè phải nghỉ học. Tôi rất muốn cháu biết cái chữ và hòa nhập với cuộc sống bằng bạn bằng bè nên dù ở xa và bận công việc tôi cũng bỏ hết chở cháu đến đây, chờ cho nó học xong đưa về. Từ khi đi học tôi thấy cháu rất vui, mỗi buổi sáng đi học là dạy rất sớm, chuẩn bị sách vở và giục tôi chở đến lớp".

Chính sự đam mê, tình thương của những thầy cô giáo ở đây đã giúp các em có nghị lực để đến trường đều đặn. Tình cảm giữa các thầy, cô và các em ngày càng gắn bó hơn. Vào các ngày 2, 4, 6, lớp học đặc biệt này vẫn sôi nổi tinh thần dạy và học không kém gì những lớp học khác. Niềm vui được đến trường, học chữ của các em đã thôi thúc các thầy, cô giáo ở đây thêm quyết tâm hơn để tiếp tục mang con chữ đến với những đứa trẻ kém phần may mắn này.

Thầy Nguyễn Duy Thành, năm nay đã 63 tuổi, vẫn đều đặn đến dạy học cho các em cho biết: Việc dạy học cho các em gặp rất nhiều khó khăn nhọc nhằn vì độ tuổi và trình độ hiểu biết của bọn trẻ không đồng đều, có em còn không ý thức được hành vi của mình. Nhiều em lúc mới đến không biết chữ, biết viết, không chịu tiếp thu bài giảng nhưng giờ đã tiến bộ. Nhiều em viết chữ rất đẹp, làm được bài tập đã giao. Thầy mong muốn chính quyền, xã hội tạo điều kiện xây dựng trường học, sách vở, bàn ghế cho các em và kéo dài thời gian giảng dạy đồng bộ hơn.

Thầy Bùi Tấn My đang hướng dẫn em Phạm Xuân Tiên làm toán
Các thầy, cô giáo vẫn mong học trò có được một phòng học tốt hơn phòng học tạm bợ hiện tại với những bàn ghế sơ sài, cũ kỹ.

Lớp học bắt đầu từ tháng 11/2013 tới nay, vẫn chỉ là một phòng học đã xuống cấp, với những bàn ghế sơ sài, cũ kỹ. Điều này làm cho các thầy, cô giáo ở đây lúc nào cũng lo lắng vì không biết có thể tiếp tục nối dài ước mơ học chữ cho các em hay không. Ông Trần Đình Vương - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã trăn trở: Các thầy cô giáo ở đây là những người đã về hưu, có người là cựu chiến binh nhưng lại rất nhiệt tình, họ tình nguyện vượt đường xa đến đây để dạy cho các em. Khó khăn rất nhiều vì dù gì các em cũng là những đứa trẻ khuyết tật về nhiều thứ. Chúng tôi vẫn đang cố gắng để có được một phòng học để tiếp tục dạy dỗ giúp các em trở thành người có ích”.

Bích Ngân - Hồng Hiếu