Lớp dạy tiếng Anh miễn phí của “giáo sư” 12 tuổi
(Dân trí) - 9 tuổi, Trần Lê Hữu Giỏi đã tự mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các bạn cùng độ tuổi, em được các bạn trìu mến gọi bằng “thầy” Giỏi, “giáo sư” Giỏi . Năm nay 12 tuổi, Giỏi đã có thâm niên đứng lớp 3 năm, các “học trò” nhận xét "thầy" Giỏi dạy dễ hiểu nhưng hơi nghiêm.
3 tuổi học tiếng Anh
Mấy năm nay, người dân khối 3, phường Quán Bàu (Tp Vinh, Nghệ An) đã quen với một lớp học tiếng Anh miễn phí của em Trần Lê Hữu Giỏi (sinh năm 2002). Được mọi người trìu mến gọi là “giáo sư”, Giỏi năm nay 12 tuổi nhưng đã có thâm niên đứng lớp 3 năm, các “học trò” nhận xét là "thầy" Giỏi dạy dễ hiểu nhưng hơi nghiêm.
Giỏi vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống “gõ đầu trẻ”. Từ ông nội, ông bà ngoại đến bố mẹ Giỏi đều là nhà giáo. Mẹ Giỏi là giáo viên tiếng Anh ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh nên ngay từ nhỏ, cậu bé đã được tiếp xúc với ngoại ngữ này. Anh Trần Hữu Tài - bố Giỏi kể: “Trong xu thế hội nhập thì Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh rất quan trọng nên gia đình cũng cho cháu tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm, lúc đó Giỏi 3 tuổi. Dù rất nhỏ nhưng Giỏi có hứng thú đặc biệt với Ngoại ngữ này. Ban đầu chỉ là những từ vựng đơn giản sau tăng dần. Khi cháu đã có một vốn từ vựng kha khá thì mẹ cháu chuyển sang dạy cấu trúc, ngữ pháp”.
Mỗi ngày, mẹ Giỏi đều dành một khoảng thời gian để dạy con từ mới. Giỏi sẽ viết từ ra giấy rồi học thuộc, viết đi viết lại nhiều lần. Để trau dồi khả năng giao tiếp, Giỏi đề nghị mẹ một tuần phải dành ra một ngày để hai mẹ con trò chuyện, trao đổi hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ngoài ra, bố mẹ Giỏi còn cho con tới các trung tâm Anh ngữ do người bản địa giảng dạy để em có điều kiện giao tiếp và thực hành nhiều nhất có thể.
Năm học 2013-2014, Trần Lê Hữu Giỏi giành huy chương Đồng Olympic tài năng tiếng Anh toàn quốc. Trước đó, tại cuộc thi OIE (tiếng Anh qua mạng), Giỏi xuất sắc giành huy chương Vàng. |
9 tuổi mở lớp dạy tiếng Anh
Con đường đến với “sự nghiệp gõ đầu trẻ” của “giáo sư” Giỏi cũng khá tình cờ. Ở gần nhà Giỏi có bạn Trần Mạnh Trí, học cùng lớp. Trí học không tốt tiếng Anh nên thường sang nhà hỏi Giỏi, nhờ Giỏi ra bài tập về làm rồi lại mang sang để Giỏi giải đáp. Dần dần, các bạn khác, thậm chí các anh chị lớn tuổi hơn cũng mang bài sang nhờ Giỏi chỉ cho. Một bạn, hai bạn, Giỏi có thể giải đáp chứ đến 6-7 bạn thì quỹ thời gian học tập của Giỏi cũng bị ảnh hưởng. Vậy là cậu chàng tập trung mọi người lại vào một giờ để giải đáp luôn thể. Lớp học cũng hình thành từ đó.
Lần đầu tiên chứng kiến con trai dạy các bạn học, anh Tài vẫn còn nhớ như in: “Lạ là thay vì chơi đùa như bình thường thì lũ trẻ lại kéo nhau lên tầng 3 và… im phăng phắc. Tôi tò mò lên xem thì thấy con trai mình đang dạy tiếng Anh cho các bạn. Chiếc bảng cao quá (bảng để bố mẹ Giỏi dạy phụ đạo cho một số học sinh - PV), cậu chàng phải trèo cả lên ghế để viết. Tôi cũng ngạc nhiên là Giỏi có phương pháp dạy khá khoa học. Lớp của Giỏi có các anh chị lớn tuổi, có bạn cùng lớp, có em kém tuổi hơn. Giỏi chia bảng thành 3 cột, mỗi cột tương ứng với trình độ của các nhóm “học trò”.
Thấy việc làm của con vừa để tự rèn luyện khả năng của mình, vừa giúp các bạn học nên cả gia đình đều khuyến khích. Nhưng dần, sợ “thầy” quá mải mê với lớp mà sao nhãng chuyện học hành nên gia đình giới hạn thời gian lên lớp của thầy vào 17h - 18h30 thứ 4, thứ 6 hàng tuần. Vừa đảm bảo không ảnh hưởng tới việc học các môn khác, “giáo sư” Giỏi cũng phải soạn giáo án cho tuần 2 buổi lên lớp của mình.
“Lần đầu tiên các bạn gọi cháu bằng thầy cháu cũng thấy ngại ngại nhưng giờ thì quen rồi, thấy vui vui và tự hào nữa. Các bạn tiếp thu cũng nhanh nhưng cũng hay nói chuyện riêng. Cháu nhắc nhở mà không được thì cháu sẽ ghi vào giấy và “xử lý” sau”, Giỏi hóm hỉnh cho biết. Cách “xử lý” của Giỏi cũng đầy tính sư phạm: Yêu cầu chép phạt bằng tiếng Anh để “trò” nhớ lâu hơn.
Nói về “thầy” Giỏi, "học trò" Trần Mạnh Trí cho biết: “Học thầy Giỏi thì dễ hiểu hơn những nơi khác. Bạn Giỏi cùng trang lứa với chúng cháu nên cách dạy cũng gần gũi hơn, dễ học hơn”.
Tuy nhiên, do chuẩn bị bước vào cấp 2 nên lớp học của Giỏi sẽ bị gián đoạn để “thầy” ổn định học tập, sắp xếp được thời gian hợp lý hơn. “Vừa qua một số phụ huynh cũng đưa con tới nhờ Giỏi giúp nhưng gia đình đành phải từ chối. Để một thời gian nữa, khi cháu đã ổn định học tập ở môi trường mới, bố mẹ sẽ tiếp tục cho cháu dạy”, anh Tài cho biết thêm.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, cậu bé Giỏi bộc bạch: “Sau này lớn lên cháu sẽ làm thầy giáo, truyền thụ kiến thức mình có được cho các em học sinh để ươm mầm tương lai cho đất nước”.
Câu chuyện của chúng tôi phải dừng lại vì Giỏi đã đến giờ lên lớp. Nhìn cậu bé cố rướn người để viết lên bảng, bên dưới là những “học trò” đang chăm chú theo từng nét phấn của thầy, tôi biết, con đường đến với ước mơ “ươm mầm tương lai” của em đã rất gần.
Hoàng Lam