Lời xin lỗi gây sốt cộng đồng mạng vào đề thi Giáo dục Công dân

(Dân trí) - Trải qua kỳ thi học kỳ 1, học sinh ở TPHCM vô cùng hào hứng với môn Giáo dục Công dân khi đề thi đưa vào những vấn đề sự kiện đầy hơi thở cuộc sống như hiện tượng hôi của, lời nhắn xin lỗi của nam sinh lớp 11 khi làm vỡ kính xe ô tô.

Học sinh lớp 7 tại quận 3 TPHCM thích thú khi trải qua môn thi GDCD với đề thi nói về câu chuyện cậu học trò lớp 11 ở Hải Phòng ghi lại lời nhắn xin lỗi vì làm vỡ kính xe.

Trong câu số 5, đề thi chụp lại bức ảnh về lời nhắn của cậu học trò được đăng tải rất nhiều trên cộng động mạng trong nhiều tháng qua. “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ô tô. Cháu xin lỗi ạ, liên lạc với cháu theo số điện thoại để cháu đền ạ (do không biết chủ ô tô là ai) 0949....”.

Lời nhắn xin lỗi vì làm vỡ gương xe của cậu học trò được Phòng GD-ĐT quận 3, TPHCM đưa vào đề thi môn GDCD
Lời nhắn xin lỗi vì làm vỡ gương xe của cậu học trò được Phòng GD-ĐT quận 3, TPHCM đưa vào đề thi môn GDCD

Đề thi cũng ghi chú thêm về diễn biến sau đó của sự việc chủ xe không bắt đền mà còn lấy đó làm tấm gương cho con mình.

Qua đó, yêu cầu học sinh hãy viết đoạn văn (7-10 câu) nêu suy nghĩ của em về anh học sinh trên và bản thân em sẽ rèn luyện như thế nào để trở thành người trung thực?

Câu 4 của đề thi này cũng đưa ra một tình huống khá gần gũi với học trò về việc con trẻ đòi hỏi quà cáp, giầy dép đắt tiền từ bố mẹ. Từ đó để nói lên trách nhiệm, sự quan tâm của con đối với cha mẹ.

Ở khối lớp 9, câu 4 nói về thực phẩm bẩn, đưa ra câu hỏi cho học trò suy nghĩ gì về việc làm của những tiểu thương buôn bán hàng giả, hàng nhái, trái cây hóa chất. Cũng như yêu cầu học trò đưa ra lời hứa tự trọng nếu sau này là một người kinh doanh, buôn bán.

Câu số 5 của đề thi kể về sự việc xe hàng bị bốc cháy xảy ra ở Bình Định. Khi đó, hàng chục người dân lao vào hôi của, cầm túi chạy đến để vơ vét, thu gom hàng hóa… bất chấp cảnh tài xế xe bất lực đứng khóc.

Đề thi khối 9 môn GDCD nói về thực phẩm bẩn, hiện tượng hôi của
Đề thi khối 9 môn GDCD nói về thực phẩm bẩn, hiện tượng hôi của

Đề nhận định việc hôi của này đi ngược với truyền thống lòng nhân ái của dân tộc. Từ đó yêu cầu học sinh viết đoạn văn ngắn khuyên người dân không nên hôi của.

Nhiều học sinh chia sẻ, đề thi GDCD đưa những hiện tượng cụ thể đầy hơi thở trong cuộc sống tạo cho các em hứng thú để bày tỏ quan điểm của mình về những giá trị sống như tình yêu thương, lòng tự trọng… chứ không nặng về những câu hỏi về lý thuyết, học thuộc. Đặc biệt, giúp các em có cái nhìn gần gũi, nhẹ nhàng và cảm nhận rõ hơn sự thiết thực về môn học lâu nay bị xem là khô cứng, giáo điều.

Cách ra đề thi môn GDCD đưa vấn đề cuộc sống vào theo các giáo viên khá giống với đề thi Văn phần nghị luận xã hội của nhiều năm đổ lại đây. Việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT đưa môn GDCD vào cũng góp phần thay đổi, tác động tích cực đến môn học này.

Lê Đăng Đạt

Dòng sự kiện: Đổi mới đề thi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm