Loay hoay sáp nhập các trung tâm “3 trong 1”

Trước tình trạng hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), trung tâm hướng nghiệp (TTHN) và trung tâm dạy nghề (TTDN)… hoạt động lãng phí, không đáp ứng yêu cầu đạo tạo…, ngành GDĐT các địa phương vùng ĐBSCL đang tính đến chuyện sát nhập các TT này làm một. Tuy nhiên, có không ít lo ngại được đặt ra…

Loay hoay sáp nhập các trung tâm “3 trong 1”
Tình trạng lãng phí ở các cơ sở dạy nghề, các TTHN cho thấy việc sáp nhập các trung tâm cần sớm được xem xét, triển khai thực hiện.

Quá nhiều bất cập!

Trước khi sáp nhập thành TT “3 trong 1”, tỉnh Đồng Tháp có 12 TTGDTX, 1 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp (TC) nghề và 8 TTDN. Ở từng huyện, thị xã, thành phố đều tồn tại song song các loại hình TTGDTX, TTDN và trường TC nghề.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, các TT và trường TC nghề bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Nhất là việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải, gây lãng phí, không tận dụng được cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ yêu cầu đào tạo…

Có nhiều trường TC nghề đầu tư hàng chục tỉ đồng, song mỗi năm chỉ tuyển được vài chục học sinh; một số khoa, phòng không tuyển được học sinh. Do vậy, trang thiết bị dạy nghề phải “trùm mền”; đội ngũ cán bộ, giáo viên hầu như không có việc làm…

Đó cũng là thực trạng chung ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tại các địa phương có hệ thống trường TCCN và TTGDTX do Sở GDĐT quản lý; trường TC nghề do Sở LĐTBXH quản lý. Việc đầu tư dàn trải hệ thống cơ sở đào tạo này đã dẫn đến một số hệ lụy: Không đủ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, các trường tuyển không đủ chỉ tiêu, thiếu giáo viên...

Trước tình trạng này, Bộ GDĐT đã có dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn sáp nhập các TTGDTX, TTDN và TT giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cấp huyện. Dự thảo đang trong quá trình xin ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Theo đó Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành xem xét việc sáp nhập để thành lập một TT nhiều chức năng…

Cần sự thống nhất chung

Do chưa có thông tư hướng dẫn chính thức nên một số địa phương đã tiến hành tự sáp nhập. Đến nay có tỉnh đã trình UBND và được chấp thuận sáp nhập TT “3 trong 1”, có tỉnh vẫn đang chờ do vướng cơ chế, vướng luật và chờ thông tư hướng dẫn. Vì vậy, mỗi nơi làm một kiểu, chưa có sự thống nhất chung.

Nếu 3 TT sáp nhập lại việc quản lý ra sao khi TTGDTX và TTHN “nằm trong” Luật Giáo dục, còn TTDN “nằm trong” Luật Dạy nghề. Hiện chưa có luật, chưa có văn bản nào quy định chức năng, nhiệm vụ của TT “3 trong 1” này.

Trước nhu cầu cấp bách đặt ra, hiện ở vùng ĐBSCL có nhiều tỉnh, thành đã sáp nhập thành công các TT này trên cơ sở thống nhất từ UBND tỉnh. Những tỉnh thực hiện sớm nhất là Đồng Tháp, An Giang. Từ tháng 12.2013, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đề án thành lập TTDN - GDTX và Trường TC nghề - GDTX cấp huyện thuộc tỉnh trên cơ sở hợp nhất TTDN với TTGDTX và trường TC nghề với TTGDTX cấp huyện.

Theo tính toán, khi sáp nhập và đi vào hoạt động ổn định, dự kiến mỗi năm sẽ tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho khoảng 1.000 lao động có nhu cầu học nghề tại địa phương và có trên 2.500 học viên theo học GDTX bậc THCS, THPT...

Theo ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở GDĐT Đồng Tháp - mặc dù có khó khăn, vướng mắc nhưng tỉnh đã tiến hành sáp nhập các TT. Nếu để các TT hoạt động như lâu nay sẽ gây nên tình trạng lãng phí, không hiệu quả, ngày càng ít học sinh theo học.

Tỉnh An Giang cũng đã tiến hành sáp nhập các TTDN, TTGDTX và trường TC nghề. Ông La Công Tâm - Giám đốc Sở GDĐT An Giang - cho biết, sáp nhập là cấp thiết vì các TT này hoạt động ở nhiều loại hình nhưng chưa có hiệu quả, việc quản lý nhiều bất cập…

Thời gian tới, Bộ GDĐT cần có chỉ đạo thống nhất việc sáp nhập. Nếu để mỗi tỉnh làm mỗi cách khác nhau sẽ có nhiều bất cập và rất khó quản lý. Sở GDĐT Long An cũng đã làm việc với Sở LĐTBXH để phối hợp, tham mưu UBND tỉnh về việc sáp nhập các TT, nhưng tỉnh đang gặp khó vì chưa có thông tư nên Sở LĐTBXH phải chờ ý kiến của Bộ LĐTBXH.
Theo Báo Lao Động