Loay hoay “giải cứu” tiếng Anh trong trường nghề

(Dân trí) - Về chuyên môn, sinh viên học nghề Việt Nam đã đạt những giải cao trong các cuộc thi tay nghề ở khu vực, nhưng về tiếng Anh thì vẫn rất đáng... “ngại”. Các trường và Tổng cục dạy nghề đang phải nỗ lực để xoay chuyển tình hình này.

Rất nhiều vấn đề về dạy tiếng Anh trong các trường Trung học, Cao đẳng nghề đã được nêu lên trong cuộc hội thảo “Giảng dạy tiếng Anh trong các trường nghề ở Việt Nam và Indonesia định hướng theo tiêu chuẩn TOEIC” ngày 11/01.

Sinh viên giỏi chỉ đạt 300 điểm TOEIC

Ông Cao Quang Đại, Phụ trách phòng Đánh giá và Cấp chứng chỉ dạy nghề, đánh giá việc dạy tiếng Anh trong trường nghề hiện nay: Thời lượng ít, phương pháp truyền thống, chưa có chương trình thống nhất, sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được đòi hỏi công việc.

Với qui định 60 tiết tiếng Anh tại bậc trung cấp, sinh viên tốt nghiệp chỉ có thể đạt khoảng 200 điểm TOEIC (khung điểm TOEIC là từ 10 đến 990 điểm), trong khi với 120 tiết bậc Cao đẳng, sinh viên tốt nghiệp chỉ có thể đạt khoảng 260 điểm.

Theo ông Lê Trường Sơn, Trưởng khoa ngoại ngữ Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành, “test” đầu vào của học sinh trước khi vào trường hiện nay chỉ đạt khoảng 175-185 điểm TOEIC. Để đạt trình độ TOEIC “tối thiểu” là 300 điểm cần 15 tín chỉ, với 225 tiết. Ở hệ Cao đẳng cần 22 tín chỉ với 330 tiết để có thể đạt 400 điểm TOEIC... Từ thực tế này ông Sơn cho rằng, hoặc là Bộ phải Bộ phải thay đổi theo hướng tăng thêm số tiết trong khung chương trình hoặc để cho các trường linh động điều chỉnh.

Hiện Tổng cục dạy nghề đã kết hợp với TOEIC tại Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo tiếng Anh trong các trường nghề.

 

Chương trình này đang được thẩm định và khi thẩm định xong sẽ sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Việt Mỹ lại có ý kiến khá “lạc quan” về việc dạy môn học này. Theo ông trường Việt Mỹ đã đặt tiêu chuẩn 600 điểm TOEIC đối với sinh viên tốt nghiệp. Mức chuẩn này theo ông “nghe có vẻ khó”, nhưng từ vài năm nay trường đã thực hiện như vậy.

Kinh nghiệm của trường này là kiểm tra đầu vào của học sinh, sau đó sắp xếp học sinh theo trình độ tương đương để có phương pháp nâng cao. Theo ông Bảo, cứ khoảng 60 tiết dạy của trường này sẽ nâng thêm khoảng 50 điểm TOEIC.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Điệp, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế đối ngoại tỏ ra nghi hoặc về việc đặt đầu ra 600 điểm như trường Cao đẳng Việt Mỹ, thậm chí theo ông Điệp có thể có vấn đề gì đó trong việc tổ chức thi. Bởi lẽ, trường Trung cấp Kinh tế đối ngoại đã nâng số tiết tiếng Anh lên 240-300 tiết nhưng với những sinh viên đi thi sinh viên giỏi của trường cũng chỉ đạt 300 điểm.

Ông Điệp cũng nêu ý kiến rằng, học để thi theo TOEIC thì phải có chương trình theo TOEIC và giáo viên cũng phải đào tạo lại theo TOEIC.

Học gì ở Indonesia?

Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho rằng, về tay nghề, sinh viên Việt Nam đạt kết quả tốt trong các kì thi trong khu vực và cả ở các kì thi có tầm lớn hơn, nhưng về tiếng Anh thì cả giáo viên và sinh viên Việt Nam lại... kém. Ông Lân cũng nêu lên kinh nghiệm tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đều có đòi hỏi về điểm TOEIC để tuyển lao động nghề.

Cũng theo ông Lân, Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm tương đồng về đào tạo nghề và hai nước có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm. TS Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề còn cho rằng, tới đây, các trường của hai bên có thể trao đổi giáo viên tiếng Anh cho nhau.

Theo TS Joko Sutrisno, Cục trưởng Cục giáo dục kĩ thuật và dạy nghề Indonesia, tại nước này học tiếng Anh với tần suất khá nhiều. Chẳng hạn, những ngành khách sạn, du lịch học 5 tiết/tuần với thời lượng tổng cộng là hơn 200 phút. Những ngành nghề kĩ thuật học 4 tiết/tuần. Thậm chí có những ngành học tới hơn 300 phút/tuần... Trong các trường Cao đẳng, Trung học nghề đều có qui định về ngày nói tiếng Anh trong tuần (giáo viên và học sinh chỉ nói tiếng Anh với nhau). Đặc biệt, có một số trường kĩ thuật còn bắt buộc dạy và học bằng tiếng Anh.

Sinh viên các trường nghề nếu không đạt 400 điểm TOEIC sẽ không được dự kì thi chứng chỉ nghề quốc gia. Các trường có nguồn hỗ trợ từ Chính phủ và các nguồn khác để tổ chức kì thi đánh giá trình độ tiếng Anh của sinh viên tốt nghiệp.

Vừa qua, trong số 100.000 sinh viên tốt nghiệp trải qua kì thi theo chuẩn TOEIC của nước này có 8.000 sinh viên xuất sắc vượt qua 600 điểm.

Mạnh Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm